Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Chủ nhật, 16/04/2023 15:04
TMO - Việc bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội, lưu trữ carbon, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học.
Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Việt Nam có gần 12 triệu ha đất ngập nước, trong đó chưa kể diện tích sông, suối ngập nước theo mùa và suối, điểm nước nóng, nước khoáng, chiếm 37% tổng diện tích đất tự nhiên toàn quốc, được phân bố ở mọi vùng sinh thái với sự đa dạng về các kiểu loại và phong phú về đa dạng sinh học.
Vùng đất ngập nước lớn nhất của Việt Nam là châu thổ sông Cửu Long bao gồm hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch chằng chịt, những cánh đồng lúa bát ngát, rừng ngập mặn, rừng tràm, các bãi triều, ao nuôi tôm, cá. Ở miền Trung, các vùng đất ngập nước là các đầm phá ven biển, các hồ chứa nước nhân tạo. Ở miền Bắc, đất ngập nước là các hồ trong hệ thống lưu vực sông Hồng, những bãi triều rộng lớn, những cánh rừng ngập mặn của châu thổ.
Ước tính có khoảng 1.028 loài cá, 848 loài chim, 800 loài động vật không xương sống ở hệ sinh thái nước ngọt. Có trên 11.000 loài sống ở hệ sinh thái đất ngập nước biển, ven biển với 6.300 loài sinh vật đáy, 2.500 loài cá, 653 loài rong biển, trên 300 loài san hô, 94 loài cây ngập mặn, 15 loài rắn biển và 25 loài động vật biển có vú tại các vùng đất ngập nước tại Việt Nam.
Vùng đất ngập nước không những tạo nên đa dạng sinh học cho nước ta mà còn góp phần phát triển du lịch, ổn định sinh kế cho người dân.
Tuy nhiên, sự suy thoái và mất đất ngập nước ở nước ta thời gian qua là do chuyển đổi mục đích sử dụng và xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác quá mức. Các chính sách chuyển đổi mục đích sử dụng đất như chuyển từ đất cạn sang đất ngập nước (đắp đập thủy điện, hồ chứa, nuôi trồng thủy sản, quai đê lấn biển, tái định cư…) hoặc thay đổi chế độ thủy văn đã làm suy giảm các giá trị của nhiều vùng đất ngập nước.
Trong khi đó, nhiều địa phương chưa đánh giá đúng và phát huy được giá trị dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước, còn tồn tại các xung đột trong việc hài hòa giữa mục tiêu phát triển và bảo tồn các vùng đất ngập nước. Điều này làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên của vùng đất ngập nước. Nguồn lực về tài chính, cơ chế đầu tư trong quản lý đất ngập nước còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, hạn chế hiệu quả quản lý các hệ sinh thái, khu bảo tồn vùng đất ngập nước của Việt Nam…
Đến nay, Việt Nam đã quy hoạch và khoanh vi để thành lập 47 khu bảo tồn đất ngập nước; đề cử thành công 9 khu Ramsar với tổng diện tích 120.549 ha. Định hướng xây dựng Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam sẽ tăng số lượng khu đất ngập nước được quốc tế công nhận lên 15 khu. Tính đa dạng của các kiểu loại đất ngập nước ở Việt Nam đã góp phần tạo nên sự phong phú về loài có ý nghĩa đối với quốc gia và thế giới. Ngoài ra, vùng đất ngập nước còn góp phần cung cấp lương thực, thủy sản cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu nước ngoài.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, việc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước giàu tài nguyên và đa dạng sinh học của Việt Nam luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của nước ta. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước. Ngày 24/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1975/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021 - 2030.
Ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, việc bảo tồn và sử dụng vùng đất ngập nước phải được thực hiện trên nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm duy trì toàn vẹn cấu trúc, chức năng, đặc tính sinh thái của vùng đất ngập nước; tăng cường vai trò, sự tham gia của cộng đồng dân cư sinh sống trên, chung quanh vùng đất ngập nước và các bên liên quan trong bảo tồn, sử dụng bền vững vùng đất ngập nước; đảm bảo cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng, hợp lý về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên liên quan trong việc sử dụng dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước.
Các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được kiểm soát có hiệu quả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phát triển các hoạt động, chương trình du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường; chi trả dịch vụ hệ sinh thái đối với vùng đất ngập nước quan trọng được áp dụng tại khu bảo tồn đất ngập nước, khu Ramsar; năng lực và trang thiết bị cho các tổ chức, cá nhân làm công tác bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng được tăng cường.
Khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn có ý nghĩa quan trọng trong duy trì hệ sinh thái tại các vùng đất ngập nước.
Năm 2023 Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học sẽ tiếp tục hoàn thiện, trình ban hành hai Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thành lập và tổ chức hoạt động Mạng lưới các khu Ramsar, danh mục vùng đất ngập nước quan trọng; góp phần hướng dẫn thực hiện Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, từng bước thể hiện trách nhiệm của Việt Nam là thành viên Công ước về các vùng đất ngập nước (Công ước Ramsar).
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang triển khai hướng dẫn địa phương và tổ chức thẩm định Hồ sơ đề cử Khu Ramsar Bắc Đồng Nai là khu Ramsar thứ 10 của Việt Nam lên Ban thư ký Công ước Ramsar. Để đảm bảo thực hiện hiệu quả Công ước Ramsar trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung ưu tiên hoàn thiện cơ chế, chính sách cho công tác bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; tăng cường tính thực thi pháp luật và đảm bảo các nguồn lực để triển khai thực hiện các hoạt động về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các vùng đất ngập nước trên toàn quốc.
Bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước thông qua việc thành lập các khu bảo tồn đất ngập nước, đảm bảo cơ chế chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan. Việc mở rộng các khu Ramsar và đẩy mạnh hoạt động của Mạng lưới các khu Ramsar cũng sẽ góp phần tăng cường hiệu quả quản lý, đảm bảo duy trì các đặc tính sinh thái của khu đất ngập nước.
Vùng đất ngập nước có vai trò lớn đối với con người và thiên nhiên, bởi nó có thể lọc các chất độc hại; lưu trữ các-bon giúp chống lại các tác động của biến đổi khí hậu; giúp giảm thiểu các tác động tiêu cực trong điều kiện thời tiết cực đoan; lưu trữ nước mưa, nước chảy tràn khi bão giúp giảm lũ lụt và hỗ trợ nước khi hạn hán; bảo đảm đa dạng sinh học, là môi trường sống của hơn 100 nghìn loài sinh vật; bảo đảm nguồn cung cấp thức ăn và tạo nên các nguồn sinh kế cho khá nhiều người dân.
Minh Thanh
Bình luận