Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 12:01
Thứ sáu, 06/12/2024 06:12
TMO - Trong những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời có những hoạt động kiểm tra, giám sát, đồng thời ban hành các văn bản để triển khai thực hiện việc quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản để đưa luật vào cuộc sống; yêu cầu các đơn vị doanh nghiệp khai thác khoáng sản thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành.
Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Hà Tĩnh, hiện, trên địa bàn tỉnh có 70 mỏ vật liệu xây dựng được UBND tỉnh này cấp phép đang còn hiệu lực. Trong số 70 mỏ thì có đến 23 mỏ được xác định khai thác vượt công suất. Cụ thể, năm 2022 và 2023, có 23 mỏ khai thác vượt công suất trong phạm vi được cấp phép, trong đó, có 15 mỏ khai thác vượt công suất dưới 15%; 8 mỏ khai thác vượt công suất từ 15% trở lên.
Do đó, Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu, thời gian tới, cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Được biết, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện quy hoạch 191 khu vực mỏ làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường, với tổng diện tích 2.374,6 ha.
Do đó, UBND tỉnh đã khoanh định, phê duyệt 124 khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; điều chỉnh 69 khu vực mỏ đưa ra khỏi khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Đồng thời, ban hành các văn bản để bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, chấn chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại các địa phương. Từ năm 2020 đến năm 2023, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường đối với 25 khu vực mỏ; cấp 25 giấy phép thăm dò khoáng sản và phê duyệt trữ lượng tại 24 mỏ khoáng sản thuộc thẩm quyền.
Tiến hành cấp mới 24 giấy phép khai thác khoáng sản, gia hạn 12 giấy phép khai thác khoáng sản, chuyển nhượng 1 giấy phép khai thác khoáng sản và thu hồi 2 giấy phép khai thác khoáng sản. UBND tỉnh chấp thuận cho phép các nhà thầu thi công Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn qua Hà Tĩnh khai thác tại 13 khu vực mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Trong đó, 10 mỏ đất san lấp, tổng trữ lượng được phép khai thác 10.799.576m3, 3 mỏ cát xây dựng, tổng trữ lượng được phép khai thác là 1.342.480m3. Ngoài ra, các nhà thầu đã đăng ký khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường trên tuyến cao tốc với tổng khối lượng 4.817.556m3 đất, đá.
Từ năm 2007 đến nay, UBND tỉnh đã quyết định đóng cửa mỏ đối với 160 mỏ khoáng sản; phê duyệt 12 đề án đóng cửa mỏ nhưng các đơn vị chưa hoàn thành việc thi công đề án, còn lại 30 mỏ chưa thực hiện hồ sơ, thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định. Từ năm 2020 đến hết năm 2023, đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản và pháp luật có liên quan đã thực hiện kiểm tra 147 lượt tại các đơn vị hoạt động khoáng sản; tham mưu cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 31 đơn vị, với tổng số tiền xử phạt hơn 1 tỷ đồng.
Để nâng cao công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên khoáng sản đến tận các tổ chức, đơn vị có liên quan và Nhân dân; triển khai thực hiện chiến lược phát triển vật liệu xây dựng, quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD thông thường.
Đoàn giám sát HĐND tỉnh Hà Tĩnh khảo sát tình hình khai thác đất ở mỏ đất phường Kỳ Trinh, Thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh). (Ảnh minh hoạ: NK).
Đồng thời rà soát, đánh giá sát nhu cầu sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường phục vụ các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh; giải quyết kịp thời các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường. Phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường và chỉ đạo tổ chức đấu giá; khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản; tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh..
Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu, thời gian tới, Sở TN&MT cùng các địa phương cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong quản lý, rà soát các bất cập, vướng mắc để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết; rà soát quy hoạch, trữ lượng các mỏ để khai thác hiệu quả nhằm phục vụ các dự án đang triển khai trên địa bàn. Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng lưu ý việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải thực hiện theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.
Việc quản lý, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản được Hà Tĩnh đẩy mạnh triển khai, thực hiện. Đáng chú ý, từ đầu năm 2024 đến giữa tháng 11/2024, Sở TN-MT Hà Tĩnh đã tham mưu xử phạt hành chính đối với 3 doanh nghiệp khai thác mỏ vi phạm vượt công suất. UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng ban hành 2 quyết định xử phạt với tổng số tiền 680 triệu đồng. Thậm chí, có doanh nghiệp khai thác vượt công suất lẫn ranh giới, đến mức phải chuyển hồ sơ, xem xét xử lý hình sự.
Để có giải pháp quản lý thất thoát khoáng sản, Đại diện Sở TN&MT Hà Tĩnh cho biết, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn quản lý, kịp thời xử lý hoặc tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo quy định.
Trường hợp phát hiện các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có dấu hiệu sai phạm về hình sự trong hoạt động, khai thác khoáng sản thì kịp thời chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra, xử lý theo quy định. Ngoài ra, Sở sẽ phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan rà soát, đánh giá cụ thể nguồn cung, phương án nâng công suất đối với các mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường đã được cấp phép và nhu cầu dự báo đến năm 2030 để xây dựng kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường bảo đảm đáp ứng nhu cầu thị trường, phù hợp với công suất, thời hạn khai thác…/.
Xuân Hoà
Bình luận