Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 11:01
Thứ hai, 27/11/2023 08:11
TMO - Khan hiếm cát sông đang ảnh hưởng lớn đến tiến độ và chất lượng các công trình xây dựng tại nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Dự báo nguồn cát sông tại khu vực này nếu bị tận dụng khai thác sẽ cạn kiệt trong vòng chỉ 10 năm nữa.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ nay đến năm 2026, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long đã cấp 80 giấy phép khai thác cát với tổng sản lượng 110 triệu mét khối; trong đó có khoảng 20 triệu mét khối cát xây dựng, còn lại là cát san lấp, đủ phục vụ nhu cầu xây dựng cao tốc toàn vùng.
Cuối tháng 9/2023, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) công bố kết quả nghiên cứu ngân hàng cát cho đồng bằng sông Cửu Long. Ngân hàng cát được xây dựng dựa trên bốn yếu tố, gồm: Lượng cát đổ về đồng bằng sông Cửu Long; lượng cát đổ ra biển; lượng cát khai thác trong đồng bằng và trữ lượng cát hiện có ở đáy sông.
Theo đó, tổng trữ lượng cát đo được toàn vùng ước tính khoảng 367-550 triệu mét khối, là lượng cát được tích lũy từ hàng trăm năm qua, có vai trò quan trọng đối với sự ổn định của đồng bằng. Kết quả khảo sát cuối năm 2022 cũng cho thấy, lượng cát đổ về đồng bằng đã giảm xuống còn 2 triệu-4 triệu mét khối mỗi năm, chỉ bằng 1/3 so với trước đây, phần lớn cát bị giữ lại bởi các đập thủy điện ở thượng nguồn.
Khan hiếm cát sông đang ảnh hưởng lớn đến tiến độ và chất lượng các công trình xây dựng tại nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo kết quả nghiên cứu, với tốc độ khai thác cát hiện tại ở đồng bằng sông Cửu Long khoảng từ 35 triệu-55 triệu mét khối mỗi năm, trữ lượng cát này sẽ hoàn toàn cạn kiệt trong 10 năm tới. So sánh lượng cát bồi đắp và lượng cát khai thác, hiện, ngân hàng cát âm hàng chục triệu mét khối mỗi năm. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở, sụt lún đất, xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt ở đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, cần hạn chế khai thác cát để phòng chống sạt lở, đồng thời, cấp bách nghiên cứu tìm các nguồn vật liệu thay thế để xây dựng các công trình vừa bảo đảm nhu cầu phát triển, vừa bảo đảm được hệ sinh thái của vùng đồng bằng sông Cửu Long trước tác động của biến đổi khí hậu.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng cát sông tại Vùng ĐBSCL là rất lớn trong khi đó nguồn cát cung ứng ngày càng khan hiếm, do đó nhiệm vụ đặt ra là cần phải nghiên cứu để tìm những giải pháp thay thế cát sông để vừa bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường, sinh thái bền vững và vừa phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Vùng ĐBSCL. Khan hiếm cát sông cũng đang ảnh hưởng lớn đến các công trình giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng tại nhiều địa phương ở ĐBSCL trong đó có TP Cần Thơ.
Cần Thơ ở vị trí hạ lưu sông Mekong, lượng cát chỉ còn khoảng 5,3 triệu mét khối, nhưng chất lượng không tốt, lẫn bùn nhiều. Qua nghiên cứu đánh giá của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, cát của thành phố Cần Thơ không đủ quy chuẩn để làm đường cao tốc. Do đó, Cần Thơ rất cần cát ở các nơi khác, ở các tỉnh lân cận để thay thế.
UBND TP. Cần Thơ cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố đang triển nhiều công trình, dự án trọng điểm như: Tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Hậu Giang; đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; Khu công nghiệp VISIP... Do đó, nhu cầu về cát san lấp, cát xây dựng cho các công trình, dự án này là rất lớn, trong khi đó khối lượng cát trên địa bàn thành phố hiện còn tương đối ít và không đủ quy chuẩn để làm một số công trình, dự án. Trước những khó khăn nêu trên, TP.Cần Thơ đã giao cho các sở, ngành nghiên cứu sử dụng các vật liệu khác để thay thế cát sông, nhưng việc này cần phải qua quá trình nghiên cứu chuyên sâu trong thời gian dài để khi sử dụng không ảnh hưởng tới chất lượng công trình, môi trường sinh thái.
Các chuyên gia đề xuất nghiên cứu, áp dụng nhiều phương án trong việc tìm nguồn vật liệu thay thế cát sông.
Để giảm vật liệu thay thế cát, các chuyên gia đề xuất nghiên cứu, áp dụng những những phương án, như: xay đá thành cát; nghiên cứu thay đổi kết cấu công trình; phát triển giao thông đường thuỷ; dụng trộn tro xỉ thay thế cát sử dụng ở một số công trình,…Và nhập cát nơi khác về Việt Nam. Một số giải pháp cho các vật liệu thay thế cát sông được các chuyên gia nhấn mạnh như: Vận chuyển đá từ vùng khác về để xay thành cát rồi nghiền nát trộn bê tông. Tuy nhiên, việc vận chuyển tốn chi phí cao, bù lại sẽ giúp tăng tuổi thọ công trình.
Phương án khác là nghiên cứu thay đổi kết cấu công trình, làm sao để giảm lượng bê tông càng nhiều càng tốt. Ví dụ, có những bộ phận có thể thay thế bằng khung sắt hoặc nền công trình có thể giảm sử dụng lượng cát. Ngoài ra, có thể tính đến phương án phát triển giao thông đường thuỷ, giảm bớt áp lực giao thông trên đường cao tốc, giảm việc xây dựng đường. áp dụng trộn tro xỉ thay thế cát sử dụng ở một số công trình. Tuy nhiên, đối với những bê tông thấp thì đạt yêu cầu, còn về lâu dài vẫn chưa đánh giá được. Mặt khác, sử dụng tro xỉ cũng phải đồng bộ, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình.
Nhiều nhà khoa học và chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu sử dụng các loại vật liệu thay thế cát sông trong công trình hạ tầng giao thông như cát biển, tro xỉ nhiệt điện… để tiết kiệm cát sông. Tuy nhiên, cần phải có những nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường, hệ sinh thái cũng như tính hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật và môi trường đối với các vật liệu này.
Bên cạnh đó, cần có chính sách đặc biệt để khuyến khích những nghiên cứu khoa học, nhất là việc công bố kết quả nghiên cứu khoa học để ứng dụng. Cần công bố tiêu chuẩn về xây dựng giao thông và liên quan tới vật liệu xây dựng mới, ví dụ phải có công bố tiêu chuẩn về cát biển để quyết toán các công trình… Ngoài ra, cần có những chính sách về thuế, về khuyến khích sử dụng vật liệu xây dựng khác thay thế cát. Trước tiên là các dự án đầu tư công, sau là sử dụng trong những công trình dân dụng khác. Làm sao để khuyến khích giảm thuế thì người dân sẽ thay đổi thói quen và ứng dụng nhiều hơn.
Thu Đào
Bình luận