Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 16:11
Thứ ba, 21/11/2023 07:11
TMO - Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề môi trường cấp bách như: suy giảm diện tích rừng tự nhiên và đa dạng sinh học; ô nhiễm môi trường, thiên tai ngày càng cực đoan... Để giải quyết các thách thức này, cần huy động sức mạnh tổng lực từ xã hội nhằm thúc đẩy nỗ lực chung trong công tác trồng, bảo vệ rừng.
Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, đề án trồng rừng, phục hồi rừng và trồng cây phân tán. Những nỗ lực này góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 40,84% năm 2015 lên 42,02% vào năm 2022; duy trì, phát triển hơn 14,7 triệu ha rừng, trong đó có 4,6 triệu ha rừng trồng. Nhờ đó tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định cho ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho những người làm nghề rừng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cục Lâm nghiệp cho biết: Hằng năm, rừng Việt Nam cung cấp khoảng 31 triệu m3 gỗ, góp hơn 17 tỷ USD cho kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, rừng còn tiềm năng lớn về giảm phát thải, hấp thụ và lưu giữ carbon, cung cấp dịch vụ môi trường rừng. Nhiều năm qua, Nhà nước đã khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng thông qua nhiều chính sách quan trọng như giao đất giao rừng; các chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, hỗ trợ vốn vay ưu đãi… Từ đó huy động tổng lực, đa dạng các nguồn vốn để thực hiện; trong đó, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 17%, 83% còn lại là nguồn vốn xã hội hóa từ huy động đầu tư, đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Nhà nước đã khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng thông qua nhiều chính sách quan trọng như giao đất giao rừng...
Theo đánh giá của các nhà khoa học, Việt Nam đã mất đi khá lớn diện tích rừng tự nhiên, do chặt phá trái phép, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Suy giảm diện tích rừng tự nhiên không chỉ làm giảm nguồn lợi từ rừng mà còn gây ra những tác động tiêu cực cho sự ổn định của hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và mất khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề môi trường cấp bách như: sự xuất hiện ngày càng nhiều các hình thái thời tiết cực đoan, tài nguyên đa dạng sinh học suy giảm mạnh, thực trạng ô nhiễm môi trường ở mức báo động cao. Để giải quyết các những thách thức thiên niên kỷ này, mỗi quốc gia và toàn cầu cần huy động sức mạnh tổng lực từ xã hội nhằm thúc đẩy nỗ lực chung trong việc phục hồi thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để khắc phục các tồn tại trong công tác trồng và bảo vệ rừng, năm 2021, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu phát triển lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản.
Nhà nước khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng và chế biến lâm sản theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, cần thiết lập cơ chế huy động quỹ để gây quỹ hiệu quả cho việc trồng cây từ khu vực tư nhân, điều quan trọng là phải thiết kế một cơ chế thể chế cho phép các thực thể khác nhau của khu vực tư nhân (công ty, xã hội, quỹ tín thác, cá nhân, v.v.) đóng góp các nguồn lực tài chính khác nhau theo một cách an toàn, thuận tiện, hiệu quả. Đồng thời, nỗ lực phục hồi rừng không thể thiếu sự khai thác từ nguồn lực xã hội, thông qua các sáng kiến quốc tế, các nguồn quỹ sáng kiến cacbon, quỹ sáng kiến xanh, hoặc các nguồn vốn viện trợ phát triển hoặc nguồn lực ODA các phong trào phục hồi rừng trong nước có thể tìm kiếm nguồn lực từ các quỹ tài trợ này.
Ở nhiều quốc gia, các phong trào xanh đã gây được nguồn quỹ rất lớn từ sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt là nguồn tài trợ của chính phủ thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia hoặc các cam kết quốc tế về trồng rừng và biến đổi khí hậu như các chương trình quốc tế, bao gồm REDD+; CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp); và chương trình FLEGT (Thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị và Thương mại) của Liên minh Châu Âu và các Thỏa thuận Đối tác Tự nguyện (VPA), đã giúp hỗ trợ chuyển đổi sang quản lý rừng bền vững. Công ước Bonn, là một nền tảng toàn cầu, tập trung vào việc phục hồi các vùng đất bị suy thoái và mất rừng. Năm 2022 khoảng 3.520 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động được từ xã hội hóa đạt 1.688 tỷ đồng, chiếm 48% tổng kinh phí, đây là kết quả rất đáng khích lệ, cần được tiếp tục phát huy và nhân rộng trong những năm tiếp theo.
Cần triển khai hiệu quả công tác xã hội hóa huy động nguồn lực trong trồng và bảo vệ rừng.
Theo các chuyên gia môi trường, nguồn lực xã hội hóa cho trồng và bảo vệ rừng được hình thành rất đa dạng đến từ nguồn quỹ quốc tế và trong nước. Tuy nhiên, môi trường pháp lý chưa rõ ràng, chưa thuận lợi cho các địa phương, đơn vị thực hiện chức năng huy động vốn, cũng như hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thủ tục phê duyệt, xác nhận viện trợ, quyết toán khó khăn phức tạp làm nản lòng các nhà khoa học trong việc thực hiện các dự án.
Nhằm tạo thuận lợi cho thu hút nguồn lực xã hội hóa cho trồng rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, các nhà khoa học kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp liên quan đến các hoạt động này, đảm bảo đồng bộ, công khai, minh bạch.
Đồng thời, Chính phủ cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho địa phương trong việc chỉ đạo, tuyên truyền, vận động xã hội hóa; làm rõ quyền, lợi ích và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia xã hội hóa và chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực này, như miễn giảm một số loại thuế, phí... Rõ ràng, nhờ có xã hội hóa nguồn lực của cộng đồng và doanh nghiệp mà Nhà nước đã giảm được rất nhiều chi phí cho công tác bảo vệ môi trường và cái được lớn nhất là làm thay đổi được nhận thức, hình thành ý thức trách nhiệm chung tay bảo vệ môi trường của cả xã hội và mỗi người dân.
Để nâng hiệu quả phục hồi rừng cần thiết lập môi trường thuận lợi và cấu trúc thể chế, thúc đẩy sự hợp tác hiệp lực giữa các bên liên quan chính, nông dân, các cơ quan chính phủ, các nhóm xã hội dân sự và khu vực tư nhân là một yếu tố quan trọng của chiến lược quản lý này. Đồng thời cần có một cơ chế giám sát mạnh mẽ trong việc huy động nguồn quỹ và triển khai thực hiện trong thực tế; Các cơ quan và đơn vị thực hiện cũng có thể nhận tài trợ, thiết lập và duy trì các khu vực trồng rừng, phân bổ nguồn quỹ, với sự tham vấn của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.
Hoàng Quỳnh
Bình luận