Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 16:11
Chủ nhật, 02/04/2023 07:04
TMO - Huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) có điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển các loài cây dược liệu và được xem là “thủ phủ” của một số loại cây có giá trị kinh tế cao như sâm Ngọc Linh, quế Trà My. Thời gian qua địa phương đã có nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ người dân đẩy mạnh trồng, bảo vệ các loài dược liệu, qua đó hình thành các vùng dược liệu trọng điểm tại địa phương.
Với độ cao trung bình từ 1000-1500m so với mực nước biển, lượng mưa trải đều trong các tháng trong năm, đất đai màu mỡ, độ che phủ rừng trên 65%; rừng núi nơi đây có tầng đất mặt ít bị bào mòn nên rất thuận lợi cho cây trồng, nhất là đối với cây dược liệu như: đảng sâm, đương quy, giảo cổ lam, kim cương (lan gấm), sơn tra, sa nhân …, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh và quế Trà My.
Đến nay, huyện Nam Trà My đã triển khai hỗ trợ cho nhân dân 10/10 xã trồng dược liệu dưới tán rừng, với diện tích 366ha, có khoảng trên 1.500 hộ dân tham gia. Năm 2022, huyện Nam Trà My trồng được 74,9ha cây dược liệu (gồm đẳng sâm, lan kim tuyến, giảo cổ lam, đương quy) và sâm Ngọc Linh; trồng mới 1.438ha rừng, gồm các loại cây như quế, dỗi, xoan ta, sao đen… Trong năm 2023, huyện Nam Trà My xác định hướng phát triển kinh tế chính vẫn là phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh, cây quế Trà My.
Sâm Ngọc Linh được xác định là cây dược liệu chủ lực trong sản xuất dược liệu tại huyện Nam Trà My. Ảnh: ĐT.
Phát huy những kết quả bước đầu đạt được, Đại hội Đảng bộ huyện Nam Trà My lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế đó là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ưu tiên đầu tư phát triển mạnh cây dược liệu, Sâm Ngọc Linh, làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tận dụng lợi thế đặc thù về khí hậu, thổ những, Nam Trà My đang tập trung huy động mọi nguồn lực để hình thành vùng trọng điểm sản xuất dược liệu của quốc gia. Trong đó, Sâm Ngọc Linh sẽ là cây tiên phong và cùng với Quế, Sâm nam, Giảo cổ lam, Đương quy, Lan kim tuyến, Thất diệp nhất chi hoa, Chè dây, Khổ qua rừng... tạo nên sự đa dạng về vùng nguyên liệu để cung cấp cho các nhà máy chế biến sản phẩm công nghiệp dược phẩm, mỹ phẩm.
Trong đó, địa phương này sẽ đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch gắn với cây dược liệu, cây Sâm Ngọc Linh. Mỗi năm phát triển từ 200.000 đến 300.000 cây giống sâm Ngọc Linh; gieo ươm, trồng mới quế Trà My đạt 1.500 ha/năm (tương đương 03 triệu cây/năm), đến năm 2025 tổng diện tích trồng đạt 10.000 ha; trồng các loại cây dược liệu đạt trên 50ha/năm.
Đến năm 2030, tập trung tất cả các nguồn lực để phát triển kinh tế theo hướng ổn định, bền vững. Đặc biệt là dựa trên việc khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương về cây dược liệu, cây Sâm Ngọc Linh. Xây dựng được Vùng bảo tồn và phát triển cây dược liệu trọng điểm của quốc gia, nhằm bảo tồn những nguồn gen quý hiếm, cung cấp nguyên liệu, phát triển thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, qua đó tạo sự lan tỏa ra các địa phương lân cận, tạo động lực hình thành các vùng nuôi trồng, chế biến dược liệu tập trung, quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung, phấn đấu xây dựng Nam Trà My thành vùng dược liệu trọng điểm của cả nước.
Giống quế bản địa được địa phương này chú trọng gieo trồng để hình thành vùng dược liệu trọng điểm.
Là huyện miền núi nằm dưới dãy Ngọc Linh hùng vĩ, Nam Trà My sở hữu nhiều lợi thế về thiên nhiên, con người và văn hóa đa dạng, đặc sắc để phát triển du lịch. Trong đó, lý tưởng nhất là khai thác du lịch cộng đồng dưới góc độ khám phá cây sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu cùng hệ sinh thái thiên nhiên trong lành, gắn với tìm hiểu văn hóa, ẩm thực đặc trưng của vùng cao xứ Quảng.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 787/QĐ-TTg ngày 5/6/2017 công nhận sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) là sản phẩm quốc gia, UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý cho phép huyện Nam Trà My tổ chức Lễ hội sâm Ngọc Linh vào ngày 01/8 hằng năm, phiên chợ sâm Ngọc Linh và hàng nông sản đặc trưng miền núi định kỳ trong 03 ngày đầu hàng tháng. Kể từ phiên chợ đầu tiên được tổ chức vào tháng 10/2017, đến nay Nam Trà My vẫn duy trì, tổ chức các phiên chợ hiệu quả, mang lại nguồn thu lớn cho địa phương và người trồng sâm, đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu mua sâm và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh của du khách.
Để tiếp tục mở rộng quy mô và đa dạng các sản phẩm du lịch vùng sâm, trong những năm gần đây huyện Nam Trà My đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp các địa điểm tham quan nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Đồng thời, huyện cũng tập trung làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch gắn với phát huy lợi thế cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn cũng như bảo vệ môi trường.
Phiên chợ sâm tại huyện Nam Trà My mang lại nguồn thu lớn cho địa phương và người trồng sâm. Ảnh: VA.
Nhằm tiếp tục khai thác lợi thế tự nhiên hướng tới mục tiêu trở thành một trong những vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia, thời gian tới huyện Nam Trà My chú trọng đến công tác nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư về dược liệu để khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên dược liệu. Sử dụng nhiều phương thức sản xuất giống khác nhau: gieo ươm từ hạt, nhân giống vô tính (giâm hom, nuôi cấy mô tế bào) để sản xuất giống đảm bảo chất lượng và đủ cung cấp cho nhu cầu phát triển.
Nâng cấp xây dựng các vườn ươm tiêu chuẩn trên địa bàn huyện. Tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại cho nông dân, cho chủ vườn, chủ trang trại. Chú trọng khâu chế biến, chế biến sâu các sản phẩm dược liệu, tạo ra các sản phẩm có lợi thế, đặc trưng ở địa phương để tham gia chương trình mỗi xã, một sản phẩm (chương trình OCOP).
Xây dựng và quảng bá thương hiệu các loại dược liệu đặc sản như Sâm Ngọc Linh, quế Trà My, Đảng sâm, Chè dây, Giảo cổ lam… Đồng thời, thực hiện việc gắn chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm này. Xây dựng kênh phản hồi thông tin hai chiều giữa người sản xuất và người tiêu dùng thông qua kênh bán lẻ để từ đó tạo ra sản phẩm đáp ứng thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng. Thực hiện chứng nhận chỉ dẫn địa lý, lập hồ sơ đăng kí thương hiệu, bảo hộ độc quyền trong và ngoài nước.
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong khu vực bảo tồn và phát triển cây dược liệu; xây dựng ý thức bảo vệ, phát triển các loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao gắn với ý thức bảo vệ rừng tự nhiên. Tăng cường công tác quảng cáo, quảng bá bằng nhiều hình thức như: xây dựng các điểm trưng bày sản phẩm tại các đầu mối giao lưu xã, trung tâm huyện trong và ngoài tỉnh.
Thanh Tùng
Bình luận