Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 22/12/2024 18:12
Chủ nhật, 22/12/2024 06:12
TMO - Hiện nay tại Việt Nam có khoảng 11,8 triệu hecta đất đang bị thoái hoá nghiêm trọng. Trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu và áp lực phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt tại các vùng nguy cơ sa mạc hóa cao, nhiệm vụ chống sa mạc hóa – thoái hoá đất còn nhiều thách thức. Do đó chính quyền và người dân cần tiếp tục có những hành động mạnh mẽ hơn trong quá trình bảo vệ, phục hồi đất.
Báo cáo tổng kết Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa giai đoạn 2006-2010, định hướng 2020 và đề xuất chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 của Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho thấy, trong giai đoạn này, ứng dụng tiến bộ, khoa học công nghệ trong phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể như giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; nghiên cứu cây trồng chịu hạn, chịu mặn... Sau 15 năm thực hiện, nguyên nhân sa mạc hóa do hoạt động của con người gây ra đã dần được khắc phục, công tác phòng, chống sa mạc hóa dần chuyển từ bị động sang chủ động.
Tuy nhiên, thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay nước ta có khoảng 1,2 triệu hecta (ha) đất bị suy thoái nặng, 3,8 triệu ha đất suy thoái trung bình và 6,8 triệu ha đất suy thoái nhẹ. Vùng có diện tích đất suy thoái lớn nhất là Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Tổng diện tích đất bị thoái hóa hiện nay vẫn chiếm 35,7% tổng diện tích tự nhiên cả nước.
Đáng chú ý, có 43% diện tích đất bị thoái hóa là đất sản xuất nông nghiệp và 42% diện tích bị thoái hóa là đất lâm nghiệp. Trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu và áp lực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt tại các vùng nguy cơ sa mạc hóa cao, nhiệm vụ chống sa mạc hóa còn nhiều thách thức và cần thiết phải tiếp tục có những hành động mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tiếp theo. Kết quả điều tra cho thấy, Trung du và miền núi phía Bắc là các vùng có nguy cơ cao về thoái hóa đất, chiếm 37% tổng diện tích đất bị thoái hóa cả nước.
Tiếp đến là Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung với 30% diện tích, vùng Tây Nguyên là 15%. Theo Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, dẫn kết quả đánh giá thoái hoá đất, Ninh Thuận có diện tích đất bị thoái hoá lớn nhất trong 8 tỉnh vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ (xấp xỉ 69% diện tích đất điều tra). Nguyên nhân chủ yếu bởi xói mòn đất do mưa và gió; do khô hạn, hoang mạc hoá; suy giảm độ phì của đất; kết von hoá; mặn hoá và phèn hoá. Vấn đề cơ bản của hoang mạc hóa ở Ninh Thuận chính là hạn hán, thoái hóa đất và cồn cát di động theo mùa gió trong năm.
Quá trình này đang diễn ra mạnh ở cả quy mô và cường độ tại tỉnh khi phải gánh chịu hạn hán gay gắt trong những năm gần đây. Còn tại tỉnh Sơn La, diện tích đất bị thoái hóa cũng lên tới hơn 777.000 ha. Nguyên nhân cũng bởi hạn hán và thoái hóa đất. Điều báo động, quá trình này sẽ diễn ra mạnh hơn, nhanh hơn cả về cấp độ so với những khu vực bị ảnh hưởng khi chịu tác động của nắng nóng, nhiệt độ cao, khô hạn kéo dài, xâm nhập mặn gây nên bởi biến đổi khí hậu. Lãnh đạo Cục Lâm nghiệp, nhận định, thoái hóa đất và hoang mạc hóa là một trong những vấn đề môi trường và tài nguyên thiên nhiên mà ngành nông lâm nghiệp phải đối mặt và giải quyết.
Hiện nay cả nước có khoảng 11,8 triệu hecta đất đang bị thoái hoá nghiêm trọng. (Ảnh minh hoạ).
Hiện tượng này đang xảy ra với mức độ gây thiệt hại rất lớn cho môi trường, kinh tế, xã hội. Do đó, bảo vệ rừng, ngăn chặn nạn phá rừng, trồng và phục hồi rừng theo hướng bền vững đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống và khắc phục sa mạc hoá đất vùng đồi núi, khu vực ven biển...Đặc biệt việc điều tiết, duy trì nguồn nước cũng đóng góp quan trọng vào mục tiêu chống thoái hóa đất, sa mạc hóa.
Trước thực trạng trên, để thực hiện nhiệm vụ chống sa mạc hóa, nhiều chương trình, dự án về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, tín dụng, xây dựng cơ sở hạ tầng ... đã được triển khai rộng rãi trên cả nước.Các chương trình, dự án này đã cải tạo đất hoang hóa, làm tăng diện tích và trữ lượng rừng, đưa ra các mô hình phát triển nông-lâm kết hợp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo ở nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện môi trường và ổn định xã hội, tạo tiền đề vững chắc để thực hiện nhiệm vụ chống sa mạc hóa.
Đại diện viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng nhấn mạnh, trong giai đoạn này, việc ứng dụng tiến bộ, khoa học công nghệ trong phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể như giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Hay việc đẩy mạnh nghiên cứu cây trồng chịu hạn, chịu mặn; hệ thống hồ chứa nước đa mục tiêu phục vụ cho mùa khô; hệ thống kênh mương được kiên cố và mở rộng; kỹ thuật lâm sinh cải tiến. Điển hình, việc nâng cao hiệu quả khai thác các công trình thủy lợi, chủ động phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn cho sản xuất nông nghiệp đã góp phần quan trọng đảm bảo năng suất cây trồng và bảo vệ đất, đặc biệt những vùng đất bị sa mạc hoá, hoang mạc hoá, đất dốc vùng đồi núi và đất cát ven biển.
Nhờ đó, diện tích cây trồng cạn được áp dụng tưới tiết kiệm nước tăng đáng kể qua các năm. Từ 115.000ha (năm 2015) lên 529.000ha (2020) cây trồng được tưới tiết kiệm, tăng hơn 4,5 lần so với năm 2015. Trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu và áp lực phát triển kinh tế-xã hội đặc biệt tại các vùng nguy cơ sa mạc hóa cao, nhiệm vụ chống sa mạc hóa còn nhiều thách thức và cần thiết phải tiếp tục có những hành động mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tiếp theo. Trong giai đoạn tới, vùng Trung du và miền núi phía Bắc cần ưu tiên hạn chế và phục hồi các khu vực đất bị xói mòn và ngăn ngừa gia tăng diện tích đất bị khô hạn.
Đẩy mạnh trồng cây xanh để chống hoang mạc hoá. (Ảnh minh hoạ).
Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và vùng Tây Nguyên ưu tiên hạn chế và phục hồi các khu vực đất bị suy giảm độ phì và khô hạn. Vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long ưu tiên hạn chế và phục hồi các khu vực đất bị suy giảm độ phì, đất bị mặn hóa và đất bị phèn hóa.
Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình thực tế, mỗi địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và sinh thái của từng vùng. Tập trung rà soát, phân loại, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường đất; điều tra, đánh giá khu vực đất bị ô nhiễm, có nguy cơ ô nhiễm đảm bảo các khu vực này phải được khoanh vùng; xây dựng và thực hiện kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất bị ô nhiễm theo quy định; có biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu tối đa quá trình sa mạc hóa, hạn hán trên địa bàn.
Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương và tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia tiếp cận với các thông tin và kỹ thuật phòng tránh khô hạn và hoang mạc. Tăng cường bổ sung nguồn kinh phí, nguồn nhân lực, các phương tiện dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn của Trung ương và địa phương trong việc chống sa mạc hóa và hạn hán.
Đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, phát triển sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ hoặc bị sa mạc hóa, bên cạnh đó nghiên cứu và áp dụng những giải pháp tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước và bảo vệ bề mặt của đất.
Đặc biệt, các cấp chính quyền cần nâng cao nhận thức, coi nội dung phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa là một phần không thể tách rời của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, là nhiệm vụ quan trọng của quá trình phát triển bền vững gắn chặt với các chương trình dự án, sáng kiến có liên quan tới biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai và phát triển sinh kế bền vững cho người dân.
Trần Oanh
Bình luận