Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ sáu, 22/09/2023 14:09
TMO - Tình hình khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chưa được ngăn chặn và xử lý triệt để, điều này gây ảnh hưởng đến môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, đời sống của người dân khu vực xung quanh.
Sở Tài nguyên và Môi trường Tiền Giang cho biết, hiện nay tài nguyên khoáng sản đặc biệt là cát lòng sông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chủ yếu tập trung ở 02 nhánh sông chính là sông Tiền và sông Vàm Cỏ. Theo quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát lòng sông tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 đã được HĐND tỉnh Tiền Giang thông qua, thì trữ lượng cát lòng sông có thể đầu tư khai thác đạt hiệu quả kinh tế là 50,3 triệu m3. Trong đó, trên tuyến sông Tiền được quy hoạch tại 9 khu vực được phép thăm dò, khai thác với tổng trữ lượng khoảng 48,97 triệu m3; trên tuyến sông Vàm Cỏ được quy hoạch 01 khu vực được phép thăm dò, khai thác với tổng trữ lượng khoảng 1,33 triệu m3.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, tình hình khai thác cát lòng sông trái phép vẫn thường xuyên xảy ra tại một số khu vực, chủ yếu tập trung tại một số đoạn sông thuộc địa bàn các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Gò Công Tây, Tân Phú Đông và TP. Mỹ Tho; đồng thời, vẫn còn tình trạng khai thác cát biển thuộc các huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông..., từ đó gây ảnh hưởng đến môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, đời sống của người dân khu vực xung quanh.
Cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang lập biên bản xử lý vi phạm đối với hành vi khai thác cát trái phép trên sông Tiền. Ảnh: NDO.
Theo thống kê, từ năm 2022 đến tháng 8/2023, lực lượng chức năng tỉnh Tiền Giang đã phát hiện 79 vụ với 125 đối tượng vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản (chủ yếu là khai thác cát trái phép, vận chuyển cát không có hóa đơn chứng từ). Trong đó, đã xử phạt vi phạm hành chính 39 vụ với 63 đối tượng, số tiền phạt hơn 5,8 tỷ đồng; tịch thu 3 phương tiện thủy nội địa, 3 máy hút cát; còn 40 vụ cùng 62 đối tượng đang lập hồ sơ xử lý. Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường phát hiện, xử lý 25 cá nhân, 1 tổ chức, số tiền phạt hơn 5,1 tỷ đồng, tịch thu 1 phương tiện thủy nội địa.
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm khai thác cát trái phép ở khu vực gần cầu Mỹ Thuận (ở xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cùng khu vực ven biển (ở khu vực cửa Tiểu, cửa Đại thuộc huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang). Tại khu vực cầu Mỹ Thuận, lực lượng chức năng đã phát hiện 11 vụ với 24 đối tượng vi phạm, số tiền phạt hơn 1,3 tỷ đồng, tịch thu 3 máy hút cát, 22,568 m3 cát. Tại khu vực ven biển, lực lượng Công an phát hiện 25 vụ với 52 đối tượng vi phạm (trong đó có 4 vụ khai thác cát trái phép, 21 vụ vận chuyển khoáng sản không hóa đơn chứng từ), hiện đang lập hồ sơ xử lý. Bộ đội Biên phòng Tiền Giang phát hiện 13 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 11 vụ vận chuyển cát không có hóa đơn, chứng từ với số tiền phạt hơn 285 triệu đồng.
Tuy nhiên, tình hình khai thác, kinh doanh, vận chuyển trái phép khoáng sản (đặc biệt là cát lòng sông) vẫn còn diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi. Nguyên nhân chủ yếu do lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép lớn nên các đối tượng bất chấp pháp luật, dùng nhiều biện pháp để đối phó lực lượng chức năng, gây khó khăn trong quá trình phát hiện, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó,nhu cầu sử dụng cát san lấp trên địa bàn tỉnh rất lớn, trong khi nguồn cung khan hiếm dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép vẫn còn diễn ra.
Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác cát còn yếu còn yếu, chính quyền cấp cơ sở trong quản lý hoạt động khai thác cát trái phép còn yếu, chính quyền cấp cơ sở chưa vào cuộc quyết liệt, đa số khoán trắng cho lực lượng cấp tỉnh; chưa thường xuyên kiểm tra, xử lý dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn biến phức tạp, chưa giải quyết triệt để.
Địa phương này triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời vi phạm trong khai thác khoáng sản. Ảnh: BB.
Để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý về khoáng sản, giúp địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tháng 5/2023, Sở TN&MT Tiền Giang đã trình UBND tỉnh Đề án “Quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên cát tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023-2025 và sau 2025”. Trong đó, đề xuất 8 giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Và trong mỗi giải pháp đều đề xuất các biện pháp tổ chức thực hiện, phân công rõ ràng trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan.
Cụ thể, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tài nguyên cát; nâng cao vai trò trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu từ huyện đến xã; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi và công tác quản lý nhà nước về khoáng sản của các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã.
Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh, Tổ công tác liên ngành các cấp; đảm bảo kinh phí cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thực hiện tốt chính sách đảm bảo quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; tăng cường kiểm tra, giám sát chống thất thu thuế, tăng thu cho ngân sách Nhà nước từ hoạt động khai thác cát, sỏi; tăng cường sự phối hợp của các cấp, ngành, tổ chức chính trị xã hội trong quản lý, bảo vệ tài nguyên cát, sỏi.
UBND tỉnh Tiền Giang đã giao UBND cấp huyện và xã có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện “Phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”; tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý kịp thời hoạt động khai thác tài nguyên cát trái phép; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các khu vực có khoáng sản; đồng thời, tổ chức vận động các chủ phương tiện ghe bơm hút là người địa phương ký cam kết không tham gia khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng sông trái phép.
Dự báo nhu cầu sử dụng cát san lấp các công trình đầu tư công trọng điểm các khu, cụm công nghiệp và các công trình, dự án, nhu cầu của nhân dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023 - 2030 với tổng khối lượng khoảng hơn 27 triệu m3. Nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp, xử lý triệt để tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh và vùng giáp ranh giữa tỉnh Tiền Giang với các tỉnh, tạo sự ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai hiệu quả đề án “Phòng, chống khai thác tài nguyên khoáng sản (đất, cát, sỏi…) trái phép trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, vùng giáp ranh giữa Tiền Giang với các tỉnh”.
Đề án nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp, xử lý triệt để tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh và vùng giáp ranh giữa tỉnh Tiền Giang với các tỉnh, tạo sự ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường lựa chọn các khu vực đã xác định được trữ lượng, tài nguyên khoáng sản, thuộc quy hoạch khoáng sản đã được phê duyệt, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép, đấu giá quyền khai thác khoáng sản đúng quy định nhằm hạn chế tình trang khai thác khoáng sản trái phép.
Công an tỉnh chủ trì thực hiện, phối hợp Công an các tỉnh giáp ranh tổ chức xây dựng, triển khai các phương án đấu tranh, ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép tại khu vực giáp ranh. Đồng thời, công bố đường dây nóng, công khai số điện thoại để người dân biết, tố giác kịp thời các hoạt động khai thác, tập kết khoáng sản trái phép, có trách nhiệm bảo vệ người tố giác theo quy định của pháp luật. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quản lý thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý người, phương tiện khai thác, vận chuyển, tập kết khoáng sản trái phép, không rõ nguồn gốc hợp pháp trong khu vực biên giới biển, vùng biển.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Đề án. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản trên địa bàn quản lý, trong đó quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật...
Nguyễn Mai
Bình luận