Hotline: 0941068156
Thứ hai, 14/10/2024 15:10
Thứ tư, 17/07/2024 07:07
TMO - Thời gian qua, những cơn mưa lớn kéo dài đã khiến nhiều tuyến đường trong trung tâm TP. Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) ngập sâu, không chỉ gây khó khăn cho các phương tiện giao thông mà việc mua bán, kinh doanh của người dân cũng bị ảnh hưởng.
UBND TP. Rạch Giá cho biết khi mưa to, hầu hết các tuyến đường trong trung tâm thành phố đều ngập đường như: đường Trần Phú, Nguyễn Trung Trực, Đống Đa, Lâm Quang Ky, Lạc Hồng, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong (đoạn từ đường Nguyễn Trung Trực đến đường Ngô Quyền, khu đô thị Tây Bắc)…
Hệ thống thoát nước trên địa bàn chủ yếu là chảy ngập và bán ngập. Vào thời điểm triều cường hoặc mùa lũ của vùng Tứ giác Long Xuyên đổ về làm mực nước trên kênh, rạch cao, các miệng xả đều nằm sâu dưới mực nước dẫn tới việc thoát nước rất chậm. Cao độ xây dựng của TP.Rạch Giá đạt 1,4-2,3m và không bị ngập lụt, chỉ một vài điểm ngập cục bộ ở khu vực trũng, có cao độ xây dựng nền thấp <1,4m, và chưa có hệ thống thoát nước. Địa bàn TP.Rạch Giá thường xảy ra 3 dạng ngập úng chính là ngập úng cục bộ do mưa lớn, ngập úng do mực nước triều cao và ngập úng do mưa lớn kết hợp triều cao.
Khu vực gần ngã 4 Phạm Hùng-Lạc Hồng bị ngập sâu làm chết máy nhiều phương tiện giao thông. Ảnh: VS.
Theo lãnh đạo UBND TP.Rạch Giá, trên cơ sở quy hoạch thoát nước được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt, thời gian qua, TP.Rạch Giá bố trí nguồn vốn để đầu tư hạ tầng thoát nước và hoàn thành đấu nối hệ thống thoát nước ngang đường Nguyễn Trung Trực tại một số vị trí giao lộ. Việc vệ sinh cửa thu nước, nạo vét bùn hố ga, cống do Công ty cổ phần Phát triển đô thị Kiên Giang thực hiện theo nguồn vốn công ích hằng năm…
Trước đó, ngày 11/7, cơn mưa to kèm theo gió mạnh kéo dài hơn 4 giờ đã làm cho các tuyến đường trung tâm TP.Rạch Giá (Kiên Giang) ngập sâu. Các tuyến đường như Lạc Hồng, Lâm Quang Ky, Nguyễn Trung Trực, Trần Phú... ngập sâu, có đoạn gần đến yên xe máy khiến cho nhiều xe bị chết máy. Người dân phải vất vả lội bì bõm trong nước dắt xe qua các đoạn ngập sâu. Đáng nói, nước ngập che khuất tầm nhìn nên các hố, bậc lên xuống ở mép lộ đều khó nhìn thấy rất dễ gây ra tai nạn giao thông nếu xe sụp vào.
Theo UBND TP.Rạch Giá, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập cục bộ vào sáng ngày 11/7 là do mưa lớn kéo dài khoảng hơn 4 giờ vào thời điểm thủy triều dâng cao, các miệng cống rác và lá cây, che chắn. Ngoài ra do hệ thống cống được đầu tư từ năm 2000 trở về trước có tiết diện nhỏ (từ 60-80cm) chưa đảm bảo cho việc thoát nước trên các tuyến đường.
Ngập sâu trên đường Lạc Hồng, ảnh hưởng lớn đến việc di chuyển của người dân. Ảnh: PV.
Để khắc phục tình trạng ngập úng, thành phố đã chỉ đạo cho các đơn vị liên quan nhanh chóng thu gom rác, lá cây để khơi thông miệng cống thoát nước ở các tuyến đường cho nước rút nhanh hơn. Về lâu dài, thành phố đã và đang tiến hành thay thế hệ thống cống trên các tuyến đường có tiết diện lớn hơn để đảm bảo cho việc thoát nước. Tuy nhiên, việc đầu tư hệ thống cống tốn rất nhiều kinh phí và mất nhiều thời gian, vì vậy, thành phố tập trung cho những tuyến đường thường ngập sâu, bức xúc trước và tiếp tục đầu tư đối với các tuyến đường còn lại trong thời gian tới.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu UBND TP.Rạch Giá tăng cường công tác quản lý hệ thống thoát nước; cho kiểm tra các hệ thống điện, hố ga và nạo vét các tuyến cống, trong đó ưu tiên các tuyến cống chính thoát nước.
Sở Giao thông vận tải phối hợp với UBND TP.Rạch Giá nghiên cứu cải tạo Hệ thống thoát nước tuyến đường Nguyễn Trung Trực và đường 3/2, gắn với cải tạo mở rộng, nâng cấp mặt lộ để tăng lưu lượng giao thông phục vụ cho việc đi lại trong thời gian tới. Còn tuyến đường Tôn Đức Thắng sẽ triển khai thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030. Đối với kinh phí để thực hiện hệ thống thoát nước, UBND tỉnh giao cho Sở Tài chính phối hợp UBND TP.Rạch Giá nghiên cứu nguồn dự toán để triển khai việc này.
Ngoài ra, UBND tỉnh giao UBND TP.Rạch Giá kiểm tra lại hết các hệ thống kênh, rạch, mương thoát nước chung hiện nay để nắm thực trạng cũng như thực trạng bao chiếm của dân nhằm xử lý dứt điểm và tìm hướng đầu tư bền vững; Xây dựng Bản đồ số dựa trên Bản đồ của GIZ để chuyển đổi thành Bản đồ số hệ thống thoát nước của toàn thành phố.
Thu Hương
Bình luận