Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 01:01
Thứ bảy, 03/06/2023 07:06
TMO - Để đảm bảo cung cấp nguyên vật liệu cho các dự án xây dựng, giao thông phục vụ phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái chú trọng quản lý việc cấp phép và hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo hướng tập trung, thống nhất, khai thác, sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả theo định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.
Yên Bái là tỉnh có tài nguyên khoáng sản phong phú với nhiều loại khoáng sản như: sắt, đồng, chì, kẽm, cao lanh, felspat, cát, sỏi…; trong đó, đáng kể là đá vôi trắng với trữ lượng khoảng 2.500 triệu mét khối, quặng sắt với trữ lượng khoảng 200 triệu tấn. Thông tin từ Sở TN&MT tỉnh, địa bàn tỉnh Yên Bái hiện có 84 Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Trong đó, tỉnh cấp 51 Giấy phép, Bộ TN&MT cấp 33 Giấy phép (đều là đá vôi trắng). Hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tập trung chủ yếu ở các huyện: Lục Yên, Yên Bình, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ, với các loại khoáng sản gồm: Đá làm vật liệu xây dựng thông thường; cát, sỏi; đất làm gạch; đá vôi trắng; sét sản xuất xi măng; felspat; thạch anh.
Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh tạo việc làm cho trên 2.000 lao động, đóng góp ngân sách Nhà nước rên 300 tỷ đồng năm 2022, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, đá vôi trắng mang lại hiệu quả kinh tế lớn, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh đòi hỏi cần được quản lý theo hướng tập trung, thống nhất, khai thác, sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm.
Với mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền trong quản lý đất đai, nước, khai thác khoáng sản; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững các loại tài nguyên thiên nhiên, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục cơ bản các tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai, nước, khoáng sản…địa phương này đã ban hành nhiều quy định, văn bản liên quan đến công tác quản lý nguồn tài nguyên này.
Cụ thể, ngày 19/7/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TU về tăng cường năng lực lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý tài nguyên đất đai, nước, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025... để cụ thể hóa Nghị quyết, ngày 28/9/2021, UBND tỉnh Yên Bái bành hành Chương trình số 13/CTr-UBND. Chương trình này là căn cứ để cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng xây dựng đề án, dự án và kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao và phải được tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nỗ lực phấn đấu cao nhất để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể đã đề ra trong nghị quyết…
Ngoài Nghị quyết số 50-NQ/TU, Chương trình số 13/CTr-UBND về lĩnh vực quản lý khoáng sản, từ đầu năm 2022 đến nay, lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; văn bản chỉ đạo, điều hành trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản: Quy chế phối hợp trong công tác quản lý khoáng sản tại khu vực giáp ranh giữa tỉnh Yên Bái với các tỉnh lân cận, gồm: Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La và Lai Châu,... Phương án bảo vệ khoáng sản, bảo vệ cát, sỏi chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Để đảm bảo cung cấp nguyên vật liệu cho các dự án xây dựng, giao thông, Sở TN&MT tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh lập, phê duyệt các quy hoạch về khoáng sản thuộc thẩm quyền bảo đảm đồng bộ, liên thông, thống nhất với các quy hoạch khác và có tầm nhìn dài hạn.
Theo phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang được lập, việc đánh giá cấp phép, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cơ bản đáp ứng các chỉ tiêu quy hoạch của giai đoạn trước đã đề ra. Dự kiến số lượng đưa vào quy hoạch giai đoạn mới đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường sẽ tăng lên 24 khu vực, chủ yếu tăng đối với các khu vực đá làm vật liệu xây dựng thông thường để đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu cho các dự án xây dựng, giao thông, góp phần sớm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với công tác quản lý các doanh nghiệp khai thác cát, sỏi còn gặp khó khăn về diện tích, cắm mốc giới do loại hình khai thác trên sông nước rất khó xác định, việc kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi theo đúng thiết kế rất khó khăn. Vì vậy, đề nghị sửa đổi, bổ sung có quy định riêng, đặc thù đối với việc thăm dò, quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông (về ranh giới, trữ lượng, công suất…). Đối với hoạt động khai thác, sử dụng đất san lấp, đây là loại hình khoáng sản đặc thù, dễ khai thác....
UBND tỉnh yêu cầu ngành chức năng, địa phương giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác, bãi tập kết vật liệu xây dựng.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường phối hợp; nghiêm túc thực hiện các quy định về quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế, bất cập trong quản lý Nhà nước về tài nguyên; phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong hoạt động khai thác khoáng sản; làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường đến người dân, doanh nghiệp và nêu cao trách nhiệm quản lý của chính quyền cấp xã.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản nói chung, nhất là hoạt động khai thác cát, sỏi trên các tuyến sông, suối; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật, nhất là đối với những đơn vị vi phạm nhiều lần hoặc cố tình không thực hiện đầy đủ các biện pháp khắc phục.
Các ngành chức năng cần có giải pháp hiệu quả để quản lý chặt chẽ sản lượng khai thác khoáng sản hàng năm của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn, để thực hiện thu đúng, thu đủ, kịp thời các loại thuế, phí vào ngân sách Nhà nước. Tăng cường bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và có giải pháp hữu hiệu để xử lý nghiêm hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản và phát triển công nghiệp chế biến sâu, bền vững, thân thiện với môi trường.
Minh Lê
Bình luận