Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Chủ nhật, 18/06/2023 07:06
TMO - Trước nguy cơ cao xảy ra cháy rừng tại các khu vực trọng điểm, khu vực rừng thông, rừng trồng, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương, đơn vị tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.
Tại tỉnh Hà Tĩnh đã trải qua 6 đợt nắng nóng gay gắt, nhiệt độ luôn ở mức cao từ 39-42 độ C. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên từ nay đến cuối năm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh sẽ có 5 đến 6 đợt nắng nóng gay gắt, số ngày nắng cao hơn trung bình nhiều năm và có nhiều diễn biến bất thường. Nắng nóng kèm theo thiếu hụt lượng mưa, độ ẩm không khí thấp, nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh rất cao, nhất là trong khoảng thời gian cuối tháng 6.
UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu UBND cấp huyện, thị xã chỉ đạo cấp xã, phường, các phòng, ngành chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương, đơn vị coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Tỉnh Hà Tĩnh hiện có 359.785ha rừng và đất lâm nghiệp, phân bố trên địa bàn 13 huyện, thị xã, thành phố. Tỉnh Hà Tĩnh đã giao 325.526ha rừng và đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý (chiếm 90,5%); diện tích do UBND xã quản lý 34.258ha (chiếm 9,5%). Trong số đó nhiều diện tích rừng trọng điểm dễ cháy, có nguy cơ xâm hại cao chủ yếu tập trung trên địa bàn các huyện, thị xã Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, thị xã Hồng Lĩnh, Lộc Hà…
Các lực lượng sẵn sàng triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, hạn chế thiệt hại.
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ rừng kiểm tra, rà soát lại phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo sát đúng thực tế, có tính khả thi, nhất là tại các địa phương, chủ rừng có diện tích rừng thông tập trung và diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt loài cây giang, nứa...dễ cháy; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”.
Các đơn vị, địa phương phân công lực lượng trực 24/24 giờ tại các điểm trực gác, chốt cửa rừng, điểm trực camera giám sát để phát hiện sớm lửa rừng, giám sát chặt chẽ người, phương tiện ra, vào các khu vực rừng trọng điểm dễ cháy trong suốt thời gian cao điểm nắng nóng; phát hiện sớm cháy rừng, huy động các lực lượng tham gia dập tắt kịp thời đám cháy, không để xảy ra cháy lớn.
Cùng với đó các địa phương, đơn vị đẩy mạnh tuyên tuyền phổ biến, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong phòng cháy, chữa cháy rừng; thông báo cấp cảnh báo cháy rừng liên tục hàng ngày. Chủ rừng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn việc sử dụng lửa trong rừng, ngắn cấm người dân dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ cháy rừng.
Các xã, phường có phương án, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước. Người đứng đầu các địa phương, đơn vị nếu không triển khai thực hiện, thiếu trách nhiệm để xẩy ra cháy rừng phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật.
Sở NN&PTNT thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện của các địa phương, đơn vị; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/6/2023; trong thời gian cao điểm nắng nóng, định kỳ hằng tuần báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh - trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc, tình huống vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý. Chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các đơn vị có liên quan tăng cường tuyên truyền, cảnh báo cấp dự báo cháy rừng hằng ngày (khi cấp cảnh báo cấp IV-V).
Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tăng cường lực lượng bám sát cơ sở, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương ứng trực, thực hiện nghiêm chế độ trực ban 24/24 giờ và sẵn sàng “bốn tại chỗ” kịp thời tham gia chữa cháy rừng; theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm tại địa chỉ website: kiemlam.org.vn để kiểm tra, phát hiện sớm cháy rừng; tổng hợp tình hình thực hiện của các đơn vị, tham mưu Sở NN&PTNT báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kịp thời.
Sở Công Thương chỉ đạo Công ty Điện lực Hà Tĩnh và các đơn vị truyền tải điện phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hệ thống truyền tải điện trên địa bàn quản lý, không để xảy ra sự cố, nhất là đối với hệ thống truyền tải đi qua các khu rừng trọng điểm dễ cháy.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia chữa cháy rừng theo Phương án số 165/PA-UBND ngày 12/5/2023 của UBND tỉnh; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời ứng cứu các tình huống khẩn cấp về cháy rừng khi có yêu cầu của địa phương.
Cán bộ kiểm lâm Hà Tĩnh trực quan sát qua hệ thống camera giám sát phòng cháy, chữa cháy rừng.
Để chủ động kiểm soát tình hình và kịp thời phát hiện, khống chế các đám cháy rừng trong năm 2023, từ đầu tháng 5/2023, tất cả các địa phương và chủ rừng trên toàn tỉnh Hà Tĩnh đã hoàn thành kế hoạch triển khai kế hoạch phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2023. Cụ thể, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động thành lập các tổ, đội bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. C
Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết, toàn tỉnh đã thành lập 345 tổ, đội bảo vệ, PCCCR (16 tổ, đội cấp huyện; 278 tổ, đội cấp xã; 51 tổ, đội của chủ rừng) với 7.287 người tham gia. Các tổ, đội này có nhiệm vụ chủ động sẵn sàng “4 tại chỗ”, duy trì chế độ trực ban, sẵn sàng lực lượng thường trực, phát hiện, dập tắt kịp thời đám cháy. Chính quyền các địa phương, các đơn vị chủ rừng đã đã làm mới, tu sửa 189,13km đường băng cản lửa, 19 chòi canh lửa, 248 biển tường cố định, 603 máy thổi gió, 135 cưa xăng...
Hải Long
Bình luận