Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 09:11
Thứ bảy, 17/06/2023 12:06
TMO - Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, tỉnh Quảng Bình đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thu hút nhà đầu tư để khai thác tiềm năng, hướng tới trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước.
Với địa thế biển rừng gần nhau, độ che phủ của rừng đứng thứ hai cả nước, bờ biển dài 116km, Quảng Bình được đánh giá là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…
Theo Sở Công Thương Quảng Bình, nằm trong vành đai nhiệt đới bắc bán cầu, chế độ nhiệt của Quảng Bình thể hiện tính chất nhiệt đới gió mùa, với một nền nhiệt độ cao và phân bố khá đồng đều quanh năm. Tổng lượng bức xạ từ 1.256,04 đến 1.418,86 kWh/m2/năm; số giờ nắng ở vùng đồng bằng ven biển từ 1.650 đến 1.820 giờ; cường độ bức xạ trung bình 4,03-4,5kWh/m2/ngày. Đây là những lợi thế lớn cho thấy địa phương này còn nhiều tiềm năng về phát triển điện mặt trời. Theo Sở Công thương Quảng Bình, tổng công suất dự án điện mặt trời mà địa phương đăng ký vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia là 1.241MWp.
Bên cạnh đó, Quảng Bình là một trong những tỉnh có nhiều tiềm năng về phát triển điện gió. Qua khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, vận tốc gió vùng ven biển bình quân 5,5-6,0m/s, vùng núi 6,2-7m/s. Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với các đơn vị triển khai lập quy hoạch phát triển điện gió mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp năng lượng sạch ở địa phương nhiều nắng, nhiều gió này.
Cụm trang trại điện gió B&T ở Quảng Bình.
Với những tiềm năng trên, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy Quảng Bình đã ban hành Chương trình hành động số 36-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quảng Bình. UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Kế hoạch số 2370/KH-UBND, ngày 29/12/2020 thực hiện Chương trình hành động số 36-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Theo đó, địa phương này đề ra mục tiêu cụ thể: Cân đối cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trên địa bàn tỉnh và đóng góp cho nhu cầu phát triển năng lượng quốc gia; phát triển đa dạng các loại hình năng lượng, ưu tiên phát triển điện khí, năng lượng tái tạo và năng lượng sạch. UBND tỉnh Quảng Bình cũng xây dựng kế hoạch thực hiện nhằm tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng thu hút các nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát, đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn.
Tỉnh Quảng Bình đã kêu gọi, cho phép nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tiến hành nghiên cứu, khảo sát và triển khai thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện khí... Tính đến cuối tháng 2/2023, tỉnh Quảng Bình đã có tổng công suất điện gió đã đưa vào vận hành là 252 MW; điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà 95,196 MWp; thủy điện là 14 MW; điện thu hồi nhiệt thải phát điện 17MW.
Điện mặt trời áp mái là một trong những nguồn năng lượng tái tạo đang được sử dụng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: BQB.
Với mục tiêu là sẽ trở thành trung tâm năng lượng lớn của khu vực và cả nước, thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết sẽ tiếp tục thu hút được các dự án đầu tư quan trọng từ các nhà đầu tư lớn trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để phát huy tiềm năng, thế mạnh về năng lượng tái tạo.
Theo đó, trong danh mục dự án thu hút đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, ngoài các dự án đã có chủ trương gồm Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 và 2 (đều có công suất 1.200 MW), Nhà máy Điện khí Quảng Trạch hay Nhà máy điện sinh khối PR-1 Quảng Bình (50 MW); tỉnh Quảng Bình thu hút đầu tư các nhà máy điện gió trên đất liền, trên biển tại các huyện và thị xã Ba Đồn (có công suất 50 - 711 MW). Bên cạnh đó là các nhà máy điện mặt trời tại huyện Lệ Thủy, Bố Trạch (có công suất 12 – 330 MWP); các nhà máy thủy điện tại huyện Quảng Ninh, Minh Hóa, Tuyên Hóa (có công suất 6 - 22MW).
Riêng trong giai đoạn 2026-2030, tỉnh Quảng Bình thu hút đầu tư Dự án Nhà máy điện sinh khối (chưa xác định địa điểm) với công suất 47 MW. Với việc bảo đảm tiến độ đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I (tổ máy số 1 năm 2023, tổ máy số 2 năm 2024), Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II (tổ máy số 1 năm 2027 và tổ máy số 2 năm 2028) cùng các dự án năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện VIII được phê duyệt (điện gió, điện mặt trời, thủy điện, điện sinh khối), công nghiệp sản xuất và phân phối điện là ngành động lực, quyết định đến tăng trưởng của sản xuất công nghiệp toàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2030.
Thanh Nga
Bình luận