Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 15:11
Thứ năm, 09/11/2023 07:11
TMO - Tại tỉnh Điện Biên cộng đồng tham gia quản lý rừng là một trong những hình thức quản lý rừng đã và đang được thực hiện tại một số địa phương. Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, sử dụng bền vững tài nguyên rừng và phù hợp với tập quán sản xuất truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, hiện nay toàn tỉnh có hơn 415.361ha rừng, tuy nhiên lực lượng kiểm lâm đảm nhận công tác quản lý bảo vệ rừng còn mỏng. Trung bình mỗi kiểm lâm địa bàn phải phụ trách trên 3.500ha rừng, có cán bộ kiểm lâm địa bàn phụ trách xã có từ 7.000 đến 10.000ha. Vì vậy, để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, thời gian qua Chi cục Kiểm lâm tỉnh xác định giải pháp hiệu quả là phải dựa vào cộng đồng.
Hầu hết các cộng đồng dân cư này đều ở các địa bàn còn nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội, song nhờ nhận thức rõ tầm quan trọng, lợi ích của rừng với đời sống và môi trường sinh thái, nên các chủ rừng thường xuyên thực hiện tuần tra, bảo vệ rừng tốt; sử dụng rừng bền vững; không để xảy ra cháy rừng, phá rừng; sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng hiệu quả. Từ năm 2020, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã ban hành kế hoạch thí điểm xây dựng mô hình quản lý rừng cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Nhiều địa phương đã thành lập được các mô hình quản lý rừng cộng đồng tại các thôn, bản mang lại hiệu quả, không chỉ bảo vệ và phát triển rừng mà còn nâng cao thu nhập cho cộng đồng, người dân trực tiếp tham gia. Thông qua các mô hình này, công tác bảo vệ, phát triển rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức người dân được nâng lên; qua đó góp phần hạn chế các vụ vi phạm liên quan đến rừng, thúc đẩy phát triển kinh tế rừng bền vững.
Tỉnh Điện Biên đã xây dựng được 25 mô hình cộng đồng quản lý bảo vệ rừng (Ảnh minh họa).
Từ khi triển khai kế hoạch thí điểm xây dựng mô hình quản lý rừng cộng đồng đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 33 mô hình, trong đó có 25 mô hình cộng đồng quản lý bảo vệ rừng; 3 mô hình quản lý rừng bền vững; 3 mô hình phát triển rừng; 1 mô hình phòng cháy chữa cháy rừng; 1 mô hình tuyên truyền. Tổng diện tích giao đất, giao rừng cho các cộng đồng tham gia mô hình quản lý rừng hơn 104.000ha rừng.
Qua hơn 3 năm triển khai, các mô hình này đã góp phần nâng cao nhận thức và năng lực quản lý, bảo vệ rừng, tạo mối liên kết giữa cộng đồng với các đơn vị lâm nghiệp, giảm xung đột lợi ích từ rừng. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng được thôn, bản quản lý bảo vệ tốt, tình hình khai thác, chặt phá rừng trái pháp luật giảm rõ rệt. Riêng tại huyện Điện Biên có 4 cộng đồng bản, gồm: bản Cang (xã Sam Mứn); bản Thanh Bình, Co Rốm (xã Thanh Nưa); bản Mường Pồn 2 (xã Mường Pồn) đã xây dựng thành công mô hình thí điểm quản lý rừng cộng đồng; thu hút 100% người dân trong bản tích cực tham gia tuần tra rừng; phòng cháy chữa cháy rừng hiệu quả, không để xảy ra mất rừng.
Cùng với đó, khi tham gia mô hình, người dân được hưởng lợi từ việc thu hái các nguồn lâm sản ngoài gỗ, nhằm phục vụ cho đời sống hàng ngày; nhất là được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo thêm thu nhập cho các hộ gia đình, góp phần ổn định đời sống, an ninh trật tự trên địa bàn. Ðặc biệt, nhận thức của người dân về vai trò của rừng cộng đồng đã có sự thay đổi về quyền hưởng lợi cũng như trách nhiệm trong việc quản lý bảo vệ rừng. Hiện nay tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 43,54%.
Tại tỉnh Điện Biên, đa số đồng bào các dân tộc có nguồn thu nhập chính từ canh tác nông, lâm nghiệp, với hơn 80% người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, lâm nghiệp. Chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được đánh giá là nguồn tài chính quan trọng và bền vững của ngành lâm nghiệp, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời góp phần cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng, sống phụ thuộc vào rừng mà chủ yếu là đồng bào bào dân tộc miền núi.
Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên, tính đến hết tháng 9/2023 đã thanh toán tiền DVMTR năm 2022 cho chủ rừng đạt 103% so với kế hoạch, đạt 97% so với nguồn tiền năm 2022 phải giải ngân. Đến hết tháng 9/2023, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên đã thu phí dịch vụ môi trường rừng được hơn 258.510 triệu đồng. Từ nguồn dịch vụ môi trường rừng tiếp tục hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, làm giàu từ rừng cho cộng đồng dân cư và người dân sống gần rừng. Trung bình mỗi hộ nhận được 300.000 đồng/năm. Nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần trong việc hỗ trợ người dân có rừng nâng cao đời sống, phát triển sinh kế, từ đó ý thức được tầm quan trọng trong việc bảo vệ và chăm sóc rừng của người dân được nâng lên, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm.
Địa phương này triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao vai trò của cộng đồng trong bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn.
Theo số liệu của Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), cả nước hiện có 167 Ban quản lý rừng đặc dụng, 216 Ban quản lý rừng phòng hộ, 112 công ty lâm nghiệp. Hằng năm, các Ban quản lý rừng đã khoán trên 1,3 triệu ha rừng cho cộng đồng; các công ty lâm nghiệp cũng khoán hàng nghìn ha cho cộng đồng, mang lại hiệu quả cao trong bảo vệ, phát triển rừng, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
Cùng với diện tích rừng được hợp đồng giao khoán cho cộng đồng bảo vệ thì một hình thức khác cũng mang lại hiệu quả cao là giao rừng cho cộng đồng quản lý và sử dụng. Số liệu trích dẫn tại Quyết định số 2869/QĐ-BNN-TCLN ngày 27/7/2022 về công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2021 của Bộ NN&PTNT cho thấy, cả nước đã có trên 10.000 cộng đồng đang quản lý, sử dụng 989.827 ha rừng; trong đó có 524.477 ha đã giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng cho cộng đồng. Với việc giao rừng cho cộng đồng, các thành viên cộng đồng tự hợp tác với nhau thành lập hệ thống tổ chức quản lý rừng, xây dựng hương ước, cơ chế hưởng lợi, tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNTquản lý rừng cộng đồng từng bước được thừa nhận là một trong các phương thức quản lý rừng hiệu quả. Cục Lâm nghiệp cho biết, ngoài các hình thức nêu trên, công tác quản lý rừng còn được thực hiện bằng hình thức tuần tra bảo vệ rừng có sự tham gia của cộng đồng, bắt đầu từ năm 2004 ở một số Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Đây là cách thức thu hút cộng đồng, sử dụng kiến thức bản địa, gắn kết trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng cùng tuần tra bảo vệ rừng. Các Ban quản lý rừng hỗ trợ cộng đồng phát triển sinh kế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; phổ biến kỹ thuật canh tác…
Để công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, thì việc bảo đảm quyền lợi của cộng đồng được ngành Lâm nghiệp đặc biệt quan tâm thực hiện. Từ nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ; các cộng đồng có thêm nguồn thu nhập, từ đó tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Theo số liệu của Cục Lâm nghiệp, giai đoạn 2017 - 2022, cả nước đã có 5.892 cộng đồng, thôn bản, nhóm hộ được nhận 2.029 tỷ đồng tiền DVMTR.
Các cộng đồng tham gia quản lý, bảo vệ rừng được chi trả bình quân 50 triệu đồng/cộng đồng/năm. Ngoài ra, trong giai đoạn này có 259.139 hộ gia đình, cá nhân đã nhận được 943 tỷ đồng tiền DVMTR. Tiền DVMTR chiếm bình quân khoảng 20% thu nhập hằng năm của khoảng 250 nghìn hộ gia đình, cá nhân làm nghề rừng, góp phần cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo, tạo thêm việc làm, cải thiện sinh kế, thúc đẩy phát triển sản xuất cho đồng bào miền núi.
Phương Thảo
Bình luận