Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 11:01
Thứ tư, 08/11/2023 07:11
TMO - Trong những đề xuất để nâng cao sản lượng khai thác đất hiếm, sản xuất chíp bán dẫn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, Việt Nam phải có chính sách chế biến sâu và không xuất thô khoáng sản này.
Theo Bộ TN&MT đất hiếm tại Việt Nam phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc. Khu vực này có những mỏ đất hiếm như Đông Pao, Nam Nậm Xe, Bắc Nậm Xe, Yên Phú đã được thăm dò và xác định giá trị kinh tế. Khu vực Tây Bắc tồn tại rất phong phú các đá magma kiềm, á kiềm giàu các nguyên tố đất hiếm, đây là các điều kiện thuận lợi để hình thành các mỏ đất hiếm.
Các mỏ đất hiếm gốc tập trung ở Lai Châu, Lào Cai hay Yên Bái. Hiện nay, mỏ đất hiếm kiểu quặng gốc ở Đông Pao, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu có trữ lượng lớn nhất cả nước, có thể khai thác theo quy mô công nghiệp. Trên địa bàn tỉnh Lai Châu ghi nhận có 4 mỏ, điểm khoáng sản đất hiếm bao gồm: Mỏ đất hiếm Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường); mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Thèn Thầu (xã Nậm Xevà xã Bản Lang, huyện Phong Thổ). Ngoài Đông Pao, còn có mỏ đất hiếm ở xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái nhưng trữ lượng ít hơn. Bên cạnh đó, còn có mỏ đất hiếm dạng hấp phụ ion ở xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Hơn nữa, nhiều mỏ đất hiếm được tìm thấy ở Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Kon Tum, Lâm Đồng.
Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2023 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 7, riêng mảng khoáng sản đất hiểm, quy hoạch đưa dự kiến khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai mỗi năm. Theo quy hoạch này, từ nay đến năm 2030, sẽ hoàn thành các đề án thăm dò đã cấp phép tại mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe (Lai Châu). Thăm dò nâng cấp, mở rộng các mỏ đã cấp phép khai thác và đầu tư mới thăm dò tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Song song đó, đẩy mạnh tìm kiếm công nghệ, thị trường khai thác gắn với chế biến sâu khoáng sản đất hiếm đã cấp phép khai thác tại các mỏ như Đông Pao (Lai Châu), Yên Phú (Yên Bái).
Đồng thời hoàn thành nhà máy chế biến đất hiếm tại xã Yên Phú (H.Văn Yên, Yên Bái). Sang giai đoạn 2031 - 2050, tiếp tục đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao và đầu tư mới 3 - 4 dự án khai thác tại Lai Châu, Lào Cai nếu có nhà đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tổng sản lượng khai thác giai đoạn này đạt khoảng 2,112 triệu tấn quặng nguyên khai mỗi năm.
Đất hiếm tại Việt Nam phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc.
Trước đó, theo số liệu thống kê của Cục Khảo sát địa chất Mỹ năm 2022 công bố, trữ lượng đất hiếm của VN chiếm 18% tổng trữ lượng đất hiếm toàn thế giới, khoảng 22 triệu tấn, chỉ sau Trung Quốc với trữ lượng 44 triệu tấn; đứng thứ 3 là Brazil với 21 triệu tấn; Nga, Mông Cổ, Ấn Độ… cũng có trữ lượng đất hiếm vào hàng top đầu của thế giới. Đất hiếm gồm 17 nguyên tố, phần lớn trong số đó đóng vai trò không thể thay thế trong sản xuất thiết bị công nghệ cao, công nghệ hóa chất, bán dẫn, pin xe điện, tuabin điện gió, điện thoại, máy bay...
Nguyên tố trong đất hiếm là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao như: Điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang. Bên cạnh đó, đất hiếm được dùng để sản xuất các chất xúc tác, nam châm, hợp kim, bột mài, gốm, chất phát quang. Việc chế tạo các máy điện thoại di động, ổ đĩa cứng máy tính, xe ô tô điện, pin mặt trời, tua bin gió... cũng phải dùng đến đất hiếm.
Với lợi thế đất hiếm, Việt Nam đang thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào công nghệ bán dẫn. Trữ lượng lớn là cơ hội rất lớn để Việt Nam khai thác, hợp tác phát triển chip bán dẫn, tham gia chuỗi sản xuất công nghệ bán dẫn toàn cầu. Tuy nhiên, sản lượng khai thác thực tế lại rất thấp, chỉ có 1.000 tấn/năm. Dù đã thăm dò, đánh giá trữ lượng từ hơn 40 năm nay, đến nay Việt Nam vẫn chưa khai thác và chế biến được mỏ đất hiếm nào. Cùng với nguyên nhân về thị trường tiêu thụ, một trong những nguyên nhân chính là chúng ta chưa có công nghệ khai thác, chế biến đất hiếm, mà đây lại là lĩnh vực các nước giữ độc quyền, không chuyển giao công nghệ.
Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho biết, những nghiên cứu định hướng khai thác chế biến, ứng dụng khoáng sản đất hiếm đã được Nhà nước đầu tư qua các chương trình khoa học công nghệ và từ các chương trình của Viện Hàn lâm và đã đạt được những kết quả khả quan như: Phân chia, làm sạch nguyên tố đất hiếm; ứng dụng đất hiếm làm vật liệu xúc tác; chế tạo nam châm đất hiếm NdFeB....Tuy nhiên, hiện nay, ngành công nghệ đất hiếm vẫn chưa phát triển như mong muốn, nguyên nhân do đầu tư cho khoa học công nghệ vào lĩnh vực này chưa đủ tầm và không tập trung.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, Việt Nam phải có chính sách chế biến sâu và không xuất thô tài nguyên đất hiếm.
Trước thực tế trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đất hiếm là rất cần thiết cho phát triển công nghệ bán dẫn, trữ lượng của nước ta cho thấy sự cần thiết khai thác hiệu quả nguồn kháng sản này. Trước hết, chúng ta cần tập trung thu hút đầu tư với các nước có trình độ cao trong lĩnh vực này như Nhật, Mỹ; cần có chính sách chế biến sâu, không xuất thô loại khoáng sản này.
Quan trọng nhất phải phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam, tham gia chuỗi cung ứng và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có và tập trung nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực này để đào tạo nhân lực. Bên cạnh đó Việt Nam phải có chính sách chế biến sâu và không xuất thô khoáng sản này. Để nâng cao sản lượng khai thác đất hiếm, Việt Nam phải phát triển được ngành bán dẫn của nội địa, tham gia vào chuỗi cung ứng, cũng như sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có.
Bộ trưởng nhấn mạnh phải tập trung vào vấn đề nghiên cứu, phát triển công nghệ chíp bán dẫn, khai thác và chế biến và sử dụng đất hiếm cũng như đào tạo nguồn nhân lực. Cuối năm 2022, Việt Nam đạt được thỏa thuận xuất khẩu đất hiếm sang Hàn Quốc, với sản lượng 1.000 tấn/năm, sau đó tăng lên mức 2.000 tấn/năm. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn.
Việt Nam có đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn. Hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi. Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam. Theo đó, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ ngành xây dựng kế hoạch hành động và chiến lược để phát triển ngành này ở Việt Nam. Xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030.
Việt Nam cũng có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn. Có những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn như Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Các doanh nghiệp lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn. Ngoài ra, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ở châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc)...
Đức Bình
Bình luận