Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 19:11
Thứ sáu, 31/05/2024 08:05
TMO - Trước tác động của biến đổi khí hậu đến việc cung ứng nguồn nước trên địa bàn, thời gian qua tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều giải pháp, qua đó đảm bảo cung cấp nguồn nước cho dân, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành kinh tế phát triển.
Với lượng mưa hạn chế và biến đổi mạnh theo không gian, tài nguyên nước mặt của tỉnh tập trung chủ yếu ở hệ thống sông ngòi trên địa bàn. Tổng lượng dòng chảy năm trên 07 sông chính của tỉnh Bình Thuận: Sông Lòng Sông, sông Lũy, sông Quao, sông Cà Ty, sông Phan, sông Dinh được ước tính khoảng 5,4 tỷ m3 nước. Hiện nay, với toàn bộ hệ thống 49 hồ chứa lớn nhỏ của tỉnh Bình Thuận có dung tích cực đại khoảng 442 triệu m3 nước cùng với nguồn nước mưa hàng năm có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng nước hiện tại. Với mục tiêu phát triển kinh tế nhanh hơn trong thời gian tới, lượng nước tại các hồ chứa hiện nay sẽ không đủ năng lực cung cấp nước cho các nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt và sản xuất, nhất là trong mùa khô.
Trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất trên các lưu vực sông chính trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cho thấy: trữ lượng tĩnh khoảng 4.400 triệu m3; trữ lượng động khoảng 1,44 triệu m3 /ngày; trữ lượng tiềm năng khoảng 1,55 triệu m3 /ngày. Ngoài ra, trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất (nước nhạt) toàn vùng cát ven biển tỉnh Bình Thuận là 1,56 triệu m3 /ngày. Tuy nhiên, nguồn nước dưới đất không lớn và sẽ cạn kiệt nhanh nếu khai thác quá mức. Vì vậy, cần hạn chế khai thác nguồn nước dưới đất.
Kết quả tính toán nhu cầu nước cho sinh hoạt và các ngành kinh tế các huyện và cả tỉnh Bình Thuận vào năm 2030 cho thấy tỉnh cần khoảng 1.252 triệu m3 /năm nước thô một năm. Trong số đó, ngoài nước cấp cho nông nghiệp (bao gồm cả chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên bờ) là 928 triệu m3 /năm, cần phải xử lý để cấp nước sạch cho sinh hoạt và an ninh, quốc phòng là 134,5 triệu m3 /năm; du lịch, thương mại, dịch vụ là 89 triệu m3 /năm; công nghiệp, cơ sở sản xuất phi công nghiệp là 100 triệu m3 /năm. Nhu cầu sử dụng nước cho hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác titan chưa được đưa vào vì chưa đủ thông tin.
Do ảnh hưởng của tình hình hạn hán kéo dài, nhiều hồ chứa trên địa bàn tỉnh suy giảm nguồn nước, ảnh hưởng đến việc cung ứng cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Căn cứ nhu cầu, mục đích sử dụng nước và tiềm năng nước dưới đất, thứ tự ưu tiên phân bổ cho các mục đích sử dụng theo thứ tự như sau: Cấp nước sinh hoạt; Du lịch; Cấp nước cho ngành nông nghiệp có giá trị cao; Các ngành sản xuất có công nghệ sản xuất ít tiêu tốn nước; Hỗ trợ nước tưới và những nhu cầu khác ở những nơi đặc biệt khó khăn về nguồn nước; Cấp nước cho ngành nông nghiệp công nghệ cao với chế độ tưới thông minh; Các ngành công nghiệp; tiểu thủ công nghiệp; Cấp nước cho ngành nông nghiệp nói chung.
Tỉnh sẽ tận dụng tối đa các nguồn nước, đặc biệt là nuồn nước mưa hiện có trên địa bàn nhằm đáp ứng các nhu cấu cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bảo vệ tài nguyên nước phải lấy phòng ngừa là chính; phải bảo vệ được nguồn sinh thủy, chất lượng nước, hệ sinh thái thủy sinh, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên.
Do ảnh hưởng của El Nino, từ đầu năm 2024 đến nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh trạng thái nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao. Điều này dẫn đến mực nước ngầm hạ thấp, lượng dòng chảy trên các sông, suối tự nhiên cạn kiệt, gây hạn hán, thiếu nước sinh hoạt và có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong thời gian đến nếu thời tiết không có mưa tại 47 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Qua đó ảnh hưởng đến đời sống của 33.116 hộ dân/99.543 nhân khẩu (đã thiếu 12.517 hộ/42.277 nhân khẩu, có nguy cơ thiếu 20.599 hộ/57.266 nhân khẩu), thiếu nước tưới cho 961 ha cây trồng vụ đông xuân năm 2023 - 2024, ảnh hưởng đến năng suất.
Theo dự báo trong thời gian tới, nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm. Nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn trung bình nhiều năm, nguy cơ tiếp tục xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nhất là ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ. Để ứng phó tình trạng hạn hán, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế thất thoát, lãng phí nước, chủ động khai thác, sử dụng nguồn nước tại chỗ từ giếng khoan, giếng đào của hộ gia đình phục vụ sinh hoạt, vận động người dân xây bể, mua bồn tích trữ nước phục vụ sinh hoạt trong mùa khô.
UBND Bình Thuận đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan kiểm tra, giám sát và yêu cầu các chủ công trình thực hiện việc giám sát mực nước, lưu lượng, chất lượng nước tại công trình khai thác nguồn nước mặt và nước dưới đất, bảo vệ nguồn nước sử dụng, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình, trường hợp phát hiện hành vi gây ô nhiễm, có nguy cơ gây ô nhiễm, không bảo đảm an toàn cho việc khai thác nước và các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước khác trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước, phải ngăn chặn xử lý kịp thời.
Sở TN&MT Bình Thuận cho biết, để quản lý việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước tại các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh, Sở đã cấm các hoạt động xây dựng, sản xuất, xả nước thải sinh hoạt, rác thải… nhằm đảm bảo vệ sinh và chất lượng nguồn nước. Đối với khu vực lấy nước mặt phải có biển báo giới hạn khu vực bảo vệ nguồn nước và bộ phận chắn rác tại vị trí lấy nước, đối với khu vực khai thác nước dưới đất phải có hàng rào bảo vệ các giếng và hạn chế xả thải theo hình thức thấm đất vào khu vực bảo hộ của các giếng khai thác.
Các nhà máy xa nguồn nước thô là hồ chứa, sông suối, kênh… cần xây dựng các tuyến ống kín cấp nước thô độc lập, tách biệt với hệ thống kênh dẫn phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngoài ra đối với các công trình lấy nước từ kênh hở, ưu tiên đầu tư nâng cấp, kiên cố các tuyến kênh dẫn nước phục vụ sinh hoạt, tăng cường công tác bảo trì hệ thống, hạn chế tối đa việc thất thoát nguồn nước. Đồng thời, triển khai kế hoạch lập hành lang bảo vệ nguồn nước tại các hồ chứa, sông suối… tiến hành gắn camera ở các công trình hồ chứa nước để vừa bảo vệ an ninh an toàn hồ chứa, vừa bảo vệ nguồn nước.
Địa phương này xây dựng công trình thủy lợi nhỏ tập trung và thực hiện sửa chữa, nâng cấp các công trình hiện có để khai thác hiệu quả nguồn nước.
Để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, tỉnh Bình Thuận đã triển khai các giải pháp bảo vệ nguồn tài nguyên nước nhằm kiểm soát chất lượng nguồn nước mặt để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương. Đặc biệt là UBND tỉnh còn yêu cầu các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, đo đạc lấy mẫu các điểm “nóng” về môi trường, không để việc sản xuất của các cơ sở gây ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Đồng thời đẩy mạnh điều tra cơ bản, quy hoạch, quan trắc, giám sát tài nguyên nước và giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước như: Lập quy hoạch tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; xây dựng vận hành hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; tăng cường các biện pháp tích nước, điều hòa, sử dụng tổng hợp, tiết kiệm tài nguyên nước và phát triển các mô hình sử dụng nước hiệu quả.
Ngoài ra, địa phương này xây dựng công trình thủy lợi nhỏ tập trung và thực hiện sửa chữa, nâng cấp các công trình hiện có trên địa bàn để phát huy hiệu quả công trình, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nước. Ưu tiên xây dựng các công trình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn để tăng thu nhập và đảm bảo ổn định đời sống nhân dân. Tiến hành kiên cố kênh, mương theo hướng ưu tiên đầu tư những khu vực có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, các xã nông thôn mới và sản phẩm nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong tổng sản phẩm của địa phương để ổn định công trình nhằm tăng khả năng chống chịu với thiên tai, tiết kiệm nước, giảm chi phí duy tu bảo dưỡng công trình gắn với phát triển giao thông nội đồng, chỉnh trang nông thôn…/
Lê Liên
Bình luận