Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ tư, 14/08/2024 07:08
TMO - Tỉnh Lào Cai xác định quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản tại các địa phương trên địa bàn góp phần phát huy hiệu quả nguồn lực tài nguyên trong phát triển triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Lào Cai là tỉnh có tiềm năng khoáng sản dồi dào, với hơn 100 điểm mỏ, gồm 30 loại khoáng sản như a-pa-tít, đồng, sắt, vàng, gra-phit, chì, kẽm, mô-líp đen... có thể khai thác ở quy mô công nghiệp. Trong đó, riêng ba loại quặng a-pa-tít, đồng, sắt đang được khai thác trên quy mô lớn, hằng năm đạt hàng chục triệu tấn quặng phục vụ sản xuất phân bón, nguyên liệu xây dựng và sản xuất hàng hóa dân dụng khác.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai cho biết, quản lý Nhà nước trên lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản là một trong những nhiệm vụ quan trọng liên quan đến sự phát triển ổn định và bền vững. Do vậy, trong quá trình xem xét cấp phép Lào Cai luôn ưu tiên các dự án khai thác gắn liền với chế biến sâu, có nhà máy trên địa bàn tỉnh, sử dụng công nghệ sạch, ít hoặc không tạo ra chất thải gây ô nhiễm môi trường; gắn việc khai thác, chế biến với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên.
Địa phương cũng ban hành công văn tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn và quy chế phối hợp trong quản lý tài nguyên khoáng sản, theo đó, đã phân định rõ trách nhiệm cho từng ngành, địa phương quản lý tài nguyên khoáng sản và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ngoài ra, Chủ tịch UBND các huyện cũng chịu trách nhiệm về chức năng, nhiệm vụ đối với hoạt động khai thác khoáng sản tại địa phương mình quản lý.
Khoáng sản là nguồn lực quan trọng để tỉnh Lào Cai khai thác trong phát triển kinh tế-xã hội.
Thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 về Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa các-bon. Đẩy mạnh đầu tư, hình thành ngành khai thác, chế biến đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, phù hợp với xu thế của thế giới.
Đối với các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng (bauxite, titan, đất hiếm, cromit, niken, đồng, vàng), các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải có đủ năng lực và phải đầu tư các dự án chế biến phù hợp sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường bền vững. Hạn chế và tiến tới chấm dứt khai thác các mỏ trữ lượng thấp, phân tán, nhỏ lẻ, tập trung tài nguyên khoáng sản từ các mỏ/điểm mỏ quy mô nhỏ thành các cụm mỏ quy mô đủ lớn để đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại.
Quy hoạch phát triển các loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 866 về thăm dò khoáng sản, thực hiện thăm dò 12 loại khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh với diện tích là 17.918,6 ha. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2030 có 35 đề án thăm dò (4 đã cấp, 31 cấp mới); giai đoạn 2031 - 2050 có 6 đề án cấp mới gồm 5 đề án đồng, 1 đề án apatit.
Về khai thác và tuyển quặng, duy trì các giấy phép khai thác đã được cơ quan có thẩm quyền cấp để đảm bảo tính ổn định cho các dự án chế biến, sử dụng các loại khoáng sản đã đầu tư xây dựng. Thực hiện khai thác đối với 13 loại khoáng sản, tổng diện tích khai trường 22.826,2 ha. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2030 có 75 dự án (26 dự án đã cấp, 49 dự án cấp mới), giai đoạn 2031 - 2050 có 59 dự án. Trong chế biến, tập trung nguồn lực trong nước và đẩy mạnh hợp tác quốc tế đầu tư chế biến sâu các loại khoáng sản như: Đồng, đất hiếm,… Giai đoạn 2021 - 2030 có 14 dự án (đã cấp 8 dự án, 6 dự án cấp mới), giai đoạn 2031 - 2050 có 12 dự án.
Để tiếp tục khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản phục vụ mục tiêu bảo vệ môi trường giảm nghèo bền vững, thời gian tới, địa phương tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ việc thực hiện trách nhiệm xã hội của tổ chức, cá nhân với cộng đồng nơi khai thác khoáng sản cũng như việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Đồng thời, quy định và giám sát các doanh nghiệp khai thác phải ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào khai thác, chế biến khoáng sản và các dịch vụ có liên quan. Cùng với chính quyền địa phương, doanh nghiệp phải bảo đảm việc chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân có đất bị thu hồi để khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, Sở cũng thường xuyên tham mưu UBND tỉnh Lào Cai điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ địa phương (nơi có khoáng sản được khai thác) phát triển kinh tế – xã hội, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản, hạn chế thất thoát tài nguyên.
UBND tỉnh cũng vừa ban hành văn bản các Sở, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các tổ chức, đơn vị hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh hoàn thiện thủ tục thuê đất, thuê đất bổ sung, gia hạn thời gian thuê đất nhằm đưa các dự án khai thác khoáng sản vào hoạt động đảm bảo đúng quy định pháp luật về đất đai, khoáng sản, đầu tư và pháp luật khác có liên quan.
UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện kiểm tra, quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn theo chức năng, trách nhiệm, thẩm quyền quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Quản lý chặt chẽ, kịp thời ngăn chặn dứt điểm hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, khai thác không đúng các nội dung ghi trong giấy phép khai thác khoáng sản; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, không đúng giấy phép, nhất là việc khai thác khi chưa được thuê đất, ra ngoài ranh giới cấp phép, vượt công suất, không đúng thiết kế được duyệt; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn quản lý.
Sở Công Thương chủ trì, tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với hoạt động của các nhà máy tuyển quặng trên địa bàn tỉnh qua đó kịp thời phát hiện vi phạm để xử lý (nếu có); kiểm tra, giám sát việc gia cố đê quai bãi thải quặng đuôi của các nhà máy tuyển đảm bảo an toàn, việc xuất bán quặng sắt sau tuyển đối với Công ty Cổ phần Khai thác chế biến khoáng sản Lào Cai; công tác bảo vệ môi trường, an toàn trong khai thác mỏ và tổ chức khai thác theo thiết kế mỏ được phê duyệt.
Cục Thuế tỉnh kiểm tra, rà soát việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính trong hoạt động khoáng sản như: Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường... của các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm những doanh nghiệp không nộp, chậm nộp các nghĩa vụ tài chính theo quy định.../.
Ngọc Loan
Bình luận