Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 20:11
Thứ hai, 15/01/2024 14:01
TMO - Để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm không khí, Hà Nội đang tập trung nguồn lực triển khai các giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí; kiểm soát các hoạt động có phát sinh khí thải, bụi trong thời điểm thời tiết giao mùa.
UBND thành phố chỉ đạo các ngành, cấp tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tình trạng đốt rơm rạ, đặc biệt tại các khu vực gần quốc lộ, tỉnh lộ, sân bay Nội Bài. Cùng với các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp danh sách các huyện có tỷ lệ đốt rơm rạ cao, gửi về Ủy ban Nhân dân thành phố để đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử thành phố.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì, phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tham mưu UBND thành phố cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ các mô hình sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế sử dụng rơm rạ làm nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời, góp phần tiêu thụ rơm rạ phát sinh sau thu hoạch. Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất các công nghệ phù hợp phục vụ việc thu gom, vận chuyển cùng các biện pháp để xử lý rơm rạ theo hướng thân thiện môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
UBND thành phố chỉ đạo các ngành, cấp tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tình trạng đốt rơm rạ, đặc biệt tại các khu vực gần quốc lộ, tỉnh lộ, sân bay Nội Bài.
Cùng với quá trình đô thị hóa, và mở rộng thành phố, Hà Nội đã trở thành một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới. Thành phố đang phải đối mặt những tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường, biến đối khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững. Trong khi đó, việc quy hoạch phát triển thành phố còn chưa đồng bộ, thiếu lồng ghép các giải pháp môi trường và hạn chế trong hiểu biết của các cộng đồng dân cư đang là những thách thức không nhỏ đối với thành phố Hà Nội.
Trước thực trạng đó, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí. Điển hình, thành phố đã đưa vào vận hành hệ thống 35 trạm quan trắc không khí tự động, 06 trạm quan trắc nước mặt, giám sát chất lượng môi trường khí thải, nước thải các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Chỉ đạo các cấp chính quyền xóa được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công; Thu gom, vận chuyển rác thải hàng ngày khu vực đô thị đạt trên 90%, khu vực ngoại thành đạt 80%; Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy xử lý rác thải phát điện tại Nam Sơn 4000 tấn/ngày, Xuân Sơn 1.500 tấn/ngày, tiếp tục kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý rác thải phát điện hiện đại.
Thành phố Hà Nội đã triển khai chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn; chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất, công trình xây dựng gây bụi bẩn; rà soát đầu tư xây dựng, chỉnh trang công viên, hồ điều hòa yêu cầu các đơn vị vệ sinh môi trường tăng cường tưới nước rửa đường, thu gom rác thải… nhằm hạn chế phát sinh ô nhiễm, đồng thời giao Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai nhiệm vụ "Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cho thành phố Hà Nội" theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trên cơ sở đó, tiến hành kiểm kê, lượng hóa được các nguồn ô nhiễm không khí và đưa ra các giải pháp phù hợp về chính sách, công nghệ và điều kiện, năng lực của địa phương.
Thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí.
Nhiều ý kiến cho rằng, thành phố cần thực thi hiệu quả lệnh cấm đốt rác, phế phẩm nông nghiệp ngoài trời, hỗ trợ quản lý tốt hơn phế thải nông nghiệp và có các biện pháp giảm bụi đường phố. Bên cạnh đó củng cố và thực thi các tiêu chuẩn kiểm soát khí thải xe máy, thúc đẩy giao thông công cộng và đẩy mạnh phát triển xe điện, có thể hình thành các khu vực kiểm soát phát thải (phát thải thấp) trong thành phố. Đồng thời xây dựng chiến lược quản lý chất thải bền vững để đảm bảo loại bỏ việc đốt rác ngoài trời, tăng tỉ lệ thu gom, phân loại và tái chế, thu hồi khí mê tan tại các bãi chôn lấp và tăng tỉ lệ làm phân hữu cơ.
Tiếp theo, giải quyết nguồn phát thải amoni từ hoạt động nông nghiệp, sử dụng phân bón vô cơ và hoạt động chăn nuôi. Đây là một phần quan trọng đáng kể trong kế hoạch quản lý không khí. Thắt chặt tiêu chuẩn phát thải cho các nhà máy điện và ngành công nghiệp, tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo, phù hợp với cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại COP26 về đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; hỗ trợ giảm sử dụng than đá và sinh khối tại các làng nghề.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đã bổ sung nhiều quy định mới về công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, dự thảo Luật nhấn mạnh biện pháp xử lý các nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể, di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường kéo dài, sử dụng quá tải; cơ sở y tế có nguy cơ truyền nhiễm, lây nhiễm cao ra khỏi khu nội đô lịch sử, khu vực đô thị trung tâm.
Nghiêm cấm lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, ao, đầm, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh trái phép; xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; sử dụng diện tích công viên, vườn hoa công cộng sai chức năng, mục đích. Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư vào các dự án phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xử lý ô nhiễm môi trường sông, suối, hồ, ao, đầm bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Có chính sách hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch và lộ trình thực hiện; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm môi trường; đầu tư phát triển phương tiện giao thông công cộng kết hợp lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để hạn chế ùn tắc giao thông, giảm phát thải.
Ngoài ra, để giảm ô nhiễm không khí tại Hà Nội, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã xác định phải có sự phối hợp giữa Hà Nội với các địa phương khác trong vùng Thủ đô; có các ưu đãi về đầu tư trong lĩnh vực trồng, phát triển cây xanh, trồng rừng, xử lý rác thải, nước thải, dịch vụ môi trường...
Minh Hương
Bình luận