Hotline: 0941068156
Thứ năm, 16/01/2025 04:01
Chủ nhật, 02/01/2022 10:01
TMO - Người dân đồng bằng sông Cửu Long đang tích cực chuẩn bị nhiều loại nông sản thực phẩm sẵn sàng phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán 2022. Với tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc lưu thông ở thị trường trong nước và xuất khẩu còn gặp khó. Do vậy, chủ động kết nối cung cầu, liên kết giữa các địa phương, nông dân và doanh nghiệp để tạo thuận lợi về đầu ra là yêu cầu cấp thiết.
Theo lãnh đạo Sở NG&PTNT tỉnh Vĩnh Long, nông dân trong tỉnh đã chuẩn bị nhiều loại nông sản như lúa gạo, trái cây, rau màu, sản phẩm chăn nuôi và thủy sản để phục vụ Tết. Dự kiến có khoảng 400 tấn bưởi Năm Roi và bưởi da xanh, 8.000 tấn dưa hấu, dưa lưới 20 tấn, các loại rau củ quả hơn 3.000 tấn, hành lá 2.000 tấn, khoai lang khoảng vài chục ngàn tấn, cá diêu hồng hơn 100 tấn.
Sản phẩm bưởi da xanh đang được các hộ dân đẩy mạnh cung cấp cho thị trường Tết
Tại tỉnh Ðồng Tháp, ngoài các sản phẩm lúa gạo thơm ngon đặc sản, nông dân chuẩn bị nhiều loại trái cây, rau màu và sản phẩm chăn nuôi để phục vụ thị trường Tết. Theo ông Lê Quốc Ðiền, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ðồng Tháp, tỉnh dự kiến có sản lượng trái cây cung ứng ra thị trường tháng 1-2022 là 22.840 tấn và tháng 2 là 35.000 tấn, với nhiều loại trái cây như xoài, quýt, nhãn, mít, chanh…
Tuy nhiên, điều lo ngại nhất thời điểm này là đầu ra của trái mít vì xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn. Theo dự kiến tháng 1/2022 tỉnh có 1.300 tấn mít và tháng 2/2022 là 1.400 tấn cần thu hoạch và tiêu thụ. Riêng về rau màu, tỉnh có bắp, khoai môn, khoai lang, ớt, sen… dự kiến khoảng 3.000 tấn để phục vụ Tết. Ðồng Tháp cũng có 206 sản phẩm OCOP được xếp loại từ 3-4 sao và 184 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực và cấp quốc gia.
Ðể chủ động tạo thuận lợi về đầu ra cho nông sản dịp Tết Nguyên đán 2022 tới đây, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 của Bộ NN&PTNT cũng vừa phối hợp với các tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức diễn đàn trực tuyến “Kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm dịp Tết Nguyên đán”.
Bên cạn việc quảng bá, giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh sản xuất nông nghiệp tại địa phương để thúc đẩy kêu gọi đầu tư và hợp tác, nhiều địa phươngcũng đã giới thiệu cụ thể về chủng loại, số lượng các loại nông sản đặc sản, thực phẩm được đơn vị chuẩn bị cung ứng ra thị trường. Các đơn vị cũng đã giới thiệu thông tin, địa chỉ và số điện thoại của đơn vị mình gắn với nhu cầu liên kết hợp tác trong từng ngành hàng, sản phẩm cụ thể để các đối tác liên hệ, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Dự báo nhu cầu nhiều loại nông sản và hàng hóa vào dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng ít nhất 15-20%, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh. Người dân và doanh nghiệp tại các địa phương cũng sẵn sàng cung ứng nhiều loại nông sản an toàn, chất lượng cao và sản phẩm OCOP, sản phẩm chế biến sâu có giá trị cao. Tuy nhiên, dịch COVID-19 còn gây nhiều khó khăn cho việc lưu thông, tiêu thụ hàng hóa từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng qua các kênh truyền thống. Do vậy, việc chủ động đẩy mạnh thông tin về thị trường và kết nối cung cầu là rất cần thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sản xuất và đời sống của người dân.
Theo ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT, việc tiêu thụ hàng vào dịp Tết dự báo sẽ tăng cao, đây cũng là cơ hội để quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, đưa sản phẩm có chất lượng và giá bán tốt đến tay người tiêu dùng.
Các địa phương, hợp tác xã và doanh nghiệp có nhu cầu mua bán hàng cần chia sẻ thông tin và kết nối với nhau và có thể kết nối qua đầu mối của Diễn đàn kết nối nông sản 970 của Bộ NN&PTNT. Qua đó, kịp thời tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp và nông dân kết nối đưa các loại nông sản và sản phẩm của các địa phương đến tay người tiêu dùng.
Nguyễn Ngọc
Bình luận