Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 02:01
Thứ ba, 26/04/2022 20:04
TMO - Thời gian qua, mô hình hỗ trợ lắp đặt hệ thống cảm biến theo dõi tiểu khí hậu do Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) đầu tư xây dựng đã phát huy được hiệu quả trong dự báo thời tiết nhất là hiện tượng mưa, giúp bà con thuận lợi trong quá trình chăm sóc diện tích cà phê.
Mô hình được triển khai trên vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao xã Đinh Lạc với diện tích 371 ha thuộc 3 thôn (Thôn Đồng Lạc 4, Tân Lạc 1 và Tân Lạc 3). Thiết bị công nghệ triển khai áp dụng: gồm có 01 trạm thời tiết độc lập có độ cao 10m được dựng bằng cột sắt, bên dưới có cột bê tông gia cố và có hệ thống cáp neo đảm bảo vững chắc, có hàng rào bảo vệ xung quanh 3x3m bằng lưới B40. Trạm sử dụng năng lượng mặt trời để hoạt động.
Trạm sử dụng kết nối 3G đưa dữ liệu trực tiếp lên Internet, kết hợp thêm dữ liệu vệ tinh của IBM để việc dự báo thời tiết diễn ra tại địa phương, giám sát các thông số nhiệt độ, độ ẩm không khí, ánh sáng, lượng mưa, tốc độ gió, hướng gió trong khu vực. Ngoài ra, hệ thống còn được trang bị 02 thiết bị thu tín hiệu tập trung và 20 thiết bị cảm biến độ ẩm đất không dây tầm xa.
Hệ thống giám sát thời tiết tự động hỗ trợ hiệu quả quá trình sản xuất của bà con huyện Di Linh
Hệ thống giám sát thời tiết tự động qua internet, người dân trên địa bàn vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao xã Đinh Lạc có thể truy cập dữ liệu trong hệ thống phục vụ cho sản xuất tại địa phương. Thông qua phần mềm mPlatform, nông dân có thể theo dõi tình hình thời tiết, nhiệt độ để tưới đúng chu kì phát triển của cây, để điều tiết công hái cà phê, và biết được ngày nắng, ngày mưa để chủ động hơn trong việc phơi, hái cà phê.
Thông qua các cảm biến, thiết bị, hệ thống sẽ thu thập các chỉ số môi trường liên tục và gửi dữ liệu đó về các bộ vi xử lý để dự báo, khuyến cáo cho nông dân trong vùng. Vì vậy, việc ứng dụng mô hình giúp nông dân giảm được nhiều khâu trong sản xuất, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, góp phần thay đổi tập quán canh tác trong nông dân phù hợp điều kiện biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình này vẫn còn nhiều khó khăn, do chi phí đầu tư hệ thống IoT khá cao, trong khi người dân khó tiếp cận được vốn. Ngoài ra, việc quản lý, vận hành hệ thống đòi hỏi kỹ thuật cao, nông dân cũng cần học hỏi nhiều để ứng dụng các tiện tích mang lại.
Diệp Quỳnh
Bình luận