Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 16:11
Thứ tư, 02/10/2024 08:10
TMO - Ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt trong trồng lúa là mục tiêu của huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An) hướng tới nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng sức cạnh tranh, bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, hầu hết các địa phương của tỉnh Long An đều quan tâm quy hoạch các vùng nông nghiệp công nghệ cao. Đây là cơ sở quan trọng để kêu gọi đầu tư, bố trí nguồn vốn đầu tư công để từng bước hoàn thiệt kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là trọng tâm trong mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Long An. Địa phương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đưa công nghệ vào quá trình canh tác.
Để xây dựng mô hình trồng lúa ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, có sức cạnh tranh cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân, các địa phương trên địa bàn tỉnh Long An đã tập trung đầu tư, hỗ trợ người dân trong quá trình sản xuất, xây dựng các mô hình điểm ƯDCNC và nhân rộng các mô hình hiệu quả tại các địa phương.
Tiêu biểu như tại huyện Thủ Thừa đã chọn ấp 4, xã Long Thuận làm điểm để thực hiện mô hình trồng lúa ƯDCNC, đây cũng là mô hình điểm của tỉnh. Thời gian qua, xã Long Thuận đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh triển khai 1 mô hình với diện tích 50ha; đồng thời, phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai, thực hiện 5 mô hình với tổng diện tích 307ha.
Riêng năm 2024, xã triển khai, thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg, ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Lãnh đạo Hội Nông dân xã Long Thuận cho biết, việc triển khai, tổ chức thực hiện mô hình trồng lúa ƯDCNC từng bước thay đổi tư duy, nhận thức của nông dân. Người dân quan tâm đến việc sử dụng giống xác nhận, ứng dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, phun thuốc, thu hoạch.
So với ngoài mô hình, số lần bón phân, phun thuốc giảm; hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu. Từ đó, góp phần giảm ô nhiễm môi trường đất, nước và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Nông dân tham gia mô hình có lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình từ 2-3 triệu đồng/ha.
Trồng lúa ƯDCNC mang lại năng suất, sản lượng cao hơn cho người nông dân Long An (Ảnh minh hoạ).
Một số người dân tại ấp 4, xã Long Thuận chia sẻ, mô hình lúa ƯDCNC đã được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí giống xác nhận, vật tư sản xuất, chi phí thuê thiết bị phun thuốc, bón phân. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất giúp bảo vệ sức khỏe nông dân, giảm công lao động, giảm chi phí đầu tư và tăng thu nhập so với ngoài mô hình hơn 2 triệu đồng/ha.
Nhằm giúp người dân thực hiện hiệu quả mô hình, hàng năm, Hội Nông dân xã phối hợp tổ chức hội thảo, tập huấn đầu vụ về kỹ thuật làm đất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bón phân,... Lãnh đạo xã Long Thuận quan tâm chỉ đạo các ngành có liên quan phối hợp Hội Nông dân xã tuyên truyền đến người dân về hiệu quả của việc ƯDCNC trong sản xuất. Ngành chuyên môn và Hội Nông dân xã phối hợp rà soát, chọn ra các hộ nông dân tiêu biểu, có tâm huyết để vận động tham gia thực hiện mô hình.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, việc thực hiện chương trình vẫn tồn tại một số khó khăn như một số ít nông dân còn sử dụng lượng giống gieo sạ và bón phân vô cơ nhiều hơn so với yêu cầu của mô hình do chưa hiểu lợi ích khi giảm lượng giống gieo sạ sẽ giúp tiết kiệm chi phí cũng như sử dụng phân hữu cơ để tăng độ phì nhiêu, phát triển hệ vi sinh vật có ích, tăng sản lượng nông sản, bảo vệ môi trường,... Ngoài ra, một vài hộ dân chưa hình thành thói quen ghi chép lại những công việc trong sản xuất.
Trồng lúa ƯDCNC là xu thế tất yếu góp phần bảo vệ môi trường trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay; đồng thời, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và nâng cao chất lượng nông sản. Các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn huyện cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân nhận thức về ý nghĩa, mục tiêu của sản xuất ƯDCNC, từng bước đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện vào đời sống.
Đầu tư phát triển nông nghiệp ƯDCNC là Chương trình đột phá mà Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ huyện Thủ Thừa, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Đến nay, chương trình thực hiện đạt 81,4% so với chỉ tiêu Nghị quyết. Tỉnh Long An nói chung và huyện Thủ Thừa nói riêng đã xác định, thời gian tới sẽ tiếp tục tuyên truyền, giúp nông dân từng bước chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, gắn với nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời là cơ sở để thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong sản xuất nông nghiệp địa phương.
Hồng Thắm
Bình luận