Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 11:01
Thứ năm, 09/11/2023 14:11
TMO - Thái Nguyên có nhiều loại khoáng sản với trữ lượng lớn, đây được coi là lợi thế để địa phương phát triển kinh tế-xã hội. Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên triển khai nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước trong khai thác nguồn tài nguyên này.
Với nguồn tài nguyên khoáng sản hiện có, tỉnh Thái Nguyên đã được tiến hành khai thác theo quy mô công nghiệp từ nhiều năm qua. Trong đó, có một số loại khoáng sản, như: Than đá, sắt, volfram, thiếc, vàng, đá vôi xi măng, ilmenit gốc, được khai thác hiệu quả, đem lại nguồn thu lớn cho kinh tế địa phương. Trong đó, than là khoáng sản có trữ lượng lớn nhất của tỉnh Thái Nguyên. Hiện trên địa bàn tỉnh có 11 mỏ than nằm trong quy hoạch phát triển khoáng sản, với tổng trữ lượng trên 95 triệu tấn. Một số mỏ than trên địa bàn tỉnh đã, đang được khai thác đem lại giá trị hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, như: Phấn Mễ (trữ lượng gần 10 triệu tấn); Núi Hồng (trữ lượng khoảng 15 triệu tấn); Khánh Hoà (trữ lượng 70 triệu tấn).
Ngay sau đó là quặng sắt với trên 30 điểm mỏ, điểm quặng với trữ lượng trên 34 triệu tấn. Nhưng lượng quặng sắt magenit hàm lượng Fe lớn hơn 55% chỉ chiếm khoảng 10 triệu tấn, còn lại là quặng sắt có hàm lượng Fe đạt khoảng 44%. Ngoài ra, titan, volfram là 2 loại khoáng sản quý hiếm có tại tỉnh Thái Nguyên. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện trên địa bàn có 1 mỏ titan, 17 điểm quặng phân bố ở xung quanh khu vực núi Chúa thuộc địa bàn 2 huyện: Phú Lương và Đại Từ. Trong đó, Mỏ titan Cây Châm (Phú Lương) có quy mô lớn nhất cả nước với trữ lượng khoảng 4,8 triệu tấn.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có một số khoáng sản kim loại như: Chì, kẽm, thiếc... đã được quy hoạch, phê duyệt điểm mỏ khai thác. Ví dụ như quặng chì kẽm tại khu vực Làng Hích (Đồng Hỷ) là một trong 2 mỏ ở Việt Nam được khai thác quy mô công nghiệp, có thành phần giàu kẽm và cadimi (Zn>25%). Đặc biệt tỉnh Thái Nguyên còn có khoáng sản quý hiếm khác là vàng, phân bố tại khu vực Trại Cau – Bồ Cu (Đồng Hỷ) với trữ lượng khoảng 2.500kg và ở Thần Sa - Khắc Kiệm (Võ Nhai). Địa phương này còn có tiềm năng về đá vôi phục vụ sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng của tỉnh cũng có nhiều lợi thế khi các khu vực dự trữ đá vôi phân bố rộng ở 4 huyện, gồm: Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa, có chất lượng và quy mô lớn đủ cung ứng cho các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh.
Trữ lượng tài nguyên khoáng sản lớn tạo điều kiện để tỉnh Thái Nguyên khai thác hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: HN.
Để quản lý hiệu quả, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản, tỉnh đã thực hiện Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017-2020. Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2021, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025. Theo cơ quan chức năng, các sở, ngành liên quan phối hợp với UBND cấp huyện rà soát, xác định nhu cầu về khoáng sản để điều chỉnh, bổ sung các điểm mỏ khoáng sản, hoàn thiện Phương án bảo vệ khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản tỉnh Thái Nguyên để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/3/2023.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 130 mỏ khoáng sản đang hoạt động và 91 mỏ ngừng, tạm ngừng hoạt động do hết hạn giấy phép, bị thu hồi giấy phép khai thác, trong đó có 62 giấy phép đã có quyết định đóng cửa mỏ; 29 giấy phép hết hạn, đang làm thủ tục đóng cửa mỏ, gia hạn giấy phép (trong 29 giấy phép hết hạn có 5 giấy phép đã được UBND tỉnh phê duyệt đề án đóng cửa mỏ).
Theo khảo sát của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, phần lớn mỏ dừng hoạt động đều ảnh hưởng ít nhiều đến người dân. Không chỉ có nguy cơ sạt lở đất đá, các moong nước sâu vốn là khai trường hoặc đập quặng đuôi còn tiềm ẩn xảy ra tai nạn đuối nước, nhất là với trẻ em. Nhiều mỏ dừng hoạt động vài năm nhưng chưa đóng cửa mỏ theo quy định của pháp luật gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai do hàng nghìn héc-ta đất bị bỏ không, ảnh hưởng đến công tác quy hoạch của địa phương.
Trước thực tế trên, đối với các mỏ giấy phép khai thác khoáng sản hết hạn, Sở TN&MT Thái Nguyên đã có văn bản thông báo chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác gửi đơn vị và địa phương nơi mỏ hoạt động. Đồng thời yêu cầu các đơn vị phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật hiện hành, quy định tại Khoản 2 Điều 55; Khoản 3 và 4 Điều 58 Luật Khoáng sản năm 2010, trong đó có công tác “đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường và đất đai khi giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực”; đề nghị UBND các huyện, thành chỉ đạo UBND các xã nơi có mỏ tăng cường kiểm tra và thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trong khu vực; ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp khai thác trái phép trên địa bàn.
Để giải quyết những hậu quả về môi trường sau khai thác, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng phải ký Quỹ phục hồi môi trường tùy theo mức độ, diện tích và trữ lượng mỏ. Hàng năm, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo quyết định được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Ngành chức năng tỉnh tăng cường kiểm tra và yêu cầu tạm dừng hoạt động do vi phạm về bảo vệ môi trường, khai thác không đúng thiết kế...Ảnh: DH.
Thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, đôc đốc, tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát, tổng hợp các nhiệm vụ được giao để tiếp tục tổ chức, triển khai thực hiện đạt mục tiêu, hiệu quả kiểm soát chặt chẽ hoạt động khoáng sản, không để xảy ra sai phạm, thất thoát; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, siết chặt kỷ cương trách nhiệm trong công tác cấp phép, quản lý hoạt động khoáng sản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; có cơ chế giám sát trách nhiệm, quyền lực của cá nhân, bộ phận tổ chức thực hiện trong từng khâu, từng vị trí tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực để chủ động phòng ngừa. Bên cạnh đó, ngăn chặn triệt để hoạt động khai thác trái phép, đầu cơ, nâng giá, tạo khan hiếm giả vật liệu xây dựng thông thường ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng của các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Đối với UBND các huyện, thành phố, cần thực hiện nghiêm, đúng trách nhiệm quy định tại Luật Khoáng sản; chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện nghiêm trách nhiệm của UBND cấp xã quy định tại Luật Khoáng sản, tuyệt đối không để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.
UBND tỉnh cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu, tổ chức thực hiện việc đấu giá các mỏ đất san lấp trên địa bàn tỉnh đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý chủ trương. Việc tham mưu tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải tuân thủ đúng, đầy đủ, chặt chẽ, chính xác các chủ trương, đường lối, quy định của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; rà soát, xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành Trung ương đối với những nội dung phải xin ý kiến và các nội dung phát sinh (nếu có) theo quy định.
Trong quá trình triển khai thực hiện, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường, nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước; kịp thời phát hiện các sai phạm và xử lý (nếu có); tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, trục lợi chính sách, thất thoát tài sản, ngân sách, đất đai, khoáng sản của Nhà nước và không gây vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp; đảm bảo thực hiện công khai, minh bạch theo quy định về thông tin quy hoạch, đấu giá quyền khai thác khoáng sản, cấp phép, thời gian, trữ lượng của mỏ. Đồng thời, tham mưu, báo cáo UBND tỉnh tổ chức việc ký cam kết của Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện thành phố; người đại diện theo pháp luật của các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trong việc quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh…
Lê Sơn
Bình luận