Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 08:11
Thứ sáu, 04/08/2023 08:08
TMO - Tỉnh Bình Định xác định, đấu giá quyền khai thác khoáng sản để quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, giảm thiểu các tác động đến môi trường. Đồng thời phát huy tiềm năng khoáng sản, thu hút đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, việc cấp phép khai thác khoáng sản thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã lựa chọn được những tổ chức, cá nhân có năng lực tham gia vào hoạt động khai thác khoáng sản, có cam kết chế biến sâu, tiêu thụ sản phẩm; đầu tư công nghệ khai thác thân thiện môi trường. Đồng thời, góp phần xóa bỏ được cơ chế “xin - cho”, phát huy được giá trị tiềm năng của khoáng sản, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản và tăng thu ngân sách của Nhà nước.
Đặc biệt, thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp có cơ hội tham gia cạnh tranh công bằng, hạn chế tối đa việc độc quyền trong lĩnh vực khoáng sản; xác định được năng lực đầu tư của doanh nghiệp thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản cũng nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các nghĩa vụ về tài chính với Nhà nước theo quy định của pháp luật về khoáng sản; tạo được sự đồng thuận giữa các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, tạo môi trường đầu tư lành mạnh với các tổ chức, cá nhân khi tham gia đầu tư, khai thác khoáng sản.
Tỉnh Bình Định đưa các mỏ khoáng sản vào đấu giá quyền sử dụng nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác tài nguyên này trên địa bàn tỉnh.
Năm 2023, tỉnh Bình Định đưa 45 mỏ khai thác khoáng sản vào đấu giá, trong đó 6 khu vực mỏ đã có kết quả thăm dò khoáng sản và 39 khu vực mỏ chưa có kết quả thăm dò khoáng sản. UBND tỉnh Bình Định giao Sở Tài nguyên và Môi trường; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND cấp xã nơi có mỏ khoáng sản và tổ chức đấu giá tài sản được lựa chọn công khai thông tin các điểm mỏ được phê duyệt Kế hoạch đấu giá theo quy định tại Điều 57 Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
Trình tự, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thực hiện theo Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Nghị định của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản và Thông tư 02/2022/TT-BTP ngày 08/02/2022 của Bộ Tư pháp hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Thời gian thực hiện Kế hoạch đấu giá là trong năm 2023. Trường hợp trong năm 2023 chưa thực hiện đấu giá thành công thì tiếp tục thực hiện việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong năm 2024.
Dự kiến số tiền thu được khoảng 46.050.000.000 đồng (chênh lệch 2 bước giá). Theo Quyết định số 4179/QĐ-UBND ngày 22/12/2022 của UBND tỉnh về việc giao dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023. Trường hợp dự toán kinh phí thực hiện đấu giá còn thiếu, giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh cho phép bổ sung kinh phí để thực hiện theo quy định.
UBND tỉnh Bình Định cho biết, việc đưa các mỏ khoáng sản vào đấu giá quyền sử dụng nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động khoáng sản phù hợp với quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 và các quy định pháp luật khác có liên quan. Phát huy tiềm năng khoáng sản, thu hút đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản tại địa phương, tăng nguồn thu ngân sách cho Nhà nước.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu hoạt động khai thác khoáng sản phải đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm, không lãng phí, thất thoát tài nguyên; cung ứng kịp thời nhu cầu xây dựng cơ bản, phục vụ thi công các công trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và nhu cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh Bình Định. Các khu vực khoáng sản được lựa chọn đưa ra đấu giá phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt kế hoạch đấu giá (ngoài khu vực đã được UBND tỉnh khoanh định là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010).
Đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch, liên tục, bình đẳng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia đấu giá. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên.
Thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản đảm bảo đúng quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và quy định tại Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Ngh định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản; Thông tư liên tịch số 54/2014/TTLTBTNMT-BTC ngày 09/9/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài chính quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ; Quyết định số 16/2016/QĐ-UBND ngày 03/02/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Hoạt động đấu giá phải đảm bảo minh bạch, công khai nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực khoáng sản trong phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Theo Sở TN&MT Bình Định, trên địa bàn tỉnh hiện có 143 mỏ khoáng sản được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác; cùng với đó còn có 6 giấy phép khai thác khoáng sản khác do Bộ TN&MT cấp, tất cả đều còn hiệu lực. Việc cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản khác, gồm: Cấp phép khoáng sản đấu giá - thực hiện theo quy định; cấp phép khoáng sản không đấu giá - chỉ cấp cho các đơn vị thi công hạ tầng theo khối lượng, thời gian phục vụ các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản khác trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, khiếm khuyết cần được khắc phục, đó là một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác bảo vệ mỏ, tài nguyên khoáng sản, xử lý khai thác khoáng sản khác trái phép chưa kịp thời gây bức xúc trong dư luận; việc chấp hành quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản khác của một số doanh nghiệp chưa tốt, để xảy ra hiện tượng khai thác khoáng sản khác làm ảnh hưởng xấu đến môi trường…
Nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản khác, Sở TN&MT Bình Định đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, Chỉ thị tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là Kế hoạch 39/KH-UBND ngày 9.3.2023 thực hiện Kế hoạch 50-KH/TU ngày 16.12.2022 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, sẽ ưu tiên cấp phép khai thác khoáng sản khác cho các doanh nghiệp có năng lực, sử dụng công nghệ tiên tiến gắn khai thác khoáng sản khác đi kèm với bảo vệ môi trường sinh thái theo mô hình kinh tế tuần hoàn; triển khai cho các doanh nghiệp gắn camera giám sát tại các điểm mỏ kết nối với dữ liệu của ngành TN&MT để quản lý; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm; từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu GIS về địa chất, khoáng sản đồng bộ kết nối với cơ sở dữ liệu của tỉnh...
Minh Hòa
Bình luận