Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 17:11
Thứ tư, 02/10/2024 07:10
TMO - Để tăng cường bảo vệ chim hoang dã, chim di cư, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các phòng, ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền đến người dân về việc bảo vệ động vật hoang dã, chim di cư.
Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, vừa qua, trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng của mưa, bão nên tại một số khu vực ven biển thuộc các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh đã xuất hiện các đàn chim hoang dã, di cư về cư trú.
Để chủ động thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã nói chung, chim hoang dã, di cư nói riêng; đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu:
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các phòng, ngành chức năng, UBND các xã, phường, thị, trấn, ban quản lý các chợ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về bảo vệ các loài động vật hoang dã, chim di cư đến các tầng lớp nhân dân, nhất là tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn không tham gia săn, bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, sử dụng, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo các loài động vật hoang dã, chim di cư trái pháp luật; không tiếp khách, liên hoan… có sử dụng thực phẩm được chế biến từ chim hoang dã, di cư.
Thành lập các đoàn liên ngành để tổ chức kiểm tra, truy quét các địa bàn thường xảy ra tình trạng săn, bắt động vật hoang dã, chim di cư (nhất là tại các khu vực cư trú, điểm dừng chân của chúng), các khách sạn, nhà hàng, quán ăn có kinh doanh dịch vụ ăn uống, các chợ, điểm mua, bán động vật hoang dã, chim di cư trên địa bàn, từ đó phát hiện, ngăn chặn, gỡ bỏ các công cụ, dụng cụ, thiết bị săn, bẫy, bắt chim hoang dã, di cư và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật. Chỉ đạo các phòng, ngành, cơ quan chức năng trên địa bàn rà soát, theo dõi các tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội có quảng cáo, kinh doanh các loài động vật rừng, chim hoang dã, di cư trái pháp luật để xử lý nghiêm theo quy định.
Chỉ đạo ban quản lý các chợ phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền, ký cam kết với các hộ kinh doanh liên quan không mua, bán, giết mổ các loài chim hoang dã, di cư trái pháp luật; đồng thời tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Lực lượng chức năng tiêu hủy hàng loạt chim cò giả và các dụng cụ bẫy chim. Ảnh: VC.
Sở NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tăng cường phối hợp các ngành chức năng, địa phương liên quan tăng cường tuần tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ chim hoang dã, di cư; theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện tại các địa phương, đơn vị, kịp thời báo cáo UBND tỉnh những địa phương, đơn vị không thực hiện nghiêm túc, để xảy ra tình trạng săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, chế biến... trái pháp luật chim hoang dã, di cư trên địa bàn. Phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, kịp thời phát hiện, xử lý các dịch, bệnh có nguồn gốc từ chim hoang dã, di cư có nguy cơ lây lan, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gia súc, gia cầm.
Công an tỉnh chỉ đạo công an cấp huyện, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT (Chi cục Kiểm lâm), Cục Quản lý thị trường, Sở Thông tin và Truyền thông, chính quyền các địa phương và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư và các vi phạm liên quan đến quảng cáo, mua bán... trái pháp luật động vật hoang dã trên không gian mạng để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tại khu vực biên giới, cửa khẩu và ven biển; phát hiện, bắt giữ, xử lý kịp thời các hành vi săn, bắn, bẫy, mua bán, vận chuyển trái phép các loài chim hoang dã, di cư theo quy định pháp luật. Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, các khách sạn, nhà hàng, quán ăn, các chợ, điểm mua, bán… phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi buôn bán, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, sử dụng trái pháp luật các sản phẩm, cá thể chim hoang dã, di cư...
UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các đơn vị chủ rừng kiểm tra, rà soát trên toàn bộ lâm phần được giao quản lý để phát hiện, ngăn chặn người dân mang dụng cụ, phương tiện vào rừng săn, bắn, bẫy, bắt… các loài động vật rừng, chim hoang dã, di cư trái pháp luật. Thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, động vật rừng trên lâm phần được giao quản lý.
Để ngăn chặn, xử lý săn bắt chim trời, chim di cư lực lượng chức năng huyện Thạch Hà, huyện Nghi Xuân…đã tăng cường triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, các loài chim di cư tự nhiên. Cuối tháng 9, lực lượng chức năng huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) tổ chức đợt ra quân tuyên truyền và xử lý bẫy đánh bắt chim hoang dã trái phép trên địa bàn xã Thịnh Lộc. Thả 15 con chim hoang dã về với môi trường tự nhiên.
Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Lộc Hà về tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, các loài chim di cư tự nhiên. Lực lượng Hạt kiểm lâm, Phòng NN&PTNT, Công an huyện và Đồn Biên phòng Cửa Sót đã tổ chức đợt ra quân tuyên truyền và xử lý bẫy đánh bắt chim hoang dã trái phép trên địa bàn xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà.
Xã Thịnh Lộc là xã ven biển nên có số lượng chim di cư về tránh trú trong mùa mưa bão khá nhiều, một số người dân đã làm bẫy để đánh bắt chim hoang dã trái phép. Qua kiểm tra, lực lượng liên ngành đã phát hiện, thu giữ và xử lý thả về tự nhiên 15 chim mồi sống. Bên cạnh đó tháo dỡ, thu gom, tiêu hủy hàng ngàn que nhạ, mồi nhử bằng xốp, cùng nhiều dụng cụ đánh bắt chim trời trái phép...Thời gian tới, huyện Lộc Hà sẽ tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hơn nữa việc kiểm tra, xử lý nghiêm nạn săn bắt động vật hoang dã, chim trời, chim di cư về trên địa bàn, bảo vệ môi trường sinh thái.
Lực lượng chức năng các địa phương ra quân quân xử lý săn bắt chim trời, chim di cư. Ảnh: VC.
Lực lượng chức năng huyện Thạch Hà đã tổ chức 6 đợt ra quân quân xử lý săn bắt chim trời, chim di cư. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện về tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, các loài chim di cư tự nhiên, từ đầu tháng 9 đến nay, lực lượng chức năng huyện Thạch Hà đã tổ chức 6 đợt ra quân quân xử lý săn bắt chim trời, chim di cư.
Hạt Kiểm lâm huyện, Phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà phối hợp với công an các xã Thạch Khê, Thạch Hải, Đỉnh Bàn đã tiến hành kiểm tra và xử lý nạn săn bắt chim trời, chim di cư. Qua kiểm tra đã phát hiện, thu giữ và xử lý 20 chim mồi sống, 200 chim mồi giả, 6 kg nhạ, 16m2 lưới; tháo dỡ 62 lán lùm ẩn nấp để đánh bắt chim.
Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Hà cho biết: Bên cạnh tuyên truyền thay đổi hành vi, nhận thức cho người dân. Thời gian tới, huyện Thạch Hà sẽ tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hơn nữa việc kiểm tra, xử lý nghiêm nạn săn bắt động vật hoang dã, chim trời, chim di cư về trên địa bàn, bảo vệ môi trường sinh thái.
Tại huyện Nghi Xuân đã xảy ra tình trạng người dân săn bắt chim di cư tràn lan trong mùa mưa bão. Đặc biệt tại xã Cương Gián, người dân dùng cò giả (làm bằng xốp), que nhạ (keo bẫy chim siêu dính) và chim cò mồi còn sống làm bẫy chim tại các khu vực rừng phòng hộ, đầm nước, lạch sông… guy cơ tận diệt các loài chim hoang dã và xâm hại rừng phòng hộ ven biển.
Trước tình trạng trên, lực lượng chức năng huyện Nghi Xuân đã ra quân kiểm tra, ngăn chặn, xử lý tình trạng săn bắt chim trời, chim di cư. Hạt Kiểm lâm huyện Nghi Xuân cho biết, sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, tăng cường ccác biện pháp ngăn chặn, xử lý săn bắt chim di cư trên địa bàn, đặc biệt tại xã Cương Gián tiếp tục được thực hiện. Trong đó, chú trọng xử lý, tiêu hủy lùm lán, bụi cây, các dụng cụ bẫy bắt chim tại đồng ruộng, đầm lầy và khu vực ven bờ lạch sông.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay, nạn bẫy bắt chim trời ngày càng tinh vi. Trước đây, một số người đánh bẫy thường sử dụng tấm xốp tạo hình giống con cò để giăng bẫy, dễ bị lực lượng chức năng phát hiện, phá dỡ. Hiện, họ chỉ cắm những que đã dính nhựa nhỏ trên lùm cây để lực lượng chức năng khó phát hiện. Trước thực trạng đó, lực lượng Kiểm lâm ở các huyện, thị đang tăng cường kiểm tra, ngăn chặn nạn bẫy chim trời. Lực lượng chức năng Hà Tĩnh ra quân bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ chim di cư.
Đức Tùng
Bình luận