Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ hai, 19/08/2024 14:08
TMO - Trữ lượng nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng trong tỉnh Hưng Yên còn hạn chế, phần lớn là cát sông và một số khoáng sản khác như đất làm gạch, ngói, than nâu...Trong khi nhu cầu cát phục vụ các dự án đầu tư xây dựng trong tỉnh ngày càng tăng, đòi hỏi công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác cần được tăng cường.
Trữ lượng cát sông của tỉnh Hưng Yên khoảng gần 16,3 triệu m3, phân bố chủ yếu tại các bãi bồi ven sông và lòng sông. Trong khi nhu cầu cát phục vụ các dự án đầu tư xây dựng trong tỉnh ngày càng tăng. Từ tháng 1/2019 đến nay, tỉnh đã tổ chức, đấu giá thành công 4 điểm mỏ cát lòng sông và đã cấp 3 giấy phép khai thác (1 điểm mỏ chưa cấp phép) phục vụ xây dựng các công trình của tỉnh, nhằm tăng thu cho ngân sách nhà nước, từng bước ngăn chặn, chấn chỉnh việc khai thác cát sông trái phép. UBND tỉnh không cấp phép khai thác tận thu, không cấp mỏ vật liệu xây dựng phục vụ các dự án trọng điểm.
Hiện nay, tỉnh không có điểm mỏ thuộc khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tất cả các khu vực đều phải đấu giá. Các đơn vị khai thác cát trong tỉnh đều kê khai và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước; lập đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường và có phương án đảm bảo an toàn lao động trong khai thác; về cơ bản, các tổ chức được cấp phép đều chấp hành tốt, trong nhiều năm qua chưa xảy ra vụ tai nạn lao động, sự cố môi trường nghiêm trọng nào.
Thời gian qua, việc theo dõi, quản lý khối lượng khai thác, mua, bán cát sông của các doanh nghiệp được cấp phép còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản mất nhiều thời gian (đấu giá, cấp giấy phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng, giấy chứng nhận đầu tư, đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường và hồ sơ cấp giấy phép khai thác), thời gian thực hiện dài (đến 3 năm), đối với cát sông có sự biến đổi trữ lượng lớn, khó khăn cho việc xác định trữ lượng.
Khai thác cát lòng sông Hồng tại xã Quảng Châu (thành phố Hưng Yên).
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển và kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện kiểm tra, xác định lại mốc giới, trữ lượng cát của các đơn vị được cấp phép khai thác; đánh giá hiệu quả hoạt động khai thác, việc đóng góp ngân sách nhà nước, tác động đến môi trường và tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.
Tham mưu với cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác theo quy định pháp luật đối với các điểm mỏ cát theo Kế hoạch số 194/KH-UBND ngày 27/12/2023 của UBND tỉnh về việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Hưng Yên năm 2024. Chủ động rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản trong tỉnh. Đề nghị cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu địa phương có trách nhiệm tổ chức bảo vệ tài nguyên cát sông chưa khai thác; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hoạt động khai thác cát sông trái phép để bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu vực có khoáng sản.
Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có chỉ đạo về việc tăng cường quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh, tập kết, vận chuyển cát, sỏi trên tuyến sông Hồng, sông Luộc thuộc địa bàn tỉnh Hưng Yên. Theo báo cáo của Công an tỉnh và căn cứ kết quả đợt kiểm tra thực tế trên sông Hồng, sông Luộc thời gian qua, tình hình liên quan đến hoạt động khai thác, kinh doanh, tập kết, vận chuyển cát, sỏi trên tuyến sông Hồng, sông Luộc thuộc địa bàn tỉnh Hưng Yên đã được các cấp ủy, chính quyền, các ngành, địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quản lý, thực hiện đồng bộ, chặt chẽ; đã chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định pháp luật trong khai thác, kinh doanh cát, sỏi, bến bãi bốc xếp, tập kết vật liệu xây dựng, các bến thủy nội địa; phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng khai thác cát trái phép; kiểm tra, phát hiện, xử lý nhiều vụ việc, đối tượng vi phạm...
Thực hiện tuyên truyền các quy định, văn bản pháp luật về khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng tới các tổ chức, cá nhân có liên quan và nhân dân, góp phần kiềm chế và làm giảm các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, công tác quản lý và hoạt động khai thác, kinh doanh, tập kết, vận chuyển cát, sỏi trên tuyến sông Hồng, sông Luộc thuộc địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, tồn tại: Công tác nắm bắt, đánh giá, dự báo tình hình, tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết các vấn đề phức tạp phát sinh trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tập kết cát, sỏi còn chưa được chú trọng, kịp thời; việc khắc phục những tồn tại, hạn chế qua các đợt thanh tra, kiểm tra còn chậm, kể cả đối với chủ các bến bãi và các sở, ngành chức năng, chính quyền địa phương; vẫn còn để xảy ra tình trạng nhiều bến bãi hoạt động không phép, xây dựng không đúng quy hoạch.
Hầu hết các bến bãi quy mô nhỏ, không được đầu tư hạ tầng đồng bộ. Nhiều bến bãi vi phạm pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường, đê điều, kế toán và quản lý tài chính, thuế và tiếp tay cho các hoạt động khai thác cát trái phép. Các phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi có nhiều vi phạm pháp luật như: không có đăng ký, đăng kiểm; tự hoán cải; người điều khiển phương tiện không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn; chở hàng hóa quá mức cho phép; không trang bị đầy đủ những phương tiện an toàn, phòng, chống cháy, nổ; chở cát, sỏi, vật liệu xây dựng khai thác trái phép hoặc không có hợp đồng, hóa đơn theo quy định.
Về hoạt động khai thác khoáng sản, một số doanh nghiệp hoạt động không đúng giấy phép khai thác khoáng sản được cấp; phương tiện khai thác được đăng ký không rõ ràng; khai thác quá phạm vi, khu vực, độ sâu được phép khai thác; mâu thuẫn, tranh chấp về địa giới, phạm vi khai thác giữa các mỏ gây mất an ninh trật tự, tự động khai thác gây tiếng ồn, sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của nhân dân gây đơn thư, phản đối, lo lắng của người dân. Hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Hồng rất phức tạp với nhiều thủ đoạn, phương thức tinh vi, gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong phát hiện, xử lý vi phạm.
Thời gian tới, lực lượng chức năng tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra hoạt động khai thác, kinh doanh, tập kết, vận chuyển cát, sỏi trên tuyến sông Hồng, sông Luộc thuộc địa bàn tỉnh.
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế đã nêu trên và tăng cường quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh, tập kết, vận chuyển cát, sỏi trên tuyến sông Hồng, sông Luộc thuộc địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ngành chức năng, các địa phương thực hiện nghiêm một số nhiệm vụ
UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, các cấp chính quyền, các sở, ngành liên quan: Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, bến, bãi hoạt động khai thác, kinh doanh, tập kết, vận chuyển cát, sỏi trên tuyến sông Hồng, sông Luộc thuộc địa bàn tỉnh; phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản, bến, bãi bốc xếp, tập kết vật liệu xây dựng và vận chuyển hàng hóa; kiên quyết giải tỏa các bến, bãi trái phép không có trong quy hoạch và chấm dứt hoạt động của các bến, bãi không có giấy phép, kể cả bến hành khách.
Xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Nơi nào để xảy ra vi phạm kéo dài, gây bức xúc trong dư luận thì kiên quyết xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quản lý địa bàn. Tổ chức thực hiện lập dự án đầu tư bến, bãi theo quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư bến, bãi thực sự có năng lực theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan; bảo đảm các bến, bãi được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và được quản lý, giám sát chặt chẽ.
Xác định lại mốc giới, trữ lượng cát của các mỏ đã được cấp phép khai thác cho các doanh nghiệp; đánh giá hiệu quả hoạt động, việc đóng góp vào ngân sách Nhà nước, tác động đến môi trường và tình hình an ninh, trật tự tại địa phương. Rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn và trong từng giai đoạn. Khai thác, đánh giá trữ lượng của các mỏ cát mới, các mỏ cát đã khai thác hết; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để sớm đưa các mỏ cát trong quy hoạch vào khai thác theo quy định của pháp luật.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc sử dụng đất vùng bãi sông Hồng, sông Luộc; kiên quyết xử lý các công trình xây dựng trái phép, công trình xâm phạm hành lang an toàn đê điều và các vi phạm pháp luật. Kiểm tra, thanh tra các công trình, dự án sản xuất gạch, ngói ngoài vùng đất bãi để bảo đảm tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật, nhất là đất đai, quy hoạch, xây dựng, đầu tư, bảo vệ môi trường; kiên quyết đóng cửa các nhà máy sản xuất gạch, ngói gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Thu Lan
Bình luận