Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ hai, 23/09/2024 15:09
TMO - Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, trên địa bàn tỉnh, trong 2 năm 2022, 2023 đã có 23 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường khai thác vượt công suất cho phép. Việc hàng loạt mỏ khai thác vượt công suất cho phép tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động đến môi trường và đời sống dân sinh.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cho biết, tính đến năm 2023, trên địa bàn có 70 giấy phép khai thác khoáng sản được UBND tỉnh cấp phép đang còn hiệu lực. Qua kết quả kiểm tra rà soát cho thấy, có 23 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường khai thác vượt công suất cho phép. Trong đó, có 15 mỏ khai thác công suất dưới 15%. Cụ thể, sản lượng khai thác vượt công suất có giá trị dưới 700 triệu đồng có 9 mỏ; từ 700 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng 1 mỏ; từ 1 tỷ đồng trở lên có 5 mỏ.
Có 8 mỏ khai thác vượt công suất từ 15% trở lên. Cụ thể, sản lượng khai thác vượt công suất có giá trị dưới 700 triệu đồng có 3 mỏ: Mỏ đất xã Xuân Liên 2023 vượt 17% của Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Dịch vụ Thái Ngọc; Mỏ đất xã Bắc Sơn năm 2022 vượt 19% của Công ty Cổ phần Cơ giới 5-3 và mỏ đất Bắc Sơn 2 năm 2022 vượt 17% của Công ty TNHH Hoàng Tuấn Khanh.
Sản lượng khai thác vượt công suất có giá trị từ trên 1 tỷ có 6 mỏ: Mỏ đất Bắc Sơn 2 năm 2023 vượt 79% của Công ty TNHH Hoàng Tuấn Khanh; Mỏ đất đồi Lâm Sơn năm 2022 vượt 63% của Công ty Cổ phần Vận tải và Xây dựng 2.9; Mỏ đất xã Đức Bồng năm 2023 vượt 24% của Công ty Cổ phần Khai thác Khoáng sản Vịnh Thắng; Mỏ đất phường Hưng Trí năm 2022 vượt 104% của Công ty CP Xây dựng – Thương mại tổng hợp Hòa Bình; Mỏ đất Nam Điền năm 2023 vượt 122% của Công ty TNHH Đầu tư An Phúc Lộc và mỏ đất phường Kỳ Trinh năm 2022 vượt 68% của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vật liệu xây dựng Hồng Hà.
Trong số có 23 mỏ vượt công suất khai thác năm 2022 và 2023 thì có 4 mỏ cả 2 năm liên tục đều khai thác vượt công suất: Mỏ đất mỏ đất phường Kỳ Trinh của Công ty Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vật liệu xây dựng Hồng Hà; Mỏ đất xã Xuân Liên của Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Dịch vụ Thái Ngọc và mỏ đất Mỏ đất phường Hưng Trí năm của Công ty Cổ phần Xây dựng – Thương mại tổng hợp Hòa Bình. Đặc biệt, mỏ đất Mỏ đất Bắc Sơn 2 của Công ty TNHH Hoàng Tuấn Khanh trong 2 năm liên tục đều vượt công suất lần lượt là 17%; 79%.
Mỏ đất của Công ty TNHH Hoàng Tuấn Khanh trong 2 năm liên tục đều vượt công suất.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, đối chiếu theo quy định tại khoản 4 Điều 41, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP; sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 04/2020/NĐ-CP thì đối với 8 mỏ khai thác vượt công suất 15% trở lên, thuộc đối tượng phải xử phạt vi phạm hành chính.
Trong đó, mỏ đất đồi Lâm Sơn (xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà của Công ty Cổ phần Vận tải và Xây dựng 2/9) năm 2022 khai thác vượt công suất 63% vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều 41; mỏ đất san lấp Bắc Sơn 2 (xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà của Công ty TNHH Hoàng Tuấn Khanh) năm 2022 và 2023 khai thác vượt công suất lần lượt là 17%; 79% vi phạm quy định tại điểm b khoản 2, điểm b khoản 4 Điều 41 Nghị định số 36/2020 NĐ-CP, sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 04/2022/NĐ-CP. Đối với mỏ đất phường Hưng Trí (thị xã Kỳ Anh của Công ty Công ty Xây dựng – Thương mại tổng hợp Hòa Bình) khai thác ngoài diện tích khoảng 16.897m2, giá trị sản lượng ước tính trên 6 tỷ đồng.
Khai thác vượt công suất tiềm ẩn nguy cơ tác động đến môi trường và đời sống người dân khu vực.
Trên cơ sở kiểm tra và rà soát, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh đã lập hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt 3 mỏ: mỏ đất đồi Lâm Sơn (xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà của Công ty Cổ phần Vận tải và Xây dựng 2/9); mỏ đất san lấp Bắc Sơn 2 (xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà của Công ty TNHH Hoàng Tuấn Khanh và mỏ đất phường Hưng Trí (thị xã Kỳ Anh của Công ty Cổ phần Xây dựng – Thương mại tổng hợp Hòa Bình. Còn 5 mỏ còn lại (vượt công suất trên 15% đang thu thập, xử lý hồ sơ theo quy định để trình cấp thẩm quyền xem xét, xử lý.
Cụ thể, tại Quyết định số 1822 /QĐ-XPVPHC/24-7-2024, xử phạt hành chính do ông Trần Báu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký đã xử phạt Công ty Cổ phần Vận tải và Xây dựng 2/9, địa chỉ ở xóm Minh Tân, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An có hành vi khai thác đất vượt công suất 63% theo quy định tại giấy phép khai thác khoáng sản của mỏ đất khu vực đồi Lâm Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà số tiền 300 triệu đồng.
Từ năm 2022 và 2023, trên địa bàn Hà Tĩnh có nhiều công trình, dự án lớn được triển khai thi công như: Dự án đường cao tốc Bắc - Nam; dự án đường Hàm Nghi kéo dài; đê Cửa Sót; Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II; các khu tái định cư các phường : Kỳ Thịnh, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kè Sông trí Thị xã Kỳ Anh… nên nhu cầu về đất san lấp rất lớn và cấp bách. Trong khi đó, tổng công suất khai thác đất san lấp của 20 mỏ đất trên địa bàn tỉnh là 2.723.156m3/năm dẫn đến nhiều doanh nghiệp bất chấp khai thác vượt công suất cho phép thu lợi bất chính, bất hợp pháp.
Việc hàng loạt doanh nghiệp khác thác khoáng sản vượt công suất để lại rất nhiều hệ lụy trong công tác bảo vệ môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh. Việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm việc khai thác vượt công suất là nhằm hạn chế và giảm nguy cơ gây sự cố môi trường khi hệ thống công trình bảo vệ môi trường vượt quá ngưỡng chịu tải, xử lý theo thiết kế.
Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều đơn vị bị xử phạt, tuy nhiên vì lợi nhuận nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản vẫn bất chấp quy định để cố tình vi phạm. Thực tế này, đòi hỏi cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, góp phần khai thác, hiệu quả nguồn tài nguyên này cho phát triển kinh tế-xã hội.
Thu Hường
Bình luận