Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ sáu, 08/03/2024 07:03
TMO - Thành phố Đà Nẵng đang đối mặt với tình trạng thiếu vật liệu san lấp khi trữ lượng đất đá không còn nhiều. Tuy nhiên, địa phương này khẳng định không vì áp lực trên mà cho gia hạn, nâng công suất các mỏ khai khoáng sản, tận thu một cách triệt để, bởi đất đá là tài nguyên không thể tái tạo lại.
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng có 10 mỏ khoáng sản đang hoạt động (trong đó 9 mỏ đá), mỗi năm cung cấp 300 nghìn m3 đất san lấp và hơn 870 nghìn m3 đá xây dựng thông thường. Nhu cầu theo quy hoạch của TP Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030 cần hơn 40 triệu m3 đất và hơn 17 triệu m3 đá. Tính cả phần phát sinh của các dự án giai đoạn 2023-2025, TP Đà Nẵng thiếu nguồn đất san lấp so với nhu cầu là hơn 4,2 triệu m3/năm và hơn 1,4 triệu m3 đá/năm.
Đáng chú ý, dự án bến Cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung được khởi công vào ngày 14/12/2022,sau hơn 1 năm thi công khẩn trương, dự án này đã dần hình thành. Theo đó, dự án cảng Liên Chiểu đến nay đã giải ngân hơn 1.248 tỷ đồng, đạt 36,44% tổng mức đầu tư. Trong đó, gói thầu thi công xây dựng công trình đạt khoảng 530/2.630 tỷ đồng (tương ứng với 20,2% khối lượng).
TP.Đà Nẵng đang đối mặt với bài toán thiếu vật liệu san lấp khi trữ lượng đất đá không còn nhiều.
Tuy vậy, khó khăn hiện nay là nguồn vật liệu đá hộc các loại trên địa bàn Đà Nẵng khan hiếm do các mỏ chưa được nâng công suất khai thác, ảnh hưởng đến tiến độ thi công hoàn thiện và bảo vệ nền đường giao thông. Nhu cầu đá xây dựng phục vụ thi công dự án Bến cảng Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung) là rất lớn với tổng trữ lượng 2,379 triệu m3, trong đó, năm 2023 cần 1,189 triệu m3, năm 2024 cần 713.812 m3 và năm 2025 cần 475.875 m3. Theo tính toán, đến năm 2025 sẽ thiếu hụt khoảng 1,6 triệu m3 đá, có khả năng ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho biết, để đảm bảo nguồn cung khoáng sản cho các công trình, dự án đầu tư công là nâng cấp, gia hạn các mỏ còn trữ lượng, đồng thời đấu giá quyền khai thác các mỏ nằm trong quy hoạch, cấp phép để điều phối khối lượng đất đá dư thừa tại các dự án. Tuy nhiên, đất, đá là nguồn tài nguyên không thể tái tạo, không thể khai thác tận thu để phải trả giá trong tương lai.
Vì thế, khi đề xuất nâng cấp các mỏ đang còn trữ lượng nhưng đã hết thời hạn khai thác phải đánh giá thận trọng những tác động cả hiện tại và tương lai, tính toán, xác định được chính xác nhu cầu trong từng thời điểm. Sở TN&MT rất cân nhắc việc phân cấp ủy quyền bởi đây là vấn đề không mang tính chất diện rộng trên địa bàn thành phố và khoáng sản là loại tài nguyên không thể phục hồi. Không thể bằng mọi giá tận thu một cách triệt để, bởi một khi tận thu thì không thể tái tạo lại.
Thành phố đặc biệt cẩn trọng trong việc gia hạn, nâng công suất các mỏ khai khoáng sản.
Lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh khai thác khoáng sản – loại vật liệu xây dựng không tái tạo được, vì vậy chỉ cho phép, tính toán khai thác trên cơ sở quy hoạch, cân đối được về nhu cầu thực tế. Địa phương đã có bài học kinh nghiệm vào năm 2013, khi cho phép tổ chức khai thác hàng loạt thì hậu quả để lại hiện trường nham nhở, tạo những lỗ hổng sâu đến nay địa phương không thể sử dụng, sản xuất được. Địa phương có 20 mỏ mà đã có 8-9 mỏ bỏ hoang do không khắc phục được, chủ yếu ở huyện Hòa Vang.
Năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết 60 cho phép được khai thác trong quy định nâng công suất không quá 50%. Sở TN&MT trình lên văn bản trong 7 doanh nghiệp thì mỗi doanh nghiệp nâng ít nhất trên 100%, cao nhất là 400%. Nếu cho phép theo yêu cầu, 15 năm nữa, Hòa Vang không còn núi đồi. Lãnh đạo UBND thành phố nhấn mạnh: Tài nguyên khoáng sản Đà Nẵng rất ít so với các địa phương lân cận. Chúng ta đang tập trung về phát triển tín chỉ carbon, nếu như tiếp tục cho khai thác theo mong muốn của chủ đầu tư, đơn vị thi công thì rõ ràng không đạt được đô thị xanh cũng như phát triển bền vững.
Trước tình trạng trên, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị UBND thành phố báo cáo về nguồn nguyên liệu, mỏ khoáng sản trên địa bàn thành phố để tiếp tục thảo luận, đưa ra chủ trương đảm bảo công tác quản lý và khai thác, sử dụng nguồn vật liệu phục vụ các công trình dự án trọng điểm.
Thu Hương
Bình luận