Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 07:01
Thứ ba, 12/07/2022 20:07
TMO - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, dự kiến tỉnh Kon Tum sẽ hình thành 12 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tổng quy mô 6.939 ha với các sản phẩm sản xuất chính gồm hoa, rau củ quả, cây ăn quả, cà phê và dược liệu.
Cụ thể, 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rau, củ, quả tại huyện Kon Plông (rộng 190 ha) và TP. Kon Tum (rộng 50 ha); 1 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoa các loại tại huyện Kon Plông (rộng 52ha); 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cây ăn quả tại TP. Kon Tum, huyện Đăk Tô, huyện Đăk Hà (3 địa phương đều rộng 300 ha) và huyện Ia H’Drai (rộng 100 ha)
04 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cà phê tại TP. Kon Tum (rộng 300 ha), huyện Đăk Glei (rộng 358 ha), huyện Đăk Tô (rộng 300 ha), huyện Đăk Hà (rộng 1.939 ha); 1 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao dược liệu tại huyện Tu Mơ Rông (rộng 2.800 ha).
Hiện toàn tỉnh đã hình thành được 02 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Đăk Hà và thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông với tổng diện tích gần 8.000ha gồm các đối tượng sản xuất như: rau, củ, quả, cà phê, cây ăn quả.
Huyện Kon Plông là một trong hai địa phương tại Kon Tum đã hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: VP
Toàn tỉnh Kon Tum hiện có gần 300.000ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm gần 31% tổng diện tích tự nhiên với đa dạng điều kiện tự nhiên của 2 tiểu vùng khí hậu Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn. Trong đó, khu vực Tây Trường Sơn giàu tiềm năng để phát triển cây nông nghiệp có giá trị cao như cao su, cà phê, cây ăn quả.
Khu vực Đông Trường Sơn với điều kiện đặc trưng riêng có để phát triển các loài dược liệu quý và đặc hữu như sâm Ngọc Linh, Hồng đẳng sâm, Lan kim tuyến và cà phê; rau, quả, hoa xứ lạnh...
Thời gian qua, tỉnh Kon Tum đang triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 hình thành 06 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến năm 2030, hình thành 08 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nhằm thực hiện hiệu quả các kế hoạch đề ra, đồng thời nhanh chóng đạt được mục tiêu tại nghị quyết, tỉnh Kon Tum khuyến khích các chủ thể sản xuất mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường cơ giới hóa, chuyển giao và ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh nông sản hàng hóa.
Mở rộng các mô hình sản xuất đưa nhanh tiến bộ về giống mới cho năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất trên diện rộng, nhất là các loại giống mới với công thức luân canh phù hợp với đặc điểm sinh thái và phát triển sản xuất hàng hóa hiện đại.
Đồng thời, đẩy mạnh cơ giới hóa ở các khâu làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, chế biến. Tăng cường sử dụng các công nghệ mới trong sản xuất như nhà màng, nhà lưới, công nghệ thu hoạch, bảo quản, công nghệ làm sạch...
Trần Hiền
Bình luận