Hotline: 0941068156
Thứ hai, 14/04/2025 00:04
Chủ nhật, 13/04/2025 06:04
TMO - Lưu vực sông Đồng Nai là một trong những hệ thống sông lớn và quan trọng nhất miền Nam, tuy nhiên lại đang chịu nhiều sức ép từ ô nhiễm, khai thác quá mức và biến đổi khí hậu. Trước nguy cơ suy thoái nguồn nước, các địa phương trong khu vực đã và đang tăng cường các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước gắn với phát triển bền vững.
Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là một lưu vực sông nội địa có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội khu vực phía Nam nói riêng. Các vấn đề liên quan đến phát triển, quản lý tài nguyên nước trong lưu vực sông đang ngày càng trở nên nóng hơn khi môi trường lưu vực đang có xu hướng bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Chính các vấn đề này làm cho việc xây dựng quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Đồng Nai trở nên cấp thiết hơn. Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là một trong những lưu vực lớn nhất lớn của cả nước, chảy qua 11 tỉnh, thành phố phía Nam, trong đó có Đồng Nai gồm có 4 sông chính gồm: Đồng Nai, Sài Gòn, Thị Vải và Vàm Cỏ. Đây là vùng có tốc độ đô thị hoá nhanh và dân số thành thị chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với trung bình của cả nước. Xét về mặt sử dụng nước, vùng ven biển bao gồm các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nguồn nước ở lưu vực sông này, đặc biệt là các công trình chuyển nước đã, đang và dự kiến xây dựng.
Bên cạnh việc cung cấp nước cho sinh hoạt, hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, lưu vực sông Đồng Nai còn đóng góp bởi các công trình thủy điện. Tuy nhiên, nhiều năm qua, tình trạng khô kiệt dòng chảy vào mùa khô, lũ lụt cục bộ do mưa và thủy điện xả lũ vào mùa mưa đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất và đời sống của người dân trong vùng.
Việc quản lý lưu vực sông Đồng Nai là một quá trình phức hợp đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành, lĩnh vực và địa phương. Do đó, hoạt động nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên đất và nước lưu vực sông Đồng Nai cùng việc đề xuất giải pháp thích ứng là vấn đề cấp thiết.
Thời gian qua, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã dành thời gian đi dọc lưu vực sông Đồng Nai, các luồng lạch, suối nguồn đổ ra sông nhằm đo đạc chính xác từng thời điểm trong năm. Qua đó phân tích, đánh giá thực trạng và xu thế biến đổi khí hậu, đặc biệt là những tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước và đất tại lưu vực thượng nguồn dòng sông. Theo các dữ liệu đã phân tích, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thời gian qua, nhiệt độ trung bình tại lưu vực sông Đồng Nai tăng cao rõ rệt.
Lưu vực sông Đồng Nai có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội khu vực phía Nam.
Điều này sẽ làm tăng tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng và hạn hán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp và tài nguyên nước. Biến đổi lượng mưa cũng cho thấy có phân bố không đồng đều giữa các khu vực và có xu hướng giảm vào mùa khô; từ đó đã gây ra hạn hán vào mùa khô và lũ lụt vào mùa mưa.
Đồng thời làm gia tăng áp lực lên nguồn nước, đặc biệt là trong các tháng khô hạn; sẽ tạo ra sự bất thường trong dòng chảy và làm gia tăng nguy cơ lũ lụt, hạn hán tại khu vực. Các nghiên cứu cũng chỉ ra, lưu vực sông Đồng Nai đã trải qua nhiều biến động về dòng chảy, gây khó khăn cho việc cung cấp nước tưới tiêu và sinh hoạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thủy điện và các ngành công nghiệp phụ thuộc vào nước. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, xói mòn đất đã gia tăng mạnh, đặc biệt tại các khu vực đồi núi, khu vực có thảm thực vật suy giảm…
Trước thực trạng nêu trên, các nhà khoa học đã đề xuất các giải pháp về quản lý và kỹ thuật nhằm bảo vệ và phát triển tài nguyên đất và nước, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Trong đó có các giải pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước, như: Cải tiến hệ thống tưới tiêu, xây dựng hồ chứa nhỏ, ao trữ nước và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp; tăng cường năng lực dự báo và cảnh báo thiên tai để giảm thiểu rủi ro cho người dân; điều chỉnh chính sách và triển khai các biện pháp thích ứng sớm nhằm bảo đảm phát triển bền vững.
Đề xuất các giải pháp tổng thể quản lý bền vững tài nguyên đất đai, bao gồm công tác quy hoạch sử dụng đất và các biện pháp kỹ thuật, như: thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biện pháp canh tác; giải pháp quản lý nước cho các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, đô thị, nông thôn và các hoạt động dịch vụ…
Để bảo vệ tài nguyên nước và đất lưu vực sông Đồng Nai, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 8/1/2024 phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quyết định nêu rõ, phạm vi lập quy hoạch gồm diện tích lưu vực sông Đồng Nai thuộc địa giới hành chính Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Nông, Lâm Đồng (không kể phần diện tích thuộc tỉnh Long An được đưa vào Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long) và phần diện tích các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận là vùng nhận chuyển nước từ lưu vực sông Đồng Nai (sau đây gọi chung là vùng quy hoạch) và được phân chia thành 6 tiểu vùng quy hoạch, gồm: Thượng lưu sông Đồng Nai; hạ lưu sông Đồng Nai; sông Sài Gòn - thượng Vàm Cỏ; sông Bé; sông La Ngà và phụ cận ven biển.
Bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông Đồng Nai góp phần phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước. (Ảnh minh hoạ).
Mục tiêu tổng quát nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông và toàn vùng quy hoạch; tích trữ, điều hòa, phân phối tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội.
Bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái, thảm phủ thực vật và đa dạng sinh học. Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và tác hại do nước gây ra, có lộ trình phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Từng bước thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia trên cơ sở xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước, bảo đảm kết nối với hệ thống thông tin tài nguyên môi trường và các ngành có khai thác, sử dụng nước.
Mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu đạt 100% các nguồn nước liên tỉnh được công bố khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải; 80% công trình khai thác, sử dụng nước được giám sát vận hành và kết nối hệ thống theo quy định; 70% hồ, ao, kênh, rạch có chức năng điều hòa, có giá trị cao về đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng không được san lấp được công bố và quản lý, bảo vệ.
Tầm nhìn đến năm 2050, duy trì, phát triển tài nguyên nước, điều hòa, phân phối nguồn nước bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với các điều ước quốc tế, hợp tác song phương, đa phương liên quan đến tài nguyên nước mà Việt Nam đã tham gia. Tăng cường bảo vệ tài nguyên nước, bảo đảm số lượng, chất lượng nước đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và giảm thiểu tác hại do nước gây ra…/.
Mai Hoa
Bình luận