Hotline: 0941068156
Thứ hai, 14/10/2024 16:10
Thứ tư, 05/06/2024 07:06
TMO - Phát triển du lịch nông thôn là một trong 6 chương trình chuyên đề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Thời gian qua, các địa phương trên cả nước đang khai thác lợi thế về nguồn tài nguyên bản địa trong phát triển loại hình du lịch này.
Với mục tiêu đạt hiệu quả cao trong việc phát triển du lịch nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 về việc phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Theo đó, phát triển du lịch nông thôn được xem là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, căn cứ đặc trưng địa bàn hoạt động tại khu vực nông thôn, hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng địa bàn, tuyến điểm du lịch trong kết nối đô thị với nông thôn, trung tâm du lịch với các điểm vệ tinh, qua đó góp phần đa dạng điểm đến, sản phẩm du lịch Việt Nam, kéo dài thời gian lưu trú của khách nhờ sản phẩm dịch vụ du lịch và điểm đến tại khu vực nông thôn.
Trên cơ sở báo cáo của các tỉnh, thành phố, cả nước hiện có 488/1731 khu, điểm du lịch đã được công nhận theo quy định của Luật Du lịch 2017, trong đó có khoảng 80% điểm du lịch nằm trên địa bàn nông thôn (382 điểm)... Về khai thác đa dạng tài nguyên du lịch gắn với giá trị đặc sắc của khu vực nông nghiệp, nông thôn, hệ thống sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn ngày càng đa dạng phong phú, nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.
Nhiều địa phương trong cả nước khai thác các thế mạnh về giá trị văn hóa truyền thống, sản xuất nông nghiệp để phát triển du lịch.
Nhiều địa phương trong cả nước khai thác các thế mạnh về giá trị văn hóa truyền thống, hoạt động sản xuất canh tác nông nghiệp, đặc sản địa phương, cảnh quan thiên nhiên, lễ hội, làng nghề truyền thống, ẩm thực...tạo nên các sản phẩm dịch vụ du lịch có tính đặc thù, chuyên biệt cao. Hoạt động quảng bá và xây dựng thương hiệu điểm đến cũng được đầu tư mạnh, như Lễ hội trái cây ở TP.Hồ Chí Minh và ĐBSCL, Lễ hội Cà phê Tây Nguyên, Sắc vàng Tam Cốc ở Ninh Bình, và Ruộng bậc thang - Mùa lúa chín Tây Bắc. Dự kiến sẽ tổ chức Festival Sâm Ngọc Linh vào tháng 10/2024.
Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được quan tâm. Nhiều sản phẩm OCOP được lựa chọn trong cung ứng sản phẩm du lịch như ẩm thực, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, quà tặng khách, được sử dụng để trưng bày, xúc tiến quảng bá cho gian hàng, giới thiệu điểm đến... Sản phẩm OCOP đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút du khách, nâng cao chi tiêu của khách du lịch. Nhiều địa phương, người dân tham gia hoạt động du lịch đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, mạng xã hội cho việc khai thác, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn.
Tuy nhiên, để quá trình phát triển du lịch nông nghiệp đạt hiệu quả cao, các doanh nghiệp kinh doanh tại nhiều địa phương cần khai thác tốt môi trường sinh thái đặc trưng của từng vùng, miền và thực hiện gắn liền với chuyển đổi số, hướng đến những cách làm đổi mới, sáng tạo. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ du lịch nông thôn vẫn cần được cải thiện. Bởi nhiều địa phương mới dừng lại ở việc cung ứng các dịch vụ trải nghiệm, tham quan trong ngày nên các sản phẩm du lịch còn đơn giản, thiếu tính chất chuỗi giá trị nông nghiệp có giá trị gia tăng cao. Vấn đề quy hoạch, quản lý xây dựng tổng thể cảnh quan các làng, bản, điểm du lịch nông thôn còn thiếu đồng bộ, khó hình thành các điểm du lịch mang đặc trưng bản sắc văn hóa vùng, miền.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền địa phương, thời gian qua lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn đã có hướng đi đúng, đạt được nhiều kết quả với nhiều dư địa phát triển. Sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn bắt đầu từ chiều sâu của văn hóa, cộng đồng làng xã. Điều đáng mừng là thời gian qua những người nông dân đã thấy được, biến tiềm năng lợi thế của địa phương trở thành các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. nhờ du lịch nông nghiệp, nông thôn mà đời sống của người dân từng bước được cải thiện, nâng cấp
Bên cạnh với công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng, để du lịch nông nghiệp, nông thôn được phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn thì cần phải "thổi hồn" văn hóa từng vùng miền vào các sản phẩm. Như vậy thì mới thu hút được du khách, tạo ra được nét đặc trưng riêng, khác biệt, tăng sức cạnh tranh đối với từng sản phẩm.
Một vấn đề quan trọng là phải chăm lo nguồn nhân lực bởi nếu có ý tưởng tốt mà không có nhân lực thực hiện sẽ khó có thể cụ thể hóa được. Những người làm du lịch phải hiểu được đây là ngành kinh tế tổng hợp chứ không phải kinh tế nghiệp đơn thuần. Các đơn vị làm du lịch cần phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng, đẩy mạnh sự tham gia tích cực và chủ động của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế thông qua hình thức liên kết chuỗi giá trị du lịch hiệu quả.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025, các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn được chuẩn hóa, mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 1 điểm đến được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa và làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương. Từ đó, hướng đến việc có 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Song song với đó là tập trung phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số, hướng đến có ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.
Tỉnh Đồng Tháp đang khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên trong phát triển du lịch nông thôn.
Cùng với các tỉnh, thành phố trên cả nước, Đồng Tháp là địa phương có nhiều sản vật nổi tiếng, đặc biệt là hoa, trái cây, thủy sản... cùng với các giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa, ẩm thực đặc trưng Nam Bộ là những lợi thế để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp. Từ 84 điểm du lịch nông nghiệp, đến nay, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt, đưa vào hoạt động thêm 65 địa điểm mới.
Tại huyện Tháp Mười, nhiều hộ dân đang khai thác loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Khu Đồng Sen với các dịch vụ như: bơi xuồng ngắm cảnh đồng sen, chụp ảnh lưu niệm, câu cá giải trí, thưởng thức đờn ca tài tử, ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen và mua sắm các sản phẩm được chế tác từ sen... Huyện Lai Vung đang phát triển hiệu quả các mô hình du lịch nông nghiệp tham quan vườn cây ăn trái như: trải nghiệm vườn quýt hồng, cam xoàn, thanh long, mận...Từ năm 2016-2021, các điểm tham quan nơi đây đã đón tiếp và phục vụ 189.000 lượt khách; tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 60 tỷ đồng.
Vùng trồng hoa kiểng Sa Đéc (thành phố Sa Đéc) đã phát triển 18 điểm tham quan, trải nghiệm du lịch nông nghiệp; trong đó có 12 điểm đang khai thác hiệu quả như Happyland Hùng Thy, Vườn kiểng Ngọc Lan, Khu Du lịch hoa kiểng Sa Đéc, Cánh đồng hoa Hồng Sa Đéc, Vườn hồng Tư Tôn, Vườn hoa và Nghỉ dưỡng Sa Nhiên. Địa phương có 4 điểm du lịch nông nghiệp được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao như Homestay Ngôi nhà Hoa và Ếch, Vườn kiểng Ngọc Lan, Happyland Hùng Thy, Sa Nhiên Garden...
Mô hình du lịch nông nghiệp ở Đồng Tháp đang góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quảng bá vùng đất, con người Đồng Tháp. Đồng thời, mô hình này tạo điều kiện hỗ trợ các điểm du lịch mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình kinh tế nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, đóng góp từ 5-6% GRDP cho tỉnh.
Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, để phát triển du lịch nông nghiệp và giúp nông dân làm du lịch chuyên nghiệp hơn nữa, thời gian tới, tỉnh cần định hướng đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP; kết nối và xây dựng các tour, tuyến du lịch nông thôn, phát triển hệ thống sản phẩm có tính liên kết cao (như sản phẩm du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP kết hợp trải nghiệm làng nghề; du lịch văn hóa lịch sử kết hợp lễ hội, du lịch ẩm thực Sen).
Tỉnh phát triển tuyến du lịch đường sông kết nối tour, tuyến các điểm du lịch sinh thái nông nghiệp; tăng cường năng lực quản lý các điểm du lịch nông nghiệp tại nông hộ một cách đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cộng đồng.../
Mỹ Duyên
Bình luận