Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ hai, 12/02/2024 07:02
TMO - Với những tiềm năng sẵn có, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang nỗ lực phát huy, đưa du lịch trở thành một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế - xã hội.
Vĩnh Phúc gần với điểm đầu của quốc lộ 18 nối với Quảng Ninh, là cánh cửa mở ra biển để phát triển các ngành kinh tế cũng như dịch vụ du lịch. Đặc biệt, Vĩnh Phúc có lợi thế lớn nhờ giáp ranh với Thủ đô Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá và cũng là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Ngoài giao thông đường bộ và đường sắt, Vĩnh Phúc là địa phương có hệ thống sông khá dày đặc với hai con sông lớn là sông Hồng và sông Lô, đây là một thế mạnh có thể phát triển các tour du lịch hấp dẫn với việc xây dựng các bến thuyền du lịch ở những địa điểm thích hợp.
Địa phương này có đến hơn 1.300 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 514 di tích được xếp hạng các cấp, 3 di tích quốc gia đặc biệt gồm: Khu di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Tây Thiên, Di tích quốc gia đặc biệt kiến trúc nghệ thuật tháp Bình Sơn, Di tích quốc gia đặc biệt đình Thổ Tang. Khai thác tiềm năng này, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch 6 khu du lịch, dịch vụ trọng điểm và triển khai nhiều dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tạo các công trình điểm nhấn, sức hút riêng cho ngành Du lịch của tỉnh.
Khu danh thắng Tây Thiên là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc.
Tỉnh Vĩnh Phúc đang tập trung phát triển các loại hình du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh, bao gồm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, tâm linh, lễ hội, du lịch MICE, du lịch thể thao Golf, hình thành các khu du lịch trọng điểm có tính độc đáo, tạo ra sự khác biệt, cạnh tranh cao, có chất lượng dịch vụ tốt nhất, sản phẩm du lịch đa dạng; xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc thành một trong những vị trí chiến lược trong mạng lưới du lịch của cả nước và khu vực. Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường kết nối điểm đến và chuỗi cung ứng dịch vụ của tỉnh thành các sản phẩm du lịch an toàn, có chất lượng, giá cả hợp lý.
Đặt mục tiêu phát triển trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của miền Bắc, ngành du lịch Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp để dần hiện thực hóa mục tiêu này. Trong đó, chuyển đổi số được xác định là một trong những giải pháp quan trọng, là tiền đề để du lịch tỉnh có bước chuyển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đã giới thiệu đến người dân và du khách Cổng thông tin du lịch và Ứng dụng du lịch thông minh tỉnh Vĩnh Phúc. Cổng này được xây dựng với mục đích hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, tạo tương hỗ giữa du khách, chính quyền và doanh nghiệp. Xây dựng ngành Du lịch chất lượng cao, phục vụ du khách, thúc đẩy đóng góp vào phát triển nền kinh tế bền vững.
Cổng thông tin du lịch tỉnh Vĩnh Phúc được xây dựng với nền công nghệ tiên tiến nhất của cuộc cách mạng 4.0, sử dụng như trí tuệ nhân tạo, tham quan thực tế ảo VR 360… nhằm hỗ trợ du khách trải nghiệm, lựa chọn lịch trình yêu thích, tăng cường quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch tỉnh Vĩnh Phúc bằng hình thức điện tử. Cung cấp sản phẩm du lịch thông minh trên thiết bị di động cho các doanh nghiệp phát triển du lịch và khách du lịch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Ứng dụng “Vĩnh Phúc Tourism” được xây dựng trên nền tảng hệ điều hành iOS và Android trên thiết bị di động giúp du khách có thể tìm hiểu, cập nhật và tra cứu thông tin liên quan đến điểm đến, danh lam thắng cảnh, làng nghề tiêu biểu, nơi lưu trú, nhà hàng, địa điểm mua sắm… và nhiều tiện ích khác một cách thuận tiện nhất. Hệ sinh thái du lịch thông minh bền vững mà Vĩnh Phúc xâu dựng cũng nhằm giúp cơ quan quản lý Nhà nước thuận lợi nắm bắt thông tin và các doanh nghiệp phát huy tối đa năng lực của mình.
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số là một trong những bước đi cụ thể của lộ trình số hóa và kinh doanh dịch vụ nội dung số trên các nền tảng công nghệ thông minh. Đây cũng là tiền đề để du lịch tỉnh Vĩnh Phúc có bước chuyển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước đưa phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trung tâm du lịch lớn của miền Bắc và cả nước.
Vĩnh Phúc tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nhằm đạt được các mục tiêu trong năm 2024.
Năm 2023, ngành Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đón khoảng 9,3 triệu lượt khách tham quan du lịch. Số lượng du khách tăng 13% so với năm 2022 và tăng 2% so kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế 81.000 lượt, khách nội địa hơn 9.218.500 lượt. Số liệu của phòng quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tổng doanh thu du lịch ước tính đạt: 3,610 tỷ đồng tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Công suất sử dụng phòng đạt 40% đến 45%.
Tính đến tháng 12/2023 toàn tỉnh có 563 cơ sở lưu trú du lịch với 9.973 buồng và 7.500.000 cán bộ công nhân viên. Trong đó có 4 khách sạn 5 sao; 02 khách sạn 4 sao; 9 khách sạn 3 sao; 44 khách sạn 2 sao; 16 khách sạn 1 sao và 488 sơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7799: 2017 về Nhà nghỉ du lịch và 7800: 2017 nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê. Các cơ sở lưu trú đã tăng cường duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị, chất lượng dịch vụ ở các cơ sở lưu trú đã tốt hơn so với những năm trước, ngày càng mang lại nhiều sự hài lòng đối với du khách. Hiện nay trên địa bản tỉnh Vĩnh Phúc có 21 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành, trong đó có 07 đơn vị có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế và 14 đơn vị có giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa với thị trường khách Inbound (khách nước ngoài) từ Nhật Bản, Hàn Quốc là chủ yếu. Lượng khách Outbound (du lịch ra nước ngoài) do các công ty lữ hành tổ chức chiếm một tỉ lệ rất nhỏ.
Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh có nhiều đổi mới theo hướng đa dạng; ứng dụng hiệu quả các nền tảng số, mạng xã hội, kết nối, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong cả nước nhằm thu hút du khách đến với tỉnh. Đồng thời tham gia các chương trình xúc tiến du lịch, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch làng nghề, sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của tỉnh tại 2 địa phương Tuyên Quang và Khánh Hòa...; ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch, lữ hành của tỉnh với nhiều địa phương trong cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc (Kiên Giang)...
Bước sang năm 2024 ngành du lịch Vĩnh Phúc phấn đấu đón trên 10.600.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế phấn đấu đón khoảng 90.000 nghìn lượt; Doanh thu du lịch ước đạt trên: 4.000 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu trên, các đơn vị chuyên môn sẽ tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, theo dõi các đơn vị kinh doanh du lịch, đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, văn minh du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Bên cạnh việc tiếp tục xây dựng các kế hoạch quảng bá xúc tiến du lịch, phối hợp cùng các đơn vị liên quan xây dựng các chương trình quảng bá du lịch, đẩy mạnh quảng bá du lịch Vĩnh Phúc trên nền tảng số. Cơ quan chuyên môn cũng sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ về du lịch (quản lý cơ sở lưu trú du lịch, bàn - bar, lễ tân, buồng, hướng dẫn viên du lịch) cho cán bộ, nhân viên làm việc trong các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.
Thanh Hương
Bình luận