Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Thứ năm, 19/01/2023 06:01
TMO - Thời gian qua, tỉnh Kon Tum đang đẩy mạnh khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế đặc thù để phát triển bền vững, có trọng tâm trọng điểm các vùng trồng dược liệu gắn với ngành công nghiệp chế biến, với chủ thể nòng cốt tham gia là người dân và các thành phần kinh tế trong mối liên kết theo chuỗi giá trị tạo ra cơ cấu sản phẩm đa dạng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Kon Tum là tỉnh có điều kiện khí hậu, thời tiết, sinh thái, thổ nhưỡng rất thuận lợi để phát triển kinh tế về nuôi trồng, phát triển dược liệu quý có giá trị kinh tế cao. Rừng và Đất lâm nghiệp chiếm hơn 70% đất tự nhiên, là nơi dự trữ nguồn dược liệu phong phú, nơi có môi trường thuận lợi cho nhiều loài dược liệu quý phát triển đặc biệt là cây Sâm Ngọc Linh. Chính vì vậy, những năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh Kon Tum luôn chú trọng phát triển các diện tích dược liệu, nhằm nâng cao giá trị cho ngành nông nghiệp.
Theo kết quả điều tra sơ bộ và công bố của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, trên địa bàn tỉnh có 853 loài cây thuốc và nấm làm thuốc, 30/853 loài cây thuốc có nhu cầu lớn cho thị trường và khoảng 27 loài cây thuốc được trồng, sử dụng nhiều trong các cơ sở khám chữa bệnh, có giá trị chữa bệnh và giá trị kinh tế cao như Sâm Ngọc linh (Panax vietnamensis); Lan Kim tuyến (Anoectochilus setaceus); Hồng Đẳng Sâm.
Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng phát triển kinh tế dược liệu. Ảnh: BND
Tại Đề án đầu tư phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh về dược liệu và sử dụng bền vững có hiệu quả nguồn dược liệu tự nhiên hiện có; phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025; phát triển sản phẩm đặc hữu Sâm Ngọc Linh Kon Tum gắn với đẩy mạnh quảng bá và nâng tầm vị thế thương hiệu sản phẩm Sâm Ngọc Linh Kon Tum tại thị trường trong nước và quốc tế.
Trong đó, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025, hình thành được vùng trồng dược liệu tập trung. Cụ thể, diện tích Sâm Ngọc Linh đạt khoảng 4.500ha; các cây dược liệu khác khoảng 10.000ha; mỗi huyện, thành phố hình thành ít nhất 01 cơ sở sản xuất, cung ứng giống dược liệu có thế mạnh tại địa phương với quy mô trên 01ha; 100% cây giống dược liệu được kiểm soát về nguồn giống và phấn đấu có hơn 40% số HTX tham gia đầu tư trồng, chế biến, phân phối sản phẩm dược liệu. Đồng thời phấn đấu đến 2025 khai thác khoảng 1.000 tấn dược liệu các loại; thu hút được ít nhất 01 doanh nghiệp có quy mô lớn, tầm cỡ quốc gia đầu tư sản xuất, chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh; đưa sản xuất dược liệu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và đóng góp 5% vào GRDP của tỉnh.
Đề án cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, sản lượng các loại dược liệu đạt trên 130.000 tấn, ngành dược liệu đóng góp khoảng 15% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh; hình thành mới 05 cơ sở sản xuất nguồn giống thương phẩm đối với các loài dược liệu có giá trị kinh tế cao, đảm bảo nguồn gốc, chất lượng, phù hợp với từng tiểu vùng thời tiết để đáp ứng nhu cầu mở rộng diện tích dược liệu. Cùng với đó đầu tư kết cấu hạ tầng, đồng bộ, hiện đại vùng trồng dược liệu và thúc đẩy dịch vụ logistics.
Thời gian tới, tỉnh Kon Tum ưu tiên công tác điều tra, xác định số loài, hiện trạng, trữ lượng tại các vùng có khả năng phát triển dược liệu. Trên cơ sở đó, quy hoạch vùng trồng dược liệu tập trung tích hợp trong Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, gắn với cơ cấu từng loại dược liệu để thu hút đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển các vùng trồng dược liệu tập trung đối với các loài dược liệu đặc hữu, có thế mạnh, giá trị cao và sức tiêu thụ lớn trên thị trường (như Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm, Lan Kim Tuyến, Đinh lăng, Nghệ vàng, Sa Nhân tím, Giảo cổ lam...), trọng tâm tại các huyện Tu M¡ Rông, Đăk Glei, Kon Plông và ở những vùng có điều kiện thuận lợi. Đồng thời, xây dựng kế hoạch để bảo vệ, khai thác bền vững nguồn dược liệu từ tự nhiên.
Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nguồn giống và bảo tồn nguồn gen dược liệu, nhất là Sâm Ngọc Linh Kon Tum; đầu tư phát triển mạnh các cơ sở bảo tồn và sản xuất giống dược liệu nhằm cung cấp giống dược liệu đảm bảo nguồn gốc, chất lượng. Xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về Sâm Ngọc Linh. Sớm hình thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển dược liệu quốc gia tại tỉnh Kon Tum.
Địa phương này tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nguồn giống và bảo tồn nguồn gen dược liệu, nhất là Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Ảnh: BD
Khuyến khích người dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các dược liệu có giá trị kinh tế cao hơn; dồn đổi đất đai để trồng dược liệu thâm canh quy mô lớn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Tạo điều kiện người dân và các mô hình kinh tế tập thể áp dụng khoa học kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản các loại dược liệu. Nâng cao chất lượng, số lượng các sản phẩm dược liệu để đáp ứng các tiêu chuẩn của OCOP thăng hạng cao và tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia.
Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dược liệu, nhất là Sâm Ngọc Linh Kon Tum công bố chất lượng, đăng ký mã số, mã vạch, kiểu dáng sản phẩm, tên thuơng mại. Tăng cường xúc tiến đầu tư, tiếp thị, phát triển thị trường, kết nối các kênh phân phối cho các sản phẩm dược liệu. Đưa dược liệu trở thành yếu tố thu hút khách du lịch của địa phương; trong đó, xây dựng các tour trải nghiệm, tham quan, mua sắm tại vùng sản xuất, chế biến Sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác; gắn kết việc quảng bá thương hiệu và phát huy giá trị của các loài dược liệu trong các lễ hội văn hóa - du lịch của địa phương.
Chú trọng triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ nghiên cứu chọn, tạo giống dược liệu mới có năng suất và chất lượng cao, đặc tính tốt, phù hợp với từng vùng sinh thái của tỉnh, phục vụ sản xuất rộng rãi nguồn giống dược liệu phổ biến trong khám, chữa bệnh có chất lượng, giá trị kinh tế cao; tận dụng các điều kiện của cách mạng công nghiệp 4.0 trong nuôi trồng, chế biến phát triển sản phẩm Sâm Ngọc Linh, tạo bước đột phá và nâng cao khả năng cạnh tranh cho sự phát triển của ngành dược liệu, thực phẩm chức năng với các nước tiên tiến trên thế giới...
Mạnh Đức
Bình luận