Hotline: 0941068156
Thứ hai, 02/12/2024 21:12
Thứ năm, 07/11/2024 11:11
TMO - Nằm trong núi đá vôi thuộc hệ tầng Đồng Giao (khoảng 240 triệu năm), hang Con Moong thuộc bản Mọ xưa, nay là thôn Thành Trung, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) ẩn chứa nhiều bí ẩn khoa học và có giá trị văn hóa, lịch sử vô cùng to lớn. Đây cũng chính là nơi cư trú của người tiền sử.
Hang Con Moong (tiếng Mường nghĩa là hang Con Thú) là một hang đá trong Vườn Quốc gia Cúc Phương, hang có độ cao 147m so với mực nước biển, nằm trong núi đá vôi thuộc hệ tầng Đồng Giao, niên đại khoảng 240 triệu năm. Là một trong những hang động độc đáo và ẩn chứa nhiều điều thú vị.
Theo lý giải của người dân địa phương thì nơi này xưa kia có rất nhiều thú tập tụ về đây. Hang có hình bán nguyệt, có hai cửa thông nhau: Một cửa quay về hướng Ðông Nam, một cửa quay về hướng Tây Nam. Một trong những lý do người dân gọi đây là hang Con Thú vì tại cửa hướng Ðông Nam có một tảng đá nằm trước cửa hang, tạo hình con hổ phù phục.
Nhờ được bảo vệ nghiêm ngặt, hang Con Moong còn giữ được nét hoang sơ, với hệ thống động, thực vật khá phong phú. Toàn bộ hệ thống rừng nguyên sinh quanh khu vực hang hầu như còn giữ được nguyên vẹn, với nhiều loài cây gỗ quý, có đường kính lớn. Tại đây còn khá nhiều động vật hoang dã như: khỉ, gấu, hoẵng, nai rừng... Đặc biệt đây là một di chỉ khảo cổ đặc biệt ở xứ Thanh.
Niên đại sớm nhất của hang Con Moong cách ngày nay khoảng 40.000 đến 60.000 năm.
Theo tài liệu khảo cổ học, hang Con Moong được phát hiện vào năm 1974 và khai quật lần đầu tiên năm 1976. Đây là một hang thông hai đầu, dài khoảng 40 m, trần hang cao khoảng 9m. Qua các cuộc khảo sát, điền dã được tiến hành suốt nhiều năm, các nhà khoa học trong và ngoài nước đều thống nhất nhận định niên đại sớm nhất của hang Con Moong cách ngày nay khoảng 40.000 đến 60.000 năm. Các nhà khảo cổ đã xác nhận địa tầng di chỉ dày 9,5m tại hang Con Moong. Đây là một trong số di chỉ có địa tầng dày và được bảo tồn tốt ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Qua các lần khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện 10 lớp cấu trúc khác nhau.
Tại địa tầng hang Con Moong, các nhà khảo cổ phát hiện 10 lớp cấu trúc khác nhau. Tại các lớp từ 1 đến 6, đã tìm thấy công cụ lao động, xương cốt động vật, vỏ nhuyễn thể. Các lớp 7 đến 10 có công cụ đá quartz, di vật tập trung nhất là lớp 10 (độ sâu từ -8,5m đến -9,5m). Bước đầu, các nhà khảo cổ học ghi nhận 4 giai đoạn phát triển văn hóa ở hang Con Moong, từ tiền Sơn Vi, Sơn Vi, Hòa Bình - Bắc Sơn đến Đa Bút. Đặc biệt, ở đây còn tìm thấy các mộ táng theo kiểu “nằm co bó gối” - một trong những kiểu táng sớm nhất của con người.
Tại hang Con Moong, các nhà khoa học tìm thấy các mộ táng theo kiểu “nằm co bó gối” - một trong những kiểu táng sớm nhất của con người.
Di tích Hang Con Moong gắn với một số di tích hang động ở Vườn quốc gia Cúc Phương cho thấy, khoảng sau 7000 năm TCN, cư dân nơi đây đã làm một cuộc di cư vĩ đại, vươn ra chiếm lĩnh đồng bằng châu thổ huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) và Nho Quan, Tam Điệp (Ninh Bình) tạo dựng nên bộ mặt văn hóa mới – văn hóa Đa Bút - văn hóa Trung kỳ Đá mới Việt Nam. Có thể coi đây là công cuộc di cư khai châu thổ sông Hồng và sông Mã đầu tiên trong lịch sử.
Bên trong hang Con Moong ẩn chứa nhiều bí ẩn khoa học và có giá trị văn hóa, lịch sử vô cùng to lớn.
Song song với việc hoàn thiện khai quật hang Con Moong, các nhà khoa học đã khảo sát, khai quật và nghiên cứu các hang động xung quanh khu vực hang Con Moong. Từ Con Moong, trải qua hàng chục ngàn năm do biến đổi của khí hậu, thời tiết dẫn đến môi trường sinh sống được mở rộng, kỹ nghệ chế tác công cụ lao động, sinh hoạt ngày càng tiến bộ, người nguyên thủy đã tách ra từng bầy nhóm, di chuyển đến các hang động Mang Chiêng, hang Diêm, hang Lai, hang Mộc Long, Mái đá Mộc Long, hang Đắng (Động Người xưa), hang Bố giáo … Những kết quả nhiên cứu đó đã góp phần nâng tầm giá trị lịch sử - văn hóa của quần thể di tích - hang động khu vực hang Con Moong.
Bên cạnh những đợt khai quật khảo cổ học của các nhà khoa học trong nhiều năm qua, hang Con Moong còn là nơi đón rất nhiều lượt du khách trong, ngoài nước, học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu.
Với ý nghĩa khoa học và giá trị văn hóa, lịch sử vô cùng to lớn, hang Con Moong và các di tích phụ cận đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt tại Quyết định 2367/QĐ-TTg, ngày 23-12-2015.
Năm 2006, Chính phủ Việt Nam đồng ý lập hồ sơ đề cử hang Con Moong là Di sản Văn hóa thế giới. Nếu di chỉ khảo cổ hang Con Moong và các di chỉ cư trú khác tại Vườn Quốc gia Cúc Phương được UNESCO vinh danh, đây sẽ là Di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam.
Hiện UBND tỉnh Thanh Hoá và Viện Khảo cổ học Việt Nam đang phối hợp hoàn thiện hồ sơ trình Tổ chức Văn hóa - Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh hang Con Moong vào danh mục "Di sản thế giới".
Hoài Thu (ảnh: HT)
Bình luận