Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Thứ sáu, 19/07/2024 10:07
TMO - Hướng tới mục tiêu phát triển rừng bền vững, các địa phương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đẩy mạnh triển khai chương trình giao khoán bảo vệ rừng gắn với xây dựng các mô hình sinh kế hỗ trợ cho cộng đồng địa phương.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi có chính sách hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên đối với diện tích rừng do UBND cấp xã, do các đơn vị chủ rừng nhà nước trực tiếp quản lý cho ĐBDTTS và người Kinh nghèo sinh sống ổn định ở các địa phương vùng ĐBDTTS và miền núi. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hoà cho biết, hiện toàn tỉnh đã có 335 hộ gia đình đăng ký nhận khoán bảo vệ rừng. Việc giao khoán bảo vệ rừng mang lại lợi ích kép khi các đơn vị có thêm nhân lực để giữ rừng, còn người dân nhận khoán có thêm thu nhập.
Việc giao khoán bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh mang lại lợi ích kép khi các đơn vị có thêm nhân lực để giữ rừng, còn người dân nhận khoán có thêm thu nhập.
Tại huyện Khánh Sơn, chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho hộ ĐBDTTS, người Kinh nghèo được địa phương nỗ lực triển khai bước đầu đã đem lại hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn có 222 hộ nhận khoán bảo vệ hơn 6.260ha rừng tự nhiên, với tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng/năm.
Tại huyện Khánh Sơn, đa phần diện tích rừng được Nhà nước giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa quản lý, bảo vệ với hơn 16.764ha, chiếm 55,49% trong tổng số hơn 30.212ha diện tích rừng và đất rừng trong toàn lâm phận. Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị gặp khá nhiều khó khăn khi lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách mỏng, trong khi diện tích rừng của đơn vị trải rộng trên địa bàn 8 xã, thị trấn của huyện. Nhiều diện tích rừng thường xuyên bị các đối tượng nhòm ngó để khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm để lấy đất sản xuất.
Với những khó khăn trong việc bảo vệ rừng, từ đầu năm 2024, trong lâm phận của trạm có 3.750ha rừng tự nhiên ở xã Thành Sơn và 1.350ha ở xã Sơn Hiệp đã được giao khoán cho 170 hộ ĐBDTTS nghèo ở 2 xã này bảo vệ. Nhờ thực hiện chủ trương giao khoán bảo vệ rừng, trạm có thêm nhân lực để thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng. Các hộ nhận khoán bảo vệ rừng khi phát hiện rừng bị tác động sẽ báo ngay về trạm để kịp thời kiểm tra, xử lý. Ngoài ra, còn có 900ha rừng tự nhiên khác của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa ở các xã: Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam và thị trấn Tô Hạp cũng được giao cho 34 hộ ĐBDTTS nghèo ở các địa phương này bảo vệ.
UBND huyện Khánh Sơn đã rà soát và xác định có hơn 230,5ha rừng tự nhiên tại 2 xã Thành Sơn, Ba Cụm Nam và thị trấn Tô Hạp đủ điều kiện để giao khoán bảo vệ rừng cho ĐBDTTS nghèo. Đến nay, cả 3 địa phương trên đã triển khai hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với 18 hộ dân. Cụ thể, xã Thành Sơn có 11 hộ dân nhận khoán gần 188,8ha, xã Ba Cụm Nam có 6 hộ dân nhận khoán bảo vệ 31ha, thị trấn Tô Hạp có 1 hộ dân nhận khoán bảo vệ hơn 10,7ha.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đẩy mạnh triển khai chương trình giao khoán bảo vệ rừng gắn với xây dựng các mô hình sinh kế hỗ trợ cho cộng đồng địa phương.
Tại huyện Khánh Vĩnh, từ cuối năm 2023, hơn 954ha rừng tự nhiên thuộc quản lý của 5 xã: Khánh Nam, Khánh Phú, Khánh Thượng, Liên Sang và Sơn Thái cũng đã được giao cho 38 hộ dân ở các địa phương bảo vệ. Các hộ nhận khoán đều là ĐBDTTS nghèo, nguồn thu nhập 400.000 đồng/ha/năm góp phần giúp các hộ có thêm thu nhập, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào nương rẫy, làm thuê.
Khu rừng căm xe ở xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) với quần thể căm xe hàng trăm năm tuổi, nhiều cây lớn rất có giá trị về mặt kinh tế cũng như sự đa dạng về sinh học. Để giữ rừng, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt đề án thí điểm giao khoán bảo vệ rừng và sản xuất nông lâm kết hợp đối với rừng căm xe Ninh Tây. Theo đề án, người dân được giao khoán bảo vệ “rừng quý” này và bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Đề án được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, với tổng diện tích hơn 301 ha. Trong đó, hơn 172 ha giao khoán bảo vệ rừng; 129,5 ha trồng rừng và sản xuất nông nghiệp (80% diện tích trồng rừng và 20% diện tích sản xuất nông nghiệp). Thực hiện đề án này, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa đã phối hợp với UBND xã Ninh Tây rà soát, ký hợp đồng giao khoán bảo vệ hơn 172 ha rừng căm xe cho 10 hộ dân có năng lực tham gia bảo vệ rừng.
Theo đó, các hộ dân nhận giao khoán bảo vệ rừng được hỗ trợ tiền bảo vệ rừng 300.000 đồng/ha/năm và được sản xuất nông lâm kết hợp. Các hộ này đang tính toán việc trồng xen cây nông nghiệp ngắn ngày, cây dược liệu, chăn nuôi dưới tán rừng mà không làm ảnh hưởng đến diện tích, chất lượng, khả năng phòng hộ của diện tích rừng được giao khoán bảo vệ. Việc Nhà nước cho phép phát triển nông nghiệp dưới tán rừng sẽ giúp các hộ dân có thêm nguồn thu nhập, góp phần bảo vệ tốt hơn diện tích rừng căm xe hiện có.
Với mục tiêu bảo vệ rừng căm xe Ninh Tây phát triển tốt hơn, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa triển khai lồng ghép với chính sách hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đơn vị đang tính toán việc trồng xen các loại cây ngắn ngày, cây dược liệu, kết hợp chăn nuôi nhằm khai thác tiềm năng dưới tán rừng; góp phần tạo thêm thu nhập cho các hộ nhận khoán, gắn bảo vệ rừng với phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững, ổn định và hiệu quả thiết thực hơn.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hoà, hiện toàn tỉnh đã có 335 hộ gia đình đăng ký nhận khoán bảo vệ rừng. Trong đó, huyện Khánh Sơn có 18 hộ đăng ký bảo vệ hơn 230 ha; huyện Khánh Vĩnh có 38 hộ đăng ký bảo vệ gần 955ha; Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương có 25 hộ đăng ký bảo vệ 750ha; Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa có 18 hộ đăng ký bảo vệ 540ha; Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa có 216 hộ đăng ký bảo vệ gần 6.480ha và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa có 20 hộ đăng ký bảo vệ hơn 525ha.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa cho biết, chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025. Bên cạnh tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho các hộ dân, chính sách này còn góp phần tăng cường hỗ trợ cho công tác quản lý bảo vệ rừng của các địa phương, đơn vị được tốt hơn.
Để công tác giao khoán bảo vệ rừng đạt hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc các đơn vị tuyên truyền, hướng dẫn và tăng cường hỗ trợ những hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng được giao khoán theo quy định. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả giao khoán bảo vệ rừng của từng đơn vị, địa phương.
Lê Huy
Bình luận