Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 14:11
Thứ hai, 22/01/2024 08:01
TMO - UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu các sở ngành, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức thực hiện các giải pháp cấp bách, giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du các lưu vực sông theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tài nguyên nước ở tỉnh Hòa Bình được đánh giá là khá dồi dào, có thể khai thác để phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế. Trong đó, nguồn nước mặt chủ yếu từ các lưu vực sông chính như: sông Đà, sông Bôi, sông Bưởi, sông Bùi chảy qua địa bàn tỉnh và 544 hồ chứa thủy lợi, khoảng 1.300 ha ao, hồ nhỏ. Đối với nguồn nước đầm, ao, hồ, toàn tỉnh có 546 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 39 hồ chứa dung tích hơn 1 triệu m3 và 12 hồ chứa thủy điện. Đặc biệt, hồ chứa thủy điện Hòa Bình có dung tích lớn nhất là 9,862 tỷ m3, ngoài nhiệm vụ cung cấp nước cho nhà máy thủy điện Hòa Bình, hồ còn có nhiệm vụ điều tiết, cung cấp nước cho vùng đồng bằng sông Hồng.
Đối với tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh phân bố không đồng đều và khá đa dạng, với 21 tầng chứa nước có khả năng cung cấp nước sinh hoạt cho dân cư trên toàn tỉnh. Trong đó có 7 tầng chứa có chất lượng, trữ lượng bảo đảm cho khai thác lưu lượng lớn cấp nước cho khu dân cư, khu công nghiệp. Các tầng chứa giàu nước chủ yếu phân bố ở vùng ven sông, suối, vùng đất thấp, bằng phẳng hoặc trong các thung lũng. Còn lại các vùng núi cao, độ dốc lớn là các tầng chứa nghèo, nước thường xuất hiện mạch lộ thiên với lưu lượng nhỏ và biến đổi theo mùa.
Tuy nhiên, hiện nay biến đổi khí hậu toàn cầu đang khiến nguồn nước trên địa bàn tỉnh ngày càng cạn kiệt. Tình trạng hạn hán những năm gần đây khiến mùa khô năm 2023 ở nhiều vùng quê trong tỉnh không chỉ thiếu nước sinh hoạt, mà nhiều hồ chứa cũng rơi vào cảnh trơ đáy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.Trước thực tế trên, nhằm phòng chống hạn hán thiếu nước trong mùa khô 2024, Sở TN&MT đã triển khai các nội dung theo chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 10707/BTNMT-TNN.
UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn nước cho vùng hạ du.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo văn bản trình UBND tỉnh Hòa Bình về việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du lưu vực sông trong mùa cạn năm 2024. Sở TN&MT đã tiến hành rà soát, nâng cao năng lực, hiệu quả lấy nước phù hợp với điều kiện nguồn nước của các hồ chứa và trên các lưu vực sông, bảo đảm cấp nước an toàn cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân ở hạ du các lưu vực sông.
Sở TN&MT cũng yêu cầu các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thành phố, Công ty TNHH Một thành viên lập kế hoạch sử dụng nước phù hợp trong điều kiện thiếu hụt nguồn nước, chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy lợi trên địa bàn thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong hệ thống công trình thủy lợi và thực hiện việc lấy nước phù hợp thời gian, kế hoạch vận hành xả nước của các hồ chứa thượng lưu.
Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi chặt chẽ các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và nguồn nước, đánh giá cân đối nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi để điều chỉnh kế hoạch sử dụng nước phù hợp với diễn biến nguồn nước trên lưu vực sông; tính toán lập kế hoạch lấy nước cụ thể phục vụ sản xuất đông xuân năm 2024.
Sở TN&MT cũng phối hợp Sở Xây Dựng, Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình và Công ty Thủy Điện Hòa Bình thực hiện theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến khí tượng thủy văn, nguồn nước. Trên cơ sở đó chủ động tính toán, xây dựng phương án vận hành tích nước của các hồ chứa trong thời kỳ cuối mùa lũ và phương án vận hành điều tiết các hồ chứa đảm bảo nguồn nước cấp cho hạ du trong mùa cạn năm 2024.
Sở TN&MT sẽ phối hợp với các đơn vị quản lý, vận hành các công trình thủy lợi phía hạ du theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến khí tượng thủy văn, dự báo, tính toán, xây dựng các kịch bản vận hành, điều tiết hồ. Đồng thời, cung cấp thông tin, số liệu theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa; bảo đảm yêu cầu cấp nước an toàn cho hạ du các lưu vực sông đến cuối mùa cạn 2024.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình: Sự gia tăng về dân số, các khu dân cư tập trung, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã tác động tiêu cực đến tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, việc khai thác, sử dụng tài nguyên này còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn, đặc biệt khi nhu cầu sử dụng nước tiếp tục tăng mạnh trong tương lai nhằm thoả mãn các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi số lượng nước có thể khai thác, sử dụng ngày càng suy giảm cả về số lượng, chất lượng.
UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan lập Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đối với quy hoạch tài nguyên nước, mục tiêu đảm bảo tầm nhìn dài hạn, định hướng tổng thể, điều hòa, phân phối tài nguyên nước đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt, ổn định an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, hài hòa với yêu cầu phát triển của từng ngành, từng địa phương và cộng đồng. Quản lý, khai thác tài nguyên nước theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, công bằng, hợp lý, đa mục tiêu, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái thủy sinh, thích ứng với biến đối khí hậu và đảm bảo an ninh nguồn nước. Khai thác, sử dụng tài nguyên nước gắn với công tác bảo vệ nguồn nước.
Các địa phương điều tiết nguồn nước đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Theo dự báo, hiện tượng ElNino còn tiếp tục duy trì trong các tháng đầu năm 2024 với xác suất 90%, chưa có dấu hiệu xuất hiện mưa, lũ sớm năm 2024 ở Bắc Bộ. Dự báo từ nay đến tháng 6 năm 2024, khả năng cao lượng dòng chảy trên các sông, suối và về hồ chứa trên các lưu vực sông ở mức thấp và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, cụ thể: Dòng chảy trên các sông khu vực Bắc Bộ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 23-48%, riêng sông Thao thiếu hụt khoảng 73%, lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Đà thiếu hụt từ 4-50%, sông Gâm và sông Chảy thiếu hụt từ 3-30% so với TBNN....
Vì vậy, để chủ động, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu nước có thể xảy ra, bảo đảm cân đối đủ nguồn nước cấp cho hạ du các lưu vực sông trong mùa cạn năm 2024, đặc biệt là bảo đảm nguồn nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất trong thời kỳ nắng nóng, cao điểm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan chỉ đạo các tổ chức trực thuộc, các cơ quan liên quan lập kế hoạch sử dụng nước phù hợp trong điều kiện thiếu hụt nguồn nước; chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong hệ thống công trình thủy lợi và thực hiện việc lấy nước phù hợp với thời gian, kế hoạch vận hành xả nước của các hồ chứa thượng lưu.
Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong triển khai thống nhất mùa vụ, thời gian lấy nước phù hợp với kế hoạch vận hành xả nước của các hồ chứa; cải tạo, nâng cấp, bổ sung công trình để chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức lấy nước trong điều kiện nguồn nước có nguy cơ thiếu hụttrong thời gian tới. Đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành, các đơn vị quản lý, vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước phía hạ du thường xuyên theo dõi thông tin dự báo tình hình khí tượng, thủy văn, nguồn nước để vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước cho phù hợp, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước.
Các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa trên các lưu vực sông thực hiện việc theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến khí tượng thủy văn, nguồn nước; chủ động tính toán, xây dựng phương án vận hành tích nước của các hồ chứa trong thời kỳ cuối mùa lũ và phương án vận hành điều tiết các hồ chứa đảm bảo nguồn nước cấp cho hạ du trong mùa cạn năm 2024 trên cơ sở tuân thủ quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa, đồng thời phải đảm bảo an toàn công trình, an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và các công trình, kết cấu hạ tầng khác ở hạ du...
Hoàng Lam
Bình luận