Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 18/04/2025 10:04
Thứ năm, 07/12/2023 13:12
TMO - Theo đề xuất của Bộ Công Thương, điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân và lưới điện quốc gia nếu phát lên lưới sẽ được ghi nhận sản lượng nhưng với giá 0 đồng.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về Dự thảo hồ sơ Nghị định Quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà. Nghị định này quy định về phát triển điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và có liên kết hoặc không liên kết với lưới điện quốc gia.
Theo đó, nguyên tắc phát triển điện mặt trời mái nhà là phù hợp với quy hoạch điện lực quốc gia, kế hoạch triển khai quy hoạch. Tổng công suất điện mặt trời mái nhà có liên kết lưới điện quốc gia không vượt quá công suất được duyệt tại cơ cấu nguồn điện. Việc phát triển nguồn điện mái nhà phải đảm bảo an toàn điện, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy… Về chính sách phát triển, dự thảo quy định về điện mặt trời mái nhà có liên kết với lưới điện quốc gia để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và không bán điện vào lưới điện quốc gia.
Theo đó, tổ chức cá nhân khi đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà được sử dụng tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác, không đầu tư kinh doanh điện, hoạt động kinh doanh mua bán điện. Tuy nhiên, dự thảo quy định việc cho phép tổ chức, cá nhân lựa chọn phát hoặc không phát sản lượng điện dư của hệ thống điện mặt trời mái nhà vào hệ thống điện. Trường hợp phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện thì Nhà nước ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng.
Theo đề xuất của Bộ Công Thương, điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân và lưới điện quốc gia...
Điều này có nghĩa là lượng điện phát lên lưới không được thanh toán, đổi lại Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân được bám lưới điện, được liên kết với lưới điện quốc gia để điện mặt trời mái nhà vận hành, hoạt động ổn định. Nếu tổ chức, cá nhân không phát lượng điện dư lên lưới, thì phải tự đầu tư, lắp đặt thiết bị hạn chế tối đa phát điện dư vào hệ thống điện. Công suất điện mặt trời mái nhà của mỗi tổ chức, cá nhân phải phù hợp với phụ tải hiện có khi đăng ký đầu tư, lắp đặt.
Đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sử dụng, không liên kết với lưới điện quốc gia, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác, phải đảm bảo cả nguồn phát điện và phụ tải không liên kết với lưới điện quốc gia. Quy mô công suất lắp điện mặt trời mái nhà sẽ không giới hạn khi đăng ký lắp đặt.
Theo thống kê sơ bộ từ sau ngày 31/12/2020 đến cuối tháng 7/2023 còn khoảng 1.030 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất khoảng 399,96 MWp đã được các tổ chức, cá nhân lắp đặt với mục đích tự dùng tại chỗ, có liên kết với lưới điện nhưng không bán điện cho các đơn vị của EVN. Do đó, Bộ Công thương đề xuất cho phép điện mặt trời mái nhà đã lắp đặt tính đến nay hoặc trước khi ban hành nghị định này tiếp tục tồn tại. Để thúc đẩy phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà, dự thảo quy định các cơ chế ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển.
Cụ thể, công suất điện mặt trời mái nhà được lắp đặt sẽ phải phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực. Tại miền Bắc, hệ thống điện mặt trời mái nhà sẽ phải phù hợp với định hướng phát triển vùng và liên kết vùng. Hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở riêng lẻ sẽ không phải thực hiện việc phê duyệt, chấp thuận chủ trương đầu tư, không phải lập dự án đầu tư. Đây là nguồn điện chỉ sử dụng tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác và không hoạt động kinh doanh điện, không có yếu tố nước ngoài. Với trường hợp khác, phải thực hiện theo quy định hiện hành, như việc cần xin ý kiến có hay không phê duyệt, chấp thuận chủ trương đầu tư.
Các tổ chức cá nhân thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà phải tuân thủ đúng quy định về xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ và các quy định khác liên quan…Ảnh: ĐĐ.
Đất và công trình xây dựng có mái nhà không phải thực hiện bổ sung đất năng lượng công năng cho công trình năng lượng. Các dự án lắp đặt cũng được hưởng chính sách ưu đãi thuế, phí, lệ phí theo quy định; các cơ quan nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên, các tổ chức cá nhân thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà phải tuân thủ đúng quy định về xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ và các quy định khác liên quan…
Để thực hiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, các tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đăng ký đến đơn vị điện lực địa phương, sau đó được trả kết quả trong vòng 7 ngày. UBND tỉnh sẽ phê duyệt công suất phát triển điện mái nhà tại địa phương, công suất điện mái nhà có liên kết với lưới điện quốc gia.
Với nguồn điện mái nhà được gọi là “tự sản, tự tiêu”, Bộ Công Thương cho rằng đây là nguồn tiêu thụ tại chỗ. Vì vậy, dù nguồn điện này có đấu nối hay liên kết với lưới điện quốc gia, nhưng không bán điện vào hệ thống thì tổng công suất tăng thêm trên cả nước đến năm 2030 là 2.600 MW. Trường hợp không đấu nối hay liên kết với lưới điện quốc gia, công suất phát triển là không giới hạn.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, cơ cấu nguồn điện mặt trời đến năm 2030 là 12.836 MW (8,5%, không bao gồm điện mặt trời mái nhà hiện hữu), gồm các nguồn điện mặt trời tập trung 10.236 MW, nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu khoảng 2.600 MW. Nguồn điện mặt trời tự sản, tự tiêu được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).
Trước mắt trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII sẽ xác định công suất điện mặt trời mái nhà, tự sản tự tiêu của các địa phương. Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà, tự sản tự tiêu, không bán điện lên lưới điện quốc gia nhằm mục đích tiêu thụ tại chỗ, do đó không xác định cơ chế giá điện.
Nguyễn Hạnh
Bình luận