Hotline: 0941068156
Thứ tư, 29/01/2025 06:01
Thứ tư, 23/10/2024 14:10
TMO - Tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư nhằm chuyển đổi cây trồng, chế biến sản phẩm từ cây trồng. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế ở địa phương phát triển bền vững.
Huyện Cao Phong từ lâu được biết đến với đặc sản cam Cao Phong, tuy nhiên hiện nay nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng ngoài cam như: mía, ổi, na…đang được triển khai trên địa bàn huyện mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Cùng với trồng xen canh với cây cam, những năm gần đây, nhiều nông dân Cao Phong đã mạnh dạn chuyển đổi trồng các loại cây nông nghiệp ngoài cam.
Toàn huyện Cao Phong hiện có 2.446,7 ha diện tích trồng mía (trong đó mía tím: 592,1 ha, mía trắng ép nước: 1.854,6 ha) chủ yếu trồng ở xã Tây Phong. Nông dân huyện Cao Phong đã thu hoạch 100% diện tích mía tím niên vụ 2023-2024 với giá trị kinh tế cao.
Gia đình anh Bùi Đức Định, xóm Bản, xã Tây Phong, huyện Cao Phong có hơn 1ha trồng mía tím cho niên vụ 2024-2025. Anh Định cho biết, giá thương phẩm mía tím bình quân 5.000 - 6.000 đồng/cây (tùy chất lượng cây mía trong quá trình chăm sóc mà có giá bán cao hơn), bình quân gia đình thu nhập khoảng 160 - 200 triệu đồng/ha. Với cây mía trắng ép nước, các hộ nông dân đã thu hoạch khoảng gần 70% diện tích với giá bán cây thương phẩm bình quân khoảng 3.000 - 4.000 đồng/cây giá trị bình quân ước khoảng 120 - 160 triệu đồng/ha.
Nhiều nông dân Cao Phong đã mạnh dạn chuyển đổi trồng các loại cây nông nghiệp ngoài cam, trong đó có cây mía.
Cũng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cây cây trồng, ông Nguyễn Khánh Hùng xóm Lãi, xã Tây Phong đã trồng thành công giống ổ Ruby ruột đỏ và bưởi đỏ trên điện tích gần 7.000 m2 mang lại giá trị thu nhập kinh tế cao, ổn định. Ông Hùng cho biết, ổi ruby ruột đỏ vào mùa thu hoạch được thương lái đến thu mua tận vườn, do là cây trồng mới, ít người trồng và không phải cạnh tranh giá thành trong khu vực nên không lo đầu ra. Doanh thu hàng năm của gia đình từ vườn ổi ruby và bưởi đỏ đạt từ 150 - 180 triệu đồng/năm.
Phòng Nông nghiệp huyện Cao Phong cho biết, những cây trồng như ổi ruby ruột đỏ, mía… là hướng đi tiềm năng cho người nông dân trong chuyển đổi cây trồng phù hợp trên vùng đất nổi tiếng với sản phẩm cam Cao Phong, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, từng bước phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương tỉnh Hòa Bình.
Chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả và vườn tạp sang trồng cây dược liệu là hướng đi hiệu quả của nhiều địa phương trong tỉnh Hòa Bình. Từ năm 2021 đến nay, huyện Yên Thuỷ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đã quy hoạch vùng trồng dược liệu gồm 3 xã: Yên Trị, Đa Phúc, Lạc Lương.
UBND huyện đã chỉ đạo các xã chủ động chọn các cây dược liệu phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương: Cây sạ đen, cà gai leo, sả…Hiện, tổng diện tích cây dược liệu trên địa bàn huyện là 188 ha, gồm: Cà gai leo, sạ đen, sả, ngưu tất, dạ cẩm, bồ công anh… được hộ gia đình liên kết với HTX nông nghiệp để sản xuất tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Vùng quy hoạch trồng dược liệu là Yên Trị, Đa phúc, Lạc Lương.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 02 cơ sở sơ chế và chế biến dược liệu của HTX nông lâm nghiệp Bảo Hiệu chuyên sơ chế, chế biến dược liệu Cà gai leo; HTX nông nghiệp Yên Trị chuyên sơ chế và chế biến các dược liệu tổng hợp ( sả, sạ đen, sả, ngưu tất, dạ cẩm, bồ công anh); 01 cơ sở sơ chế, chế biến cá thể gia đình ông Bùi Văn Chung xã Đa Phúc về sản phẩm Trà túi lọc cà gai leo.
Theo đánh giá tới năm 2030 huyện sẽ phát triển khoảng 43 ha cây dược liệu trên địa bàn, để đáp ứng nhu cầu trên cần có giải pháp nhằm phối hợp lồng ghép nguồn vốn các chương trình Dự án, các doanh nghiệp, HTX và người sản xuất. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về chủ trương định hướng, chính sách của nhà nước đối với ngành dược liệu. Nâng cao nhận thức của nhân dân trong vùng quy hoạch về hiệu quả của sản xuất dược liệu, khai thác dược liệu lâu năm, không phát triển sản xuất tự phát.
Nông dân Yên Thủy trồng và chăm sóc cây cà gai leo.
Theo báo cáo của UBND huyện Yên Thủy, năm 2024, toàn huyện thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm với tổng diện tích 65ha. Trong đó thực hiện các mô hình kinh tế như: Mô hình chuyển đổi sang trồng ớt xuất khẩu, thu nhập cao hơn trồng lúa từ 20-25 triệu/ha; Mô hình trồng chuyển đổi sang trồng củ kiệu xuất khẩu, thu nhập cao hơn trồng lúa từ 20 triệu/ha; Mô hình trồng chuyển đổi sang trồng Lạc, thu nhập cao hơn trồng lúa từ 20 triệu/ha;
Mô hình trồng chuyển đổi sang trồng ngô, thu nhập cao hơn trồng lúa từ 18 triệu/ha; Mô hình trồng chuyển đổi sang trồng rau, bí xanh, bí đỏ, thu nhập cao hơn trồng lúa từ 25-50 triệu/ha; Mô hình chuyển đổi sang trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi, thu nhập cao hơn trồng lúa từ 15-20 triệu/ha; Mô hình chuyển đổi sang trồng Cây dược liệu thu nhập cao hơn trồng lúa từ 25-35 triệu/ha; Mô hình chuyển đổi sang trồng cây hành tăm, thu nhập cao hơn từ 50-60 triệu đồng/ ha...
Nhiều loại cây trồng cạn thực hiện trong việc chuyển đổi có năng suất, chất lượng cao và được thị trường ưa chuộng như ớt, lạc, ngô, rau , bí xanh, bí đỏ, củ kiệu, hành tăm, dược liệu. Bước đầu đã có sự liên kết trong sản xuất như ớt, củ kiệu, dược liệu có đầu ra ổn định. Các địa phương đã huy động được các nguồn lực từ người dân và linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn phát triển sản xuất thuộc các chương trình, dự án nông nghiệp để thực hiện chuyển đổi cây trồng phù hợp với tình hình thực tiễn.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, nhằm góp phần tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn, tạo điều kiện cho người dân tận dụng tối đa lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế, góp phần đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đức Nam
Bình luận