Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 19:11
Thứ bảy, 17/08/2024 13:08
TMO - UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị trên địa bàn, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước.
Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Để đảm bảo thực thi hiệu quả, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 trên địa bàn. Kế hoạch nhằm xác định rõ ràng nội dung công việc, thời hạn, tiến độ và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan để triển khai Luật Tài nguyên nước một cách đồng bộ, hiệu quả trên địa bàn Thành phố. UBND Thành phố nhấn mạnh sự cần thiết của việc phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, và UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây nhằm đảm bảo việc thực thi Luật được thực hiện nhất quán và hiệu quả.
Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức thực hiện các nội dung như: tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết Luật, các văn bản có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước trên địa bàn thành phố, tại UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây. Tập huấn chuyên sâu; tuyên truyền Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; xây dựng, ban hành, phối hợp triển khai thực hiện các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước của UBND thành phố.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là cơ quan đầu mối giúp UBND thành phố thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; quản lý nguồn nước. Trong đó, tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành, duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước trong hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường của thành phố; xác định, công bố chức năng đối với nguồn nước mặt nội tỉnh trong trường hợp chưa có quy hoạch hoặc quy hoạch chưa thể hiện chức năng nguồn nước.
Chủ trì, phối hợp, tham mưu UBND thành phố tổ chức lập, công bố, điều chỉnh danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước; phê duyệt, điều chỉnh phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước, kế hoạch, phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước; giao mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước cho UBND cấp huyện hoặc UBND cấp xã để quản lý, bảo vệ; tổ chức điều tra xác định, điều chỉnh vị trí, giá trị dòng chảy tối thiểu trên sông, suối nội tỉnh; kiểm soát các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt; xác định và tổ chức việc công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên cơ sở đề xuất của tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt theo quy định…
UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành các công trình, hệ thống công trình thủy lợi, công trình cấp nước nông thôn, bảo đảm về an toàn đập, hồ chứa thủy lợi thuộc phạm vi quản lý theo các quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; cung cấp thông tin, số liệu để xây dựng kịch bản nguồn nước, thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Luật Tài nguyên nước.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, Sở có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh các quy trình vận hành hồ chứa, công trình, hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu, chống thất thoát, lãng phí nước và bảo đảm lưu thông của dòng chảy trong hệ thống công trình, không gây ứ đọng, ô nhiễm nguồn nước; chỉ đạo tổ chức việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn nước, kịch bản nguồn nước, phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước theo quy định; áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm, hiệu quả.
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị trên địa bàn, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước (Ảnh minh họa).
Sở Công Thương Hà Nội thực hiện cung cấp thông tin, số liệu để xây dựng kịch bản nguồn nước và thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Luật Tài nguyên nước và quy định khác của pháp luật có liên quan. Sở Xây dựng Hà Nội thực hiện quản lý Nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành các công trình cấp, thoát nước đô thị, các khu dân cư nông thôn tập trung và khu chức năng thuộc phạm vi quản lý theo các quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; cung cấp thông tin, số liệu để xây dựng kịch bản nguồn nước và thực hiện trách nhiệm khác theo quy định.
Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức thực hiện xây dựng, tổ chức lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, sự cố mất an toàn đập, hồ chứa, ứng phó với sự cố, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn liên quan đến nước theo quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự, pháp luật về tình trạng khẩn cấp và pháp luật có liên quan.
Công an Thành phố có trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện phương án phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước; phối hợp, tổ chức lực lượng, phương tiện ứng phó sự cố, thảm họa liên quan đến nước; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, khu vực xảy ra sự cố, thảm họa liên quan đến nước theo quy định của pháp luật...
Thành phố Hà Nội được đánh giá là địa phương có nguồn tài nguyên nước phong phú. Thành phố hiện có 2 hệ thống sông chính là sông Hồng và sông Thái Bình, với 7 con sông chảy qua địa bàn là: Sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Công, sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Đáy. Ngoài ra, thành phố còn có hệ thống các sông nội địa như sông Tích, sông Bùi, sông Thanh Hà… Toàn thành phố Hà Nội hiện có 117 hồ thủy lợi, nằm trên địa bàn 6 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây.
Sở TN&MT thành phố nhấn mạnh, nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, để bảo vệ nguồn nước cho phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua thành phố Hà Nội đã thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý tài nguyên nước. Thành phố xác định bảo đảm an ninh nguồn nước là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, coi đây là mục tiêu, nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài.
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, thành phố phấn đấu cân đối đủ nguồn nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước tại lưu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu, sông Nhuệ, sông Cầu Bây, sông Đáy. Đến năm 2045, chủ động được nguồn nước phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát và khắc phục tình trạng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước tại các lưu vực sông; hoàn thiện chính sách về nước một cách đồng bộ...
Để đạt được mục tiêu này, thành phố sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước. Thành phố cũng xây dựng và thực hiện cơ chế khuyến khích người dân sử dụng nước tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, tái sử dụng nước, bảo vệ môi trường nước.
Đồng thời để nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thủy lợi, tài nguyên nước và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố giao các Sở, ngành điều tra, khoanh định các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất; xây dựng, ban hành danh mục nguồn nước nội tỉnh; điều tra cơ bản tài nguyên nước; ban hành danh mục ao hồ không được san lấp trên địa bàn thành phố…/.
Hồng Nhung
Bình luận