Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 08:11
Thứ hai, 26/06/2023 07:06
TMO - Đắk Nông là một trong những địa phương tại khu vực Tây Nguyên có tài nguyên khoáng sản phong phú với trữ lượng tương đối lớn. Đây được coi là lợi thế để tỉnh tăng cường quản lý, bảo vệ và khai thác có hiệu quả. Từ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội tại địa phương.
Đắk Nông có trên 201 loại khoáng sản với trên 160 điểm và mỏ khoáng sản. Ngành công nghiệp khai thác khoáng sản đã có những đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, tạo ra nguồn nguyên vật liệu phục vụ các dự án, góp phần thu ngân sách. Đây cũng là địa phương có tiềm năng tài nguyên khoáng sản đa dạng, trữ lượng lớn như bô xít, cao lanh, puzơlan, nước khoáng, đá quý... Đến nay, một số loại khoáng sản đã được khai thác, phát triển thành ngành công nghiệp, nhất là bô xít. Do đó, thời gian qua, Đắk Nông đã xây dựng, ban hành các Nghị quyết, chính sách về lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, bảo vệ, khai thác khoáng sản
Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành điều tra, thăm dò, đánh giá trữ lượng bô xít. Đối với khoáng sản khác, tỉnh đã phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, điều chỉnh Quy hoạch khoáng sản với thời hạn lâu dài. Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII cũng chỉ ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 - 2025 là “Tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác quản lý tài nguyên, đất đai, khoáng sản, trong đó, tập trung thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng; quản lý đất đai gắn với quản lý dân cư”.
Với trữ lượng khoáng sản tương đối lớn, tỉnh Đắk Nông triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã công bố khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 1067/QĐ-TTg, ngày 12/9/2022 về việc phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông), toàn tỉnh có 1.755 khu vực, vị trí thuộc diện cấm hoặc tạm cấm hoạt động khai thác khoáng sản. Các khu vực, điểm này thuộc 52 tuyến, có tổng chiều dài hơn 1.600km và tổng diện tích hơn 242.000ha. Trong đó, có 1.669 khu vực, vị trí cấm hoạt động khai thác khoáng sản, còn lại (86 khu vực, vị trí) thuộc diện tạm cấm hoạt động này.
Khu vực cấm hoạt động khai thác khoáng sản bao gồm: đất khu vực di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; đất quốc phòng-an ninh; đất cơ sở tôn giáo; đất công trình giao thông; đất thông tin truyền thông; đất công trình điện, thủy điện, đường dây tải điện; đất sạt lở bờ sông; đất các công trình quan trắc. Khu vực tạm cấm hoạt động khai thác khoáng sản bao gồm đất khu vực di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, đất quân sự và đất di sản công viên địa chất.
Thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu xây dựng ngày càng nhiều. Để đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu trong hoạt động xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác cho các công ty, tổ chức khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, đến nay, đã có 42 Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông, để khai thác có hiệu quả nguồn lực tài nguyên khoáng sản, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian qua, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, bổ sung các mỏ khoáng sản vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản của tỉnh và tham mưu UBND tỉnh tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định.
Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh có một số hạn chế như: các điểm khai thác đá dạng trụ, cột trái phép diễn ra tại một số địa phương; khai thác cát trái phép trên sông Krông Nô; khai thác lậu than bùn ở Đắk Song; khai thác đất trái phép làm vật liệu san lấp mặt bằng tại nhiều địa phương... Đặc biệt, vẫn còn tồn tại một số doanh nghiệp chuyên tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và dù bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, nhưng đến nay vẫn tái diễn.
Hoạt động khai thác cát cần tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ nhằm giảm thiểu tình trạng khai thác trái phép, tác động tới tài nguyên, môi trường.
Nhằm kiểm soát hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, tháng 5/2023 Sở TN&MT Đắk Nông đã thành lập Đoàn Kiểm tra định kỳ về hoạt động khai thác Khoáng sản, tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh năm 2023. Theo đó, Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hoạt động khai thác khoáng sản và tài nguyên nước (theo phụ lục 2 Quyết định số 48/QĐ STNMT ngày 12/01/2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường)
Đối với nội dung kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản: Công tác lập báo cáo định kỳ, thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản; Lắp đặt camera, trạm cân giám sát và lập sổ sách để lưu, theo dõi khối lượng khoáng sản khai thác; Thực hiện các quy định khác có liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản. Đối với nội dung kiểm tra hoạt động khai thác tài nguyên nước:
Thực hiện việc lắp đặt thiết bị, đo đạc, giám sát quá trình khai thác; Thực hiện quan trắc mực nước, lưu lượng, chất lượng nước trong quá trình khai thác theo quy định; Thiết lập vùng bảo hộ vệ sinh của công trình khai thác theo quy định; Thực hiện các quy định liên quan có theo quy định; Đoàn kiểm tra được thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật, khi phát hiện vi phạm thì xử lý theo thẩm quyền; trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo người có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Hướng đến mục tiêu phát huy tiềm lực khoáng sản nhằm đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho nhiều người lao động, tỉnh Đắk Nông cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo trong công tác quản lý, sử dụng tài nguyên khoáng sản; các cấp, ngành cần đẩy mạnh các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu về xã hội, môi trường trong quá trình phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản.
Đối với hoạt động khai thác cát, Đắk Nông cần giám sát chặt chẽ, triển khai các biện pháp giảm thiểu, khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông. Thời gian tới, tỉnh có những đề xuất với các bộ, ngành liên quan triển khai công tác điều tra, lập bản đồ địa chất về khoáng sản trên địa bàn để làm cơ sở xây dựng các phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững…
Hoàng Nghĩa
Bình luận