Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 08:01
Thứ hai, 25/12/2023 07:12
TMO - Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa góp phần đa dạng hóa sản phẩm cây trồng, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tăng hiệu quả sản xuất. Nhờ vậy, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) Bắc Giang cho biết, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2023 là 1.029,87 ha. Theo đó, toàn tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm là 109,57 ha, chuyển đổi sang trồng cây lâu năm là 894,65 ha, chuyển sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản là 25,65 ha.
Các mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây rau màu đã đi vào sản xuất ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao, giá trị sản xuất trung bình từ 110- 150 triệu đồng/ha, điển hình như mô hình sản xuất khoai tây tại các huyện Lục Nam, Tân Yên, Yên Dũng, Sơn Động với quy mô từ 20- 50 ha/vùng cho giá trị đạt trên 200 triệu đồng/ha; mô hình sản xuất rau cần tại xã Hoàng Lương, Hoàng Thanh, huyện Hiệp Hòa liên kết bao tiêu sản phẩm với HTX Lý Hùng, HTX Dương Hảo, HTX Hoàng Hậu, HTX Hoàng Lương cho thu nhập trung bình đạt trên 250 triệu đồng/ha/vụ....
Hiệu quả kinh tế của việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả cao gấp 8-10 lần so với trồng lúa. Một số mô hình chuyển đổi tiểu biểu như mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng táo tại xã Phì Điền, huyện Lục Ngạn doanh thu trên 550 triệu đồng/ha; mô hình chuyển đổi sang trồng ổi Đài Loan, tại xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên doanh thu đạt trên 800 triệu đồng/ha/năm….Hiệu quả kinh tế của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản mang lại cao hơn 3-4 lần so với chuyên canh lúa, nổi bật là các mô tập trung tại các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lạng Giang.
Chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang trồng cam Đường Canh tại xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn.
Tại huyện Tân Yên, nông dân cũng từ bỏ mô hình truyền thống “2 lúa, 1 màu” sang thâm canh gối vụ “1 lúa, 4 màu”…Nhờ đó, ước hết năm 2023, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích của huyện đạt 171 triệu đồng/ha/năm. Tương tự, tại xã Nghĩa Phương (Lục Nam), 3 năm gần đây, toàn xã trồng thêm 100 ha na, nâng tổng diện tích lên 450 ha.
Trước đó, theo kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2023, năm 2023 toàn tỉnh thực hiện chuyển đổi 1.621,7 ha cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Trong đó, thực hiện chuyển đổi sang cây hàng năm 231,9 ha; chuyển đổi sang cây lâu năm 1.208,2 ha; chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản 181,6 ha. Thông qua việc chuyển đổi nhằm xây dựng và mở rộng các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi, tạo thành các vùng hàng hóa hiệu quả cao, phục vụ tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp.
Đồng thời, khai thác tốt hơn lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của từng địa phương, tạo thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đa dạng hóa các sản phẩm nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định sản xuất và đời sống cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
UBND tỉnh yêu cầu việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1, Điều 56 Luật Trồng trọt; Khoản 1, Điều 13 Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, nhu cầu thị trường, điều kiện nguồn nước và khí hậu. Trường hợp chuyển trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, được sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng nuôi trồng thủy sản với độ sâu không quá 120 cm so với mặt ruộng. Đất trồng lúa sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy định, được thống kê là đất trồng lúa.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang cho biết, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, thời gian tới tỉnh sẽ cơ cấu lại sản xuất để nâng cao giá trị ngành trồng trọt. Theo đó, tỉnh bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa 2 vụ để đảm bảo an ninh lương thực; quản lý và sử dụng hiệu quả đất chuyên trồng lúa; chuyển đổi linh hoạt giữa trồng cây lương thực và cây thực phẩm. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bắc Giang cơ cấu lại sản xuất để nâng cao giá trị ngành trồng trọt. Ảnh: BBG.
Địa phương này còn điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung “Bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng; các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” để phù hợp với Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ nay đến năm 2030, Bắc Giang cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo hướng giảm tỷ trọng giá trị sản xuất cây lương thực; tăng tỷ trọng cây ăn quả, cây rau, cây công nghiệp, lúa chất lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường, góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Tỉnh phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành trồng trọt (theo giá so sánh 2010) đạt 2,6%/năm. Đến năm 2030, giá trị sản xuất/ha đất nông nghiệp đạt 155 triệu đồng.
Đến năm 2030, tỉnh dự kiến diện tích đất trồng lúa khoảng 48.748 ha. Đến năm 2050, giữ ổn định diện tích đất lúa 2 vụ cần bảo vệ nghiêm ngặt khoảng 38.000 ha để đảm bảo an ninh lương thực. Từ nay đến năm 2030, tỉnh đẩy mạnh trồng, chế biến, tiêu thụ và xây dựng nhãn hiệu tập thể cây dược liệu bản địa có lợi thế như: ba kích tím, trà hoa vàng, sâm Nam núi Dành... trên đất đồi rừng tại các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Tân Yên...; phát triển sản phẩm nấm ăn tại các địa phương có triển vọng như Lạng Giang, Yên Dũng, Việt Yên...
Ngoài ra, Bắc Giang hỗ trợ xây dựng, cấp và quản lý mã số vùng trồng với các cây trồng chính (rau, cây ăn quả), đặc biệt là những cây trồng có tiềm năng xuất khẩu khoảng trên 50.000 ha; hỗ trợ xây dựng các cơ sở sơ chế, đóng gói, chế biến sản phẩm và hệ thống kho bảo quản nông sản, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của doanh nghiệp xuất khẩu và thị trường các nước nhập khẩu... Bắc Giang đã chuyển mạnh diện tích lúa một vụ không ăn chắc, diện tích cây ăn quả hiệu quả kinh tế thấp sang sản xuất rau màu và trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn.
Cùng với đó, Bắc Giang quan tâm phát triển các cây trồng chủ lực, đặc trưng, tiềm năng như vải, nhãn, na, cam, bưởi, táo, vú sữa...; thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, gắn với thị trường tiêu thụ, phát triển thương hiệu. Trên địa bàn đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô từ vài chục ha đến vài chục nghìn ha với nhiều loại cây trồng như lúa chất lượng, rau chế biến, rau an toàn, vải thiều, cam, bưởi... Tỉnh đã xây dựng được 165 mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng, rau chế biến, rau an toàn, khoai tây...
Minh An
Bình luận