Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 17:11
Thứ tư, 25/09/2024 08:09
TMO - Với lợi thế về vị trí địa lý và sự đa dạng văn hóa, thời gian qua, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã nỗ lực phát huy tiềm năng khác biệt nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, từng bước hóa giải những hạn chế để đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần đắc lực thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển.
Với 9 di sản thế giới được UNESCO công nhận, bao gồm cả di sản văn hóa, thiên nhiên, vật thể và phi vật thể, khu vực Bắc Trung Bộ giữ vị trí rất quan trọng trong hệ thống phát triển tour và tuyến du lịch của Việt Nam. Hiện nay, hạ tầng đường bộ cao tốc các trục kết nối khu vực đang dần hoàn thiện, đường hàng không, đường sắt, đường biển ngày càng có nhiều cải thiện, tạo thuận lợi cho việc di chuyển. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch của vùng vẫn còn phát triển rời rạc, thiếu sự liên kết, chuỗi giá trị du lịch chưa được định hình chắc chắn, làm giảm tính hấp dẫn và hiệu quả.
Ở khu vực Bắc Trung Bộ, có nhiều loại hình du lịch phổ biến nhưng hầu hết đều bị ảnh hưởng bởi tính mùa vụ. Du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng biển thường đông khách về mùa Hè và hầu như không có khách trong mùa Đông. Du lịch về nguồn, tham quan tìm hiểu lịch sử - cách mạng phụ thuộc vào các mốc thời gian, sự kiện. Du lịch di sản, tham quan - nghỉ dưỡng có thể diễn ra quanh năm nhưng vào những tháng mùa Đông, thời tiết lạnh giá, mưa gió hạn chế khả năng di chuyển và trải nghiệm của du khách.
Các tỉnh tại khu vực Bắc Trung Bộ cần đẩy mạnh khai thác các sản phẩm du lịch, hướng tới trở thành "Điểm đến bốn mùa".
Ngoài ra, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng cũng chưa được đầu tư xứng tầm. Du lịch lễ hội - tín ngưỡng thường tập trung vào những tháng sau Tết Nguyên đán. Du lịch khám phá đảo ven bờ bị hạn chế do các đảo gần bờ có diện tích rất nhỏ, nguồn nước ngọt không dồi dào, việc đầu tư khai thác khó mở rộng. Du lịch chữa bệnh, phục hồi sức khỏe thường tập trung ở những nơi có nguồn nước khoáng nóng với mục đích nghỉ ngơi và chữa bệnh…
Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam cho biết, hiện khu vực Bắc Trung Bộ đang duy trì và phát triển một số sản phẩm du lịch như: Du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng biển tập trung vào mùa hè ở những khu du lịch biển như Sầm Sơn, Hải Tiến (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Bãi Đá Nhảy, Nhật Lệ (Quảng Bình), Cửa Tùng, Cửa Việt (Quảng Trị), Thuận An, Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế)... ; du lịch về nguồn, tham quan tìm hiểu lịch sử - cách mạng tại Xuân Sơn, Nhật Lệ, đường 20 Quyết thắng, địa đạo Vịnh Mốc, thành cổ Quảng Trị, cầu Hiền Lương, đường 9 - Khe Sanh, đường mòn Hồ Chí Minh... ; du lịch di sản, tham quan - nghỉ dưỡng tập trung ở di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ (Thanh Hóa), kinh đô cổ ở Huế với hệ thống điểm di tích văn hóa, lịch sử, các lăng tẩm (Thừa Thiên - Huế)...
Nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn của khu vực Bắc Trung Bộ phong phú, đa dạng nhưng hệ thống sản phẩm du lịch chưa độc đáo, đặc sắc và chịu nhiều ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, khí hậu... là thách thức lớn để địa phương phát triển du lịch quanh năm.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, tính mùa vụ có ảnh hưởng tiêu cực đối với ngành du lịch nói riêng và đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói chung. Mùa du lịch ngắn là nguyên nhân của việc phần lớn cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như lao động chuyên ngành chỉ được sử dụng hiệu quả trong một quãng thời gian nhất định. Tính mùa vụ còn đem lại sự tập trung cao của du khách trong một thời gian nhất định đối với các phương tiện vận chuyển, gây ách tắc giao thông ở các điểm du lịch, làm giảm chất lượng phục vụ và tạo nên sức ép về môi trường đối với các tài nguyên du lịch.
Tại khu vực Bắc Trung Bộ, việc tìm hiểu rõ các yếu tố tác động, cơ chế tác động là cơ sở quan trọng để đề xuất các giải pháp khắc phục tính mùa vụ, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động du lịch. Hiểu rõ tính mùa vụ có thể giúp các nhà quản lý du lịch, chính quyền địa phương và các bên liên quan xây dựng chiến lược phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực, tận dụng cơ hội từ tính mùa vụ để thúc đẩy du lịch phát triển.
Kết quả kinh doanh du lịch của các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ hiện chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý du lịch cần xác định việc khắc phục tính mùa vụ là nhiệm vụ quan trọng để phát triển du lịch bền vững, cũng như phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Trong đó, để khắc phục tính mùa vụ, các chuyên gia cho rằng, các địa phương ở khu vực này cần xây dựng các sản phẩm du lịch bổ sung; liên kết sản phẩm du lịch nội vùng, ngoại vùng điểm du lịch; truyền thông quảng bá du lịch biển vào cả mùa đông để du khách quen dần với việc mùa đông đến vùng này vẫn đi du lịch biển được. Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh du lịch văn hóa ẩm thực biển và không gian vùng biển; đẩy mạnh một số sản phẩm du lịch mới như du lịch đám cưới, du lịch MICE và du lịch giải trí sự kiện; phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn ven biển, du lịch làng nghề trong không gian biển…
Ngoài ra, các địa phương có thể mở rộng ở hoạt động chợ sản phẩm nông sản địa phương (OCOP), tham quan trải nghiệm làng nghề, khai thác du lịch gắn với thể thao, các cuộc thi sáng tạo cho nhóm khách; du lịch chữa bệnh, làm mới lại tinh thần. Đồng thời, trong mùa thấp điểm, với các địa phương miền Bắc Trung Bộ, cần tính toán đẩy mạnh khai thác du lịch cuối tuần; không gian văn hóa ven biển trong mùa thấp điểm.
Các địa phương ở khu vực này cần xây dựng các sản phẩm du lịch bổ sung; liên kết sản phẩm du lịch nội vùng, ngoại vùng điểm du lịch.
Nhận thức rõ thực trạng trên, thời gian qua các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ đã có những giải pháp để khắc phục tính mùa vụ, thúc đẩy phát triển du lịch. Ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch; đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, nhất là trên nền tảng số và khuyến khích các đơn vị kinh doanh nâng cao chất lượng dịch vụ... nhằm hướng đến mục tiêu “điểm đến bốn mùa”.
Tại Thanh Hóa, hệ sinh thái núi đá hùng vĩ cùng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông hoang sơ, gần gũi thiên nhiên với những điểm khám phá hấp dẫn như cánh đồng ruộng bậc thang, Hang Dơi-Kho Mường, Thác Hiu, bản Ðôn, chợ phố Ðoàn…, ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch Việt Nam. Khu vực này kết nối với suối cá Cẩm Lương, Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ ở Thanh Hóa, các điểm du lịch ở Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, Tràng An, tỉnh Ninh Bình tạo thành tour du lịch hấp dẫn. Với lợi thế về những sản phẩm du lịch độc đáo, đã và đang khai thác du lịch bốn mùa, kể cả mùa đông, Pù Luông hướng tới mục tiêu đón được 200 nghìn lượt khách trong năm 2024.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Vào mùa thấp điểm, các khách sạn triển khai các chương trình khuyến mãi giảm giá phòng nghỉ, ăn uống; đồng thời, có chính sách thu hút khách, nhất là cán bộ, nhân viên các tập đoàn, công ty lớn trong mùa cao điểm không có điều kiện đi nghỉ mát được… Các đơn vị kinh doanh du lịch cũng tận dụng thời gian thấp điểm, ít khách này để đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên.
Hà Tĩnh nằm trên tuyến du lịch xuyên Việt, điểm đầu của tuyến “Con đường di sản miền Trung” - một trong những cửa ngõ quan trọng của không gian du lịch “Hành lang Ðông-Tây” sang Lào và Thái Lan, cùng với lợi thế về du lịch biển, danh thắng và truyền thống văn hóa cách mạng; tạo nên tiềm năng và lợi thế so sánh lớn khi đầu tư hợp tác phát triển du lịch. Hiện nay, các dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, đã được đầu tư, nâng cao chất lượng. Cùng với đó, việc khai thác các tour, tuyến đi các khu di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh và trải nghiệm các giá trị văn hóa di sản phi vật thể bước đầu được các đơn vị lữ hành xây dựng và thực hiện có hiệu quả, thu hút du khách trong và ngoài nước.../.
Hà Trang
Bình luận