Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ sáu, 09/06/2023 05:06
TMO - Việc triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tác động tích cực đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Qua đó, góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho cho người trồng, quản lý, bảo vệ rừng nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) có hiệu lực trên phạm vi cả nước từ ngày 1/1/2011 theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ đã khẳng định hướng đi đúng đắn, góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng và đồng bào các dân tộc thiểu số ở các vùng miền núi. Cùng với nguồn thu từ hai dịch vụ chủ yếu là thủy điện và nước sạch, thực hiện quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, hiện nay đã có thêm hai loại dịch vụ môi trường rừng mới là cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ nuôi trồng thủy sản đang được áp dụng triển khai rộng rãi trên toàn quốc.
Việc triển khai thực hiện chính sách DVMTR đã phát huy hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thực tế, góp phần bảo vệ và phát triển diện tích rừng trên địa bàn theo chiều hướng bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rừng tự nhiên bị các tổ chức, cá nhân xâm hại. Ngoài tác động tích cực đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao ý thức giữ rừng và cải thiện đời sống của người dân, chính sách chi trả DVMTR còn góp phần hỗ trợ nguồn kinh phí hàng năm cho các đơn vị chủ rừng.
Nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng được hưởng hàng năm là nguồn lực quan trọng góp phần thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần hỗ trợ các chủ rừng cung ứng DVMTR chủ động về nguồn tài chính để triển khai các hoạt động như: Chi cho công tác tuần tra bảo vệ rừng, chi đầu tư lâm sinh, xây dựng các công trình công cộng của thôn bản… góp phần ổn định diện tích rừng hiện có cả về số lượng, chất lượng. Từ đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị và trật tự xã hội được ổn định ở các địa bàn dân cư, nhất là ở vùng sâu, vùng xa của địa phương.
Nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng được hưởng hàng năm là nguồn lực quan trọng góp phần thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, tổng số tiền DVMTR Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Bình Phước đã nhận ủy thác từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và thu từ các đơn vị sử dụng DVMTR là 74,1 tỷ đồng. Có 16 đơn vị sử dụng DVMTR của tỉnh gồm: 7 nhà máy thủy điện, 7 cơ sở sản xuất nước sạch, 2 tổ chức kinh doanh du lịch trong và ngoài tỉnh (trong đó có 1 cơ sở sản xuất nước sạch và 1 tổ chức kinh doanh chưa thu được tiền DVMTR).
Với diện tích cung ứng DVMTR tỉnh Bình Phước là 68.788 ha, trong đó diện tích đang được chi trả DVMTR khoảng 53.317,737 ha (gồm diện tích tự nhiên 52.822,897 ha, diện tích rừng trồng 494,84 ha). Trên cơ sở diện tích chi trả DVMTR kê khai hằng năm của các đơn vị chủ rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã tham mưu Hội đồng quản lý quỹ đề xuất UBND tỉnh chi 38,79 tỷ đồng hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng cho 9 chủ rừng có cung ứng DVMTR năm 2013, 2014, 2015 với mức chi trả trung bình từ 220-250 nghìn đồng/ha/năm. Sự hỗ trợ này giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện một phần đời sống cho người bảo vệ rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, xa.
Nguồn thu tiền dịch vụ tăng qua các năm vì vậy mức chi trả 1 ha rừng cũng tăng lên. Theo đó, mức chi trả năm 2013 mà Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng chi trả cho các chủ rừng hơn 200 nghìn đồng/ha rừng nhưng tới năm 2022 có khu vực được chi trả tiền DVMTR hơn 787 nghìn đồng/ha. Mức chi trả dịch vụ môi trường rừng tăng lên, bình quân thu nhập của người dân làm nghề rừng trên địa bàn tỉnh cũng tăng lên nhiều tạo niềm vui và phấn khởi cho người dân, qua đó tạo động lực để người dân gắn bó, bảo vệ rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ diện tích rừng tái sinh.
Chính sách chi trả DVMTR đã đẩy mạnh công tác xã hội hoá nghề rừng, huy động các nguồn lực là các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ diện tích rừng hiện có, phát huy tối đa lợi thế của rừng. Nhờ vậy những năm gần đây tình trạng vi phạm về đất rừng, tài nguyên rừng giảm đi nhiều. Theo đó, trong năm 2022 tình trạng chặt phá rừng lấn chiếm rừng trái pháp luật trên địa bàn tỉnh chỉ xảy ra 15 vụ vi phạm pháp luật; ngăn chặn khai thác, vận chuyển mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật trong năm 2022 xảy ra 39 vi phạm giảm 11 vụ so với cùng kì năm 2021; đối với công tác phòng chống cháy rừng trong năm 2022 trên địa bản tỉnh không xảy ra tình trạng cháy rừng cũng như vi phạm về phòng chống cháy và chữa cháy rừng so với năm 2021 giảm 02 vụ,...
Việc triển khai hiệu quả chính sách chi trả tiền DVMTR góp phần nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ, phát triển rừng tại Bình Phước (Ảnh minh họa).
Theo kế hoạch thu, chi tiền DVMTR năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Phước, trong năm 2023 tổng nguồn thu dự kiến tiền DVMTR Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh nhận ủy thác từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và các đơn vị sử dụng DVMTR nội tỉnh khoản hơn 39,3 tỷ đồng (nguồn thu năm 2023 tăng hơn so với năm 2022 là 1,1%); trong đó, nguồn thu ủy thác chủ yếu từ các nhà máy sản xuất thủy điện. Tổng nguồn thu này được xây dựng trên cơ sở kế hoạch nộp tiền của các đơn vị sử dụng dịch vụ dịch vụ môi trường rừng nội tỉnh cũng như thông báo điều phối tiền của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam năm 2023.
Về kế hoạch chi tiền dịch vụ môi trường rừng, đối tượng chi gồm: các tổ chức và cá nhân được giao, khoán bảo vệ rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Trong năm 2023, tổng diện tích rừng cung ứng DVMTR trên địa bàn tỉnh dự kiến là 54.296,75 ha với tổng số tiền chi trả hơn 33,4 tỷ đồng nhằm hỗ trợ thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng cho 11 đơn vị chủ rừng.
Để thực hiện chi trả tiền DVMTR theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã xác định lưu vực cung ứng dịch vụ môi trường rừng theo từng đơn vị sử dụng, trên cơ sở đó xác định được diện tích cung ứng DVMTR của mỗi đơn vị chủ rừng theo từng đơn vị sử dụng. Từ số tiền DVMTR thu được theo từng đơn vị sử dụng trong năm và diện tích rừng cung ứng DVMTR của mỗi đơn vị chủ rừng trong lưu vực thì xác định được đơn giá cho 01 ha rừng cung ứng DVMTR.
Thời gian tới, để chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn ngày càng hiệu quả, Quỹ Bảo vệ phát triển rừng tỉnh sẽ tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành thực hiện chính sách theo quy định và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Tăng cường tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR bằng các hình thức khác nhau gắn với công tác quản lý, bảo vệ rừng; kết hợp tập huấn về quản lý, sử dụng hiệu quả tiền DVMTR tại cộng đồng dân cư nhằm giúp người dân cải thiện sinh kế và nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân sống gần rừng, khuyến khích họ tích cực tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng và thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR. Cùng với đó, thực hiện kiểm tra, giám sát bên cung ứng, sử dụng DVMTR đảm bảo việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đúng quy định, đạt hiệu quả.
Thanh Thùy
Bình luận