Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 14:01
Thứ tư, 07/06/2023 13:06
TMO - Trước diễn biến bất thường của tình hình thiên tai, tỉnh Nghệ An đẩy mạnh triển khai các giải pháp nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ thông qua việc xây dựng phương án huy động lực lượng phòng chống thiên tai nhằm ứng phó hiệu quả với thiên tai, phát huy ý thức tự giác và tính chủ động phòng, chống thiên tai của cộng đồng.
Nghệ An là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai đặc trưng cho khu vực duyên hải miền Trung như bão, áp thấp nhiệt đới, lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, lốc, sét. Riêng trong năm 2022, tại Nghệ An xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, gây ra nhiều thiệt hại về sản xuất nông, lâm nghiệp và các công trình hạ tầng, làm chết 12 người, bị thương 01 người, 100 nhà bị sập, 990 nhà bị hư hỏng, 322 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Đặc biệt đợt lũ ống, lũ quét xảy ra trên địa bàn huyện Kỳ Sơn gây nên hậu quả hết sức nặng nề… Ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 1.265 tỷ đồng.
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ đưa ra nhận định, năm 2023, dự báo thời tiết sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra tố, lốc, mưa đá sẽ diễn ra nhiều trong thời điểm giao mùa. Dự báo trong thời gian ngắn sắp tới sẽ diễn ra nhiều trận mưa lớn, với lượng mưa lớn hơn trung bình các năm trước. Cuối tháng 5, đầu tháng 6 trên các sông thuộc tỉnh Nghệ An có khả năng xảy ra một đợt lũ tiểu mãn. Từ tháng 7 đến tháng 9 trên các sông thuộc Nghệ An có khả năng xảy ra 2 - 3 đợt lũ.
Thiên tai đặc biệt là tình hình bão lũ gia tăng mức độ nghiêm trọng đòi hỏi tỉnh Nghệ An chủ động phương án ứng phó, hạn chế thiệt hại.
Trước dự báo về tình hình thiên tai trong năm 2023, tỉnh Nghệ An đã xây dựng phương án ứng phó với thiên tai trên địa bàn năm 2023 nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra; kịp thời di dời, sơ tán dân ở khu vực xung yếu đến nơi an toàn; nâng cao hơn nữa tính chủ động của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn các cấp, nhận thức của cán bộ, người dân trong công tác phòng, chống thiên tai…
Tại Nghệ An, công trình phòng, chống thiên tai và công trình trọng điểm được xác định bao gồm: đê điều, hệ thống tiêu úng lớn, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền. Trong đó, công trình đê điều bao gồm đê, kè, cống qua đê và các công trình phụ trợ trên đê có nhiệm vụ ngăn lũ từ các con sông, ngăn mặn từ biển vào, hạn chế thiệt hại của nước biển dâng do bão, thủy triều
Với công trình đê điều, phương án bảo vệ được xây dựng chi tiết đối với các tuyến đê quan trọng là đê Tả Lam và các tuyến đê sông, đê biển cấp IV, V, đê cửa sông. Trong đó, đê Tả Lam là tuyến đê quan trọng nhất của tỉnh Nghệ An, do UBND tỉnh trực tiếp quản lý; gồm: đê cấp II dài 44,22 km, đê cấp III dài 11,920 km, đê cấp IV dài 11,378 km. Đây là tuyến đê ngăn lũ sông Cả, bảo vệ khu vực Đông Nam tỉnh gồm các huyện từ Đô Lương đến thành phố Vinh; trong đó có nhiều khu kinh tế, chính trị và văn hóa xã hội quan trọng.
Hệ thống tiêu ứng bao gồm các cống Bến Thủy, Nghi Quang, Diễn Thành, Diễn Thủy; các kênh tiêu lớn như Vách Bắc, Sông Bùng, Sông Thấp, Sông Gai và các trạm bơm tiêu úng như: Hưng Châu, Hưng Đạo, Tây Nam... Để vận hành tốt hệ thống tiêu úng này, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị vận hành các công trình trên lập và phê duyệt phương án phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” trước mùa mưa bão các chủ quản lý hệ thống tiêu úng, các cơ quan chức năng kiểm tra vật tư, phương tiện, nhân lực. Trong đó, phương án bảo vệ đảm bảo tập trung xử lý sự cố ngay từ đầu giờ, xử lý rò, sủi, thấm, ngăn không cho sự cố gia tăng.
Huy động lực lượng đảm bảo an toàn, khắc phục khẩn cấp sự cố đê điều mùa mưa lũ là nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Đối với các công trình hồ đập: Nghệ An hiện có 1.061 hồ chứa, gồm 55 đập, hồ chứa lớn; 220 đập, hồ chứa vừa và 786 đập, hồ chứa nhỏ. Trong số đó, các doanh nghiệp quản lý 101 hồ; số còn lại do các tổ chức thủy lợi cơ sở và cá nhân quản lý. Đối với những công trình này, UBND tỉnh yêu cầu đơn vị chức năng, địa phương hàng năm trước khi bước vào mùa mưa lũ chủ động lập, cập nhật, bổ sung phương án bảo vệ đập, hồ chứa. Đối với công trình đang thi công, chủ đầu tư cây dựng đập, hồ chứa có trách nhiệm lập phương án ứng phó với thiên tai công trình, hạ du đập. Ngoài ra, đối với các khu neo đậu tàu thuyền cần kiểm tra luồng lạch ra vào đảm bảo thông suốt; Kiểm tra các vị trí neo đậu khu vực neo đậu đảm bảo đủ cho số tàu thuyền về neo đậu...
Để phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn, địa phương đã huy động lực lượng của các ngành, cấp, tổ chức, doanh nghiệp, lực lượng tình nguyện và các tầng lớp nhân dân. Hàng năm các lực lượng này đều được đào tạo, tập huấn, huấn luyện để bổ sung những kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như kỹ năng về phòng, chống thiên tai hướng đến xây dựng lực lượng tại chỗ ngày càng chất lượng, chuyên nghiệp.
Thành lập mới nhiều tổ, đội hợp tác sản xuất giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt các xã ven biển; củng cố, duy trì hoạt động của các tổ, đội hiện có với nòng cốt là lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở, lực lượng quản lý để nhân dân tăng cường khả năng ứng phó tại chỗ. Tổng toàn bộ nhân lực huy động ứng phó với thiên tai của tỉnh Nghệ An khoảng 159.264 người bao gồm các lực lượng như: quân đội, bộ đội biên phòng, công an, y tế, thanh niên tình nguyện, hội chữ thập đỏ, dân quân tự vệ, thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn các cấp, lực lượng quản lý đê…
Về dự trữ vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm, UBND cấp huyện, cấp xã chủ động chuẩn bị vật tư, vật liệu, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phù hợp với phương án ứng phó thiên tai của huyện và xã đã được phê duyệt. Khi các vật tư, trang thiết bị tại địa phương cấp huyện và xã không đáp ứng thì huy động từ cấp tỉnh. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chủ động chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ hoạt động phòng, chống thiên tai theo hướng dẫn của địa phương.
Vân Khánh
Bình luận