Hotline: 0941068156
Thứ hai, 14/10/2024 16:10
Thứ sáu, 06/09/2024 08:09
TMO - Rừng ngập mặn Cà Mau là nơi trú ngụ của nhiều động thực vật quý hiếm. Đồng thời, hệ sinh thái dưới tán rừng đã tạo sinh kế cho nhiều hộ dân.
Cà Mau là tỉnh ven biển ở cực Nam của Việt Nam có vị trí địa lý rất đặc biệt với ba mặt tiếp giáp biển. Với tổng diện tích gần 50,5 nghìn ha, rừng ngập mặn Cà Mau là một trong những diện tích rừng ngập mặn lớn nhất thế giới với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng, độc đáo. Là một cấu phần quan trọng của Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau được UNESCO công nhận vào năm 2009. Rừng Cà Mau cung cấp cho cộng đồng dân cư và nền kinh tế của địa phương rất nhiều loại hàng hoá và sản phẩm quý giá như gỗ, củi, lâm sản ngoài gỗ, nguồn lợi thuỷ sản, phòng hộ ven biển, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, điều hoà khí hậu.
Theo nghiên cứu “Lượng giá hệ sinh thái rừng ngập mặn Cà Mau” được thực hiện bởi Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) hệ sinh thái rừng ngập mặn tại Cà Mau đã đóng góp rất lớn từ giá trị sử dụng trực tiếp (cung cấp thức ăn, gỗ, củi, du lịch) đến giá trị sử dụng gián tiếp (dịch vụ điều tiết, lưu trữ và hấp thụ các-bon, vẻ đẹp cảnh quan) và giá trị bảo tồn. Tổng giá trị kinh tế rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau mang lại là 1.743,7 tỷ đồng/năm, trong đó giá trị sử dụng trực tiếp là 1.087,6 tỷ đồng/năm (chiếm 62,4%); giá trị sử dụng gián tiếp là 656,1 tỷ đồng/năm (chiếm 37,6%).
Trong đó, dịch vụ hỗ trợ nuôi trồng thủy sản được coi là giá trị quan trọng nhất với 598,4 tỷ đồng/năm, tiếp đến là phòng hộ ven biển (552,1 tỷ đồng/năm), nguồn lợi thuỷ sản (đánh bắt tự nhiên, 335,1 tỷ đồng/năm), giá trị lưu trữ và hấp thụ các-bon (103,9 tỷ đồng/năm), giá trị sinh thái du lịch cảnh quan (thông qua thu hút khách với 90,7 tỷ đồng/năm), giá trị như gỗ củi là 63,5 tỷ đồng/năm).
Những năm gần đây, tỉnh Cà Mau đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm khôi phục lại rừng và giúp người dân sản xuất đa canh dưới tán rừng để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Đây được xem là một trong những mô hình sản xuất bền vững mang lại hiệu quả thiết thực nhờ sản xuất và nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng.
Phát triển kinh tế dưới tán rừng trong đó có mô hình nuôi tôm sinh thái được các địa phương đẩy mạnh triển khai. Ảnh: MT.
Theo đánh giá của ngành chức năng, mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng theo hình thức quảng canh có nhiều ưu điểm hơn nuôi thâm canh hoặc bán thâm canh. Nếu bố trí 50% đất rừng, 50% đất nuôi thủy sản, mỗi năm có thể thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha. Toàn tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước với gần 280.000ha. Trong đó, có gần 40.000ha nuôi tôm cua sinh thái dưới tán rừng, hầu hết các trang trại tập trung ở huyện Ngọc Hiển với gần 23.000ha. Trong đó, có khoảng 20.000ha diện tích nuôi tôm được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế. Riêng huyện Ngọc Hiển đến nay có 4.500 hộ thực hiện mô hình nuôi tôm sinh thái, trong đó có 110 tổ hợp tác sản xuất với 1.413 hộ và 14 hợp tác xã.
Ngoài việc tạo sinh kế cho người dân lao động bằng nguồn lợi đa dạng, vô cùng màu mỡ, hệ sinh thái rừng ngập mặn còn giúp người dân có thêm thu nhập từ việc kinh doanh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Hệ sinh thái rừng ngập mặn Cà Mau rất đa dạng, không chỉ có nguồn lợi dưới tán rừng mang lại giá trị kinh tế cao. Nơi đây, còn là nơi bảo tồn giúp cho nhiều loài động vật quý hiếm như rái cá, rắn, khỉ... sinh sống và phát triển an toàn. Đặc biệt, với hệ sinh thái màu mỡ như vậy, nên nhiều du khách rất thích đến mũi Cà Mau tham quan, trải nghiệm, nhất là hoạt động xuyên rừng, xổ vuông, lội bùn bắt cua, câu cá thòi lòi.
Huyện Ngọc Hiển có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, với nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, đặc biệt có hệ sinh thái rừng ngập mặn dồi dào, nhiều sinh kế. Để phát huy lợi thế đó, thời gian qua huyện đã phối hợp với Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và các ngành chức năng cấp tỉnh tổ chức hình thành, khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng như mở tour xuyên rừng (tham quan hệ sinh thái rừng ngập mặn, sinh thái biển, tham quan động thực vật sống dưới tán rừng…). Đồng thời, huyện phát huy hiệu quả các điểm du lịch sinh thái, du lich cộng đồng với nhiều sản phẩm hấp dẫn (tổ chức cho du khách khám phá hệ sinh thái rừng trong vuông tôm, giăng lưới, đặt lợp cua, xổ vuông tôm…).
Hệ sinh thái rừng ngập mặn còn giúp người dân có thêm thu nhập từ việc kinh doanh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Cũng như người dân khu vực Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), bắt đầu từ khoảng năm 2015, người dân vùng đất rừng U Minh Hạ (huyện Trần Văn Thời và U Minh) cũng phát triển nhiều mô hình du lịch sinh thái dưới tán rừng. Nếu như người dân vùng Đất Mũi dựa vào tán rừng đước, rừng mắm; với những đặc sản trứ danh như cua Cà Mau; tôm khô Rạch Gốc,… để phát triển du lịch thì người dân vùng đất rừng U Minh phát triển dựa vào tán rừng tràm, với nghề di sản gác kèo ong, sản phẩm mật ong U Minh hạ và các loại cá đồng nổi tiếng phong phú, đa dạng. Điểm chung là bà con đều phải giữ lấy tán rừng làm gốc rễ của các sản phẩm du lịch.
Để phát triển rừng bền vững, bên cạnh việc tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, tỉnh Cà Mau đang tiếp tục tìm giải pháp tăng hiệu quả các mô hình kinh tế dưới tán rừng. Tỉnh Cà Mau có diện tích rừng lớn, thời gian qua, rừng được bảo vệ, phát triển ổn định nhờ nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, việc quan tâm phát triển các mô hình kinh tế dưới tán rừng đã góp phần thiết thực tăng thu nhập, giúp người dân có ý thức bảo vệ rừng tốt hơn. Cà Mau cũng đang kỳ vọng phát triển công nghiệp chế biến gỗ và thị trường carbon để hướng tới phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ Dự án “Bảo vệ khí hậu và rừng ngập mặn kết hợp với cải thiện thu nhập cho các cộng đồng dễ bị tổn thương”, Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) đã phối hợp cùng chính quyền và ban quản lý rừng thuộc các địa phương từng bước hướng dẫn cộng đồng tham gia vào hoạt động quản lý, bảo vệ rừng. Phạm vi triển khai là các khu vực thôn/ấp được giao khoán bảo vệ rừng, trong đó, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau khoảng hơn 931 ha, còn rừng Phòng hộ Tam Giang khoảng hơn 1 ha (chiếm 79% diện tích rừng Ban quản lý rừng phòng hộ Tam Giang trực tiếp quản lý).
Ngay từ năm 2021, 14 tổ tự quản lâm nghiệp cấp ấp đã được thành lập và hoạt động trên cơ sở đồng quản lý và phối hợp quản lý rừng ngập mặn có sự tham gia của cộng đồng. Mỗi tổ gồm 25 - 30 thành viên dựa trên phạm vi diện tích rừng trong cùng một khu vực và lân cận; với sự tham gia của đại diện ban quản lý rừng/vườn quốc gia, cán bộ ấp và người dân. Tổ hoạt động theo quyết định thành lập do Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Ban quản lý rừng phòng hộ Tam Giang ban hành, có quy chế riêng và đã trở thành một phần trong kế hoạch thực hiện bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn tại địa phương. Số vụ vi phạm đã giảm đáng kể nhờ công tác tuyên truyền, thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát rừng và bảo vệ phát triển rừng.
Cùng với tổ chức tuần tra bảo vệ rừng, các chuyên gia đã tổ chức nhiều lớp tập huấn trực tuyến về lập bản đồ thực vật và động vật hoang dã, lập hồ sơ về các biến động, tuần tra và báo cáo về vi phạm đã được tổ chức, phổ biến nhiều tài liệu về bảo tồn động thực vật bao gồm Công ước Cites, Nghị định 06/2019, Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ thế giới.
Với sự hỗ trợ của các chuyên gia, đến nay, người dân đã có thể sử dụng điện thoại thông minh để thu thập thông tin về hệ sinh thái rừng ngập mặn và lập bản đồ động thực vật hoang dã trên địa bàn mình sinh sống sau 3 năm triển khai, việc thành lập các tổ tự quản lâm nghiệp đã góp phần hoàn thiện hệ thống phối hợp quản lý rừng ngập mặn tại địa phương. Cùng với bảo vệ rừng, nhiều nhóm nông dân cũng được tổ chức nhằm nhằm tìm hiểu các mô hình sinh kế mới và thí điểm các hoạt động sản xuất phù hợp với địa phương.
Đức Minh
Bình luận