Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 23:11
Thứ sáu, 28/06/2024 05:06
TMO - Tỉnh Long An kiến nghị Trung ương sớm hỗ trợ kinh phí 157 tỷ đồng để tỉnh đầu tư các công trình phòng chống hạn, xâm nhập mặn mùa khô 2023 - 2024 để tỉnh thực hiện phòng, chống hạn, mặn kịp thời và phục vụ lâu dài cho những năm tiếp theo.
Theo UBND tỉnh Long An, trong những năm gần đây, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh xảy ra thường xuyên và diễn biến hết sức phức tạp. Nhất là mùa khô năm 2015-2016, 2019-2020, gây thiếu nước nghiêm trọng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Đối với mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trên sông Vàm Cỏ Đông độ mặn 1,0g/l vượt qua cầu Xáng Lớn, huyện Bến Lức (1,1g/l), cách cửa sông Soài Rạp khoảng 76km. Độ mặn 4,0 g/l vượt qua cống Đôi Ma, huyện Cần Đước (4,8g/l), cách cửa sông Soài Rạp khoảng 47km. Trên sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn 1,0 g/l vượt qua cống La Khoa, huyện Thạnh Hóa (1,2g/l), cách cửa sông Soài Rạp khoảng 92km. Độ mặn 4,0 g/l vượt qua Bến đò Chú Tiết, Thành phố Tân An (5,5 g/l), cách cửa sông Soài Rạp khoảng 70km.
Mặc dù hệ thống công trình phòng chống hạn mặn trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, tuy nhiên tại một số công trình vẫn xảy ra tình trạng rò rỉ mặn vào trong nội đồng, cần được nâng cấp. Ảnh: BLA.
Hệ thống công trình trong khu vực các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành, TP.Tân An và phía nam huyện Thủ Thừa, Bến Lức đến nay cơ bản đã được đầu tư tương đối hoàn thiện. Tuy nhiên, do đặc thù của tỉnh là sông rạch chằng chịt, nên hầu hết hệ thống các kênh, mương nội đồng trong khu vực bờ bao đã bị bồi lắng nhiều, mặt cắt bị thu hẹp. Do đó, chưa đáp ứng khả năng dẫn nước, trữ nước và cấp nước trong thời gian mùa khô. Đồng thời, một số cống hiện nay xuống cấp, không có cửa ngăn mặn có khả năng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng rò rỉ mặn vào trong nội đồng.
Đối với vùng kẹp giữa hai sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây (đoạn từ kênh Bến Lức - Thủ Thừa đến kênh Phước Xuyên, Thạnh Hóa), hệ thống công trình thủy lợi trong vùng chủ yếu là các tuyến kênh, rạch ngang dọc. Cặp theo các tuyến kênh, rạch đã được đầu tư hệ thống bờ bao, cống bọng khép kín bảo đảm ngăn lũ, ngăn triều cường. Tuy nhiên, trước các tác động nước mặn xâm nhập sâu như hiện nay, khả năng nước mặn lấn sâu vào các tuyến kênh, rạch nội đồng tiếp giáp với sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây sẽ dẫn đến tình trạng nguồn nước ngọt bị nhiễm mặn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Bên cạnh đó, tình hình thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2023-2024 đã xảy ra cục tại một số xã vùng hạ của tỉnh. Thế nhưng, hiện nay thiếu nguồn kinh phí để đầu tư việc kéo dài và nâng cấp mở rộng các tuyến ống cấp nước.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho biết, trước tác động của thời tiết biến đổi không theo quy luật hàng năm, mùa lũ về vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và các huyện Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An nói riêng đang dần xuất hiện ít đi, nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt đang bị thiếu hụt nghiêm trọng. Vì vậy khả năng mùa khô 2024 - 2025 và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục xảy ra xâm nhập mặn sớm, lấn sâu vào các kênh, rạch nội đồng làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Nhằm giảm thiểu những hiểm họa, tác động có thể xảy ra trong mùa khô 2024 - 2025 và nâng cao năng lực phòng chống, ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, Long An kiến nghị Trung ương xem xét, sớm hỗ trợ kinh phí 157 tỷ đồng để tỉnh thực hiện đầu tư các công trình phòng chống hạn, xâm nhập mặn mùa khô 2023 - 2024 tại Long An.
Người dân Long An chờ lấy nước từ các xe cấp nước. Ảnh: AL.
Đầu tư, xây dựng hệ thống thủy lợi, các hồ dự trữ nước ngọt (hồ chứa ngọt Thuận An, Thạnh Hóa; hồ chứa ngọt Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường; hồ chứa ngọt Bàu Biển, Vĩnh Hưng; hồ chứa ngọt Tân Hưng) trên địa bàn; rà soát lại toàn bộ hệ thống kênh trục để có kế hoạch đầu tư nạo vét, tu bổ nâng cấp bờ bao, xây dựng các cống điều tiết ngăn mặn giữ nước nhằm phòng chống hạn, xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Bên cạnh đó, tỉnh kiến nghị sớm hỗ trợ đầu tư các cống phục vụ điều tiết nước, ngăn mặn, trữ ngọt cho vùng giữa hai sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây (đoạn từ kênh Bến Lức - Thủ Thừa đến kênh Phước Xuyên, Thạnh Hóa) vì hiện nay tại các vị trí đầu kênh tiếp giáp với sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây chưa được đầu tư cống đầu mối để làm nhiệm vụ điều tiết nước ngăn mặn, trữ ngọt; đầu tư các công nghệ chuyển đổi đóng mở thông minh các cửa cống bằng áp lực nước sang đóng mở cưỡng bức kết hợp thiết bị quan trắc tự động mực nước, độ mặn, pH… tại các huyện phía Nam của tỉnh để chủ động điều tiết, vận hành, quản lý nguồn nước khi độ mặn - ngọt biến đổi bất thường.
Về lâu dài để đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu, cần có giải pháp nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống kiểm soát mặn trên sông Vàm Cỏ để chủ động trong việc ngăn mặn xâm nhập từ cửa sông Soài Rạp vào hai nhánh sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, rút kinh nghiệm từ đợt hạn mặn 2015 - 2016 và 2019 - 2020, ngay từ nửa cuối năm 2023, địa phương đã chủ động triển khai phòng ngừa, ứng phó nhằm bảo vệ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô 2023-2024. Các đơn vị, địa phương kịp thời xây dựng kế hoạch, chủ động phòng ngừa ứng phó góp phần chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại các địa phương thực sự khó khăn về nguồn nước cũng đã chủ động xây dựng lịch sản xuất, cấp nước hiệu quả. Do đó, trong mùa khô 2023-2024, tình hình sản xuất nông nghiệp cơ bản không bị ảnh hưởng thiệt hại do hạn, mặn gây ra.
Từ đầu năm 2024, UBND tỉnh Long An đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nhiều giải pháp ứng phó với hạn, mặn, đặc biệt là các đợt cao điểm xâm nhập mặn. Thời gian qua, các cơ quan chức năng tỉnh Long An đã tăng cường kiểm tra, rà soát, khoanh vùng các khu vực thường xuyên xảy ra khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn để thực hiện các giải pháp như nạo vét, đắp đập tạm, lắp đặt các trạm bơm dã chiến nhằm kịp thời dẫn nước, trữ nước phục vụ sản xuất.
Rà soát, tổng hợp các danh mục công trình ưu tiên cấp bách để triển khai thi công ngay bằng các nguồn lực sẵn có của tỉnh hoặc huy động trong Nhân dân nhằm kịp thời ngăn mặn, bảo vệ nguồn nước ngọt hiện có trong khu vực nội đồng; kiểm tra các tuyến đê bao xung yếu, cống đầu mối để kịp thời phát hiện sự cố, sửa chữa, khắc phục ngay không để nước mặn rò rỉ vào nội đồng gây ảnh hưởng chất lượng nguồn nước ngọt.
Cuối tháng 4/2024, tỉnh Long An đã kiến nghị Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam xả nước hồ Dầu Tiếng về sông Vàm Cỏ Đông nhằm khống chế ranh mặn, đảm bảo nguồn nước ngọt vận hành các trạm bơm và kênh rạch phục vụ sản xuất. Việc xả nước được thực hiện trong 5 ngày (từ 23-28.4), tỉnh Long An đã đón hơn 7 triệu m3 nước về sông Vàm Cỏ Đông.
Cùng với đó là các giải pháp chăm lo sản xuất, tỉnh Long An cũng thực hiện các giải pháp để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, đúng mục đích. Từ công tác truyền thông, vận động, có nhiều nhà hảo tâm đã tích cực tham gia, vận chuyển hàng ngàn mét khối nước cung cấp cho người dân ở các nơi thiếu hụt nước sinh hoạt. Ngoài ra, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, đo đạc chất lượng nước trên các tuyến sông trong tỉnh, thông báo kết quả 2 lần/tuần để người dân chủ động tích trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Các nội dung, thông tin phòng, chống hạn, xâm nhập mặn liên tục được đăng tải trên webtise phòng chống thiên tai của tỉnh.../.
Lê An
Bình luận