Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 02/05/2025 22:05
Thứ sáu, 02/05/2025 06:05
TMO - Hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng kinh tế, xã hội nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng, do đó, tỉnh Hòa Bình đang đẩy mạnh siết chặt công tác quản lý tài nguyên nước. Các giải pháp được triển khai đồng bộ nhằm bảo vệ nguồn nước, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm.
Tỉnh Hòa Bình sở hữu nguồn tài nguyên nước phong phú, bao gồm cả nước mặt và nước ngầm, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tài nguyên nước ở tỉnh Hòa Bình được đánh giá là khá dồi dào, có thể khai thác để phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế. Trong đó, nguồn nước mặt chủ yếu từ các lưu vực sông chính như: sông Đà, sông Bôi, sông Bưởi, sông Bùi chảy qua địa bàn tỉnh và 544 hồ chứa thủy lợi, khoảng 1.300 ha ao, hồ nhỏ.
Đối với nguồn nước đầm, ao, hồ, toàn tỉnh có 546 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 39 hồ chứa dung tích hơn 1 triệu m3 và 12 hồ chứa thủy điện. Đặc biệt, hồ chứa thủy điện Hòa Bình có dung tích lớn nhất là 9,862 tỷ m3, ngoài nhiệm vụ cung cấp nước cho nhà máy thủy điện Hòa Bình, hồ còn có nhiệm vụ điều tiết, cung cấp nước cho vùng đồng bằng sông Hồng.
Tuy nhiên, các vùng núi cao, độ dốc lớn thường có tầng chứa nước nghèo, nước xuất hiện dưới dạng mạch lộ thiên với lưu lượng nhỏ và biến đổi theo mùa. Để bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên nước, tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều giải pháp. Đáng chú ý, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm: Tổ chức, thực hiện, tuân thủ Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; thực hiện tốt công tác quản lý, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất, quan trắc, phân tích chất lượng nguồn nước trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định và đảm bảo an ninh nguồn nước.
Hoà Bình có nguồn nước dồi dào.
Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và hành nghề khoan nước dưới đất phải tuân thủ các quy định của Luật Tài nguyên nước. Kết hợp hoặc luân phiên khai thác nước mặt với khai thác nước dưới đất, nước mưa và tăng cường tuần hoàn, tái sử dụng nước nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nguồn nước cho các mục đích sử dụng và lợi ích về kinh tế - xã hội, môi trường do nguồn nước mang lại. Tuân thủ nguyên tắc khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và áp dụng biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định pháp luật.
Bảo đảm yêu cầu bảo vệ nước, đồng thời phải bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan; ưu tiên cho việc cấp nước sinh hoạt, cấp nước phục vụ phòng, chống thiên tai và phòng cháy, chữa cháy. Các sở, ngành, UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị xây dựng và thực hiện phương án phòng, chống hạn hán;
Hướng dẫn điều chỉnh thời vụ, cơ cấu cây trồng và thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn điều tiết nước tại các hồ chứa thủy lợi, hướng dẫn đơn vị quản lý thực hiện việc quản lý nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi; thường xuyên kiểm tra, đánh giá cân đối nguồn nước để điều chỉnh kế hoạch sử dụng nước phù hợp nhằm đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất. Phổ biến, tuyên truyền pháp luật về tài nguyên nước cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; tổ chức vận động người dân sử dụng nước sạch an toàn, tiết kiệm, hiệu quả;
Thu gom, xử lý vỏ bao bì, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, không vệ sinh dụng cụ bón phân, bình phun thuốc trên sông, suối, kênh mương nhằm tránh gây ô nhiễm nguồn nước; giám sát việc thi hành pháp luật về tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân được cấp phép. Báo cáo kịp thời với cơ quan cấp trên đối với các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước. Thống kê, theo dõi, giám sát tình hình khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước;
Phối hợp với cơ quan liên quan trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả do nước gây ra; thực hiện biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại địa phương; tổ chức quản lý, bảo vệ mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước; quản lý, bảo vệ hồ, ao, đầm không được san lấp theo quy định. Thực hiện tiếp nhận kê khai việc khai thác nước dưới đất của hộ gia đình để sử dụng cho sinh hoạt theo quy định tại Điều 53 của Luật Tài nguyên nước năm 2023;
Tăng cường bảo vệ tài nguyên nước nhằm đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất.
Đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị, tổ chức có hoạt động khai thác tài nguyên nước trên địa bàn thực hiện kê khai, đăng ký, đề nghị cấp giấy phép thăm dò, khai thác tài nguyên nước theo đúng quy định. Tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan thẩm quyền xử lý theo quy định các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước.
Các hoạt động khoan thăm dò khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; khai thác tài nguyên nước không có giấy phép. UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chủ tịch UBND huyện, thành phố nếu để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước; tình trạng xây dựng công trình trái phép, lấn chiếm, san lấp hồ, ao, đầm không được san lấp; tình trạng khoan thăm dò khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất trái phép và các hoạt động xả thải gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng trên địa bàn...
Ngoài ra, Hoà Bình đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền pháp luật về tài nguyên nước cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; vận động người dân sử dụng nước sạch an toàn, tiết kiệm, hiệu quả; giám sát việc thi hành pháp luật về tài nguyên nước. Kiểm soát ô nhiễm nguồn nước: Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, cải tạo, xử lý ô nhiễm môi trường nước mặt; quản lý, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước; lập danh mục và bản đồ phân vùng hạn chế, khu vực phải đăng ký nước dưới đất.
Trong giai đoạn tiếp theo, Hoà Bình tiếp tục phối hợp với các đơn vị quản lý, vận hành các công trình thủy lợi phía hạ du theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến khí tượng thủy văn, dự báo, tính toán, xây dựng các kịch bản vận hành, điều tiết hồ nhằm bảo vệ, và khai thác tài nguyên nước hiệu quả, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất của toàn thể người dân trên địa bàn.
Bảo Nhật
Bình luận