Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 14/12/2024 18:12
Thứ năm, 12/12/2024 10:12
TMO – Sản xuất công nhiệp được xác định là một trong những lĩnh vực trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc với điểm nhấn là cơ khí, luyện kim, điện tử… Với nông nghiệp, vùng sẽ tập trung phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp chế biến chè tại các tỉnh Thái Nguyên, Lai Châu, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang; chế biến cà phê tại Sơn La; mắc ca tại Lai Châu…
Vùng trung du và miền núi phía Bắc có tiềm năng phát triển công nghiệp và có lợi thế lớn trong phát triển nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp vùng hiện đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Theo đó, các khu, cụm công nghiệp còn được quy hoạch ồ ạt, các ngành nghề định hướng thu hút đầu tư còn chung chung, chưa có sự liên kết với các tỉnh trong vùng trong việc hình thành các chuỗi ngành Công nghiệp để định hướng đầu tư cho các khu, cụm công nghiệp của các tỉnh.
Thực tế, đa số các dự án đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trong vùng là các dự án khai thác, sản xuất công nghiệp dựa trên các nguồn tài nguyên thiên nhiên: khai khoáng, thủy điện, chế biến nông, lâm sản. Trong khi đó, quản lý lỏng lẻo cũng là nguyên nhân làm cho nguồn tài nguyên tổn thất lớn và suy giảm nhanh. Công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp của vùng chủ yếu ở nhóm công nghệ lạc hậu và trung bình, còn gây ảnh hưởng nhiều đến môi trường và đời sống của người dân. Quy hoạch khu, cụm công nghiệp thường thiếu tính liên kết với quy hoạch và xây dựng các khu đô thị, khu dân cư mới cho người dân, đặc biệt là nhóm người dân tộc thiểu số tại vùng, gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
(Ảnh minh họa)
Để khắc phục một số hạn chế (được xem là nguyên nhân khiến phát triển công nghiệp của vùng bị kìm hãm), Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ phương hướng phát triển lĩnh vực này. Theo đó, vùng sẽ tập trung phát triển công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, trọng tâm là chế biến, chế tạo, năng lượng.
Phát triển công nghiệp luyện kim, cơ khí, điện, điện tử, chất bán dẫn và công nghiệp công nghệ cao. Xây dựng Thái Nguyên, Lào Cai thành trung tâm luyện kim; Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ thành trung tâm cơ khí, điện, điện tử có trình độ cao. Phát triển Bắc Giang trở thành trung tâm sản xuất chất bán dẫn, công nghiệp hỗ trợ. Ưu tiên các dự án áp dụng công nghệ mới, nâng cao hiệu quả công nghiệp hóa chất như sản xuất phân lân hữu cơ, vi sinh, sunfat amon, phân bón Kali, các sản phẩm nhựa, các sản phẩm hóa chất cơ bản, hóa dược chủ yếu tại Phú Thọ, Lào Cai, Bắc Giang.
Tập trung phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp chế biến chè tại các tỉnh Thái Nguyên, Lai Châu, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang; chế biến cà phê tại Sơn La; mắc ca tại Lai Châu; gỗ, giấy tại Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ; chế biến rau quả, sản phẩm nông sản tại Sơn La, Bắc Giang, Lạng Sơn, Điện Biên, Hà Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang; chế biến sản phẩm từ cây dược liệu tại Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn.
Tập trung phát triển công nghiệp khai thác gắn với chế biến hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và đảm bảo yêu cầu về môi trường đối với các loại khoáng sản như: Apatit, đồng, sắt (Lào Cai), niken - đồng (Sơn La), vonfram (Thái Nguyên), thiếc (Cao Bằng), chì, kẽm, cao lanh (Lai Châu, Bắc Kạn). Thúc đẩy khai thác, chế biến và sử dụng hiệu quả đất hiếm (Lai Châu, Yên Bái). Phát triển và nâng cao hiệu quả sử dụng thủy điện tại các địa phương có điều kiện; đảm bảo công tác giữ rừng đầu nguồn, bảo vệ an ninh nguồn nước khi triển khai các dự án thủy điện quy mô vừa và nhỏ. Nghiên cứu phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo tại các địa phương có điều kiện; phát triển điện gió chủ yếu tại Lạng Sơn và Điện Biên…/.
HẢI YẾN
Bình luận