Hotline: 0941068156
Thứ ba, 04/02/2025 23:02
Thứ ba, 04/02/2025 15:02
TMO - UBND TP. Hà Nội đặt mục tiêu, trong năm 2025, 100% cụm công nghiệp xây dựng mới và đã đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn.
Tại Kế hoạch về việc quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025, thành phố đặt mục tiêu sẽ hoàn thành khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 43 cụm công nghiệp được thành lập giai đoạn 2018 – 2020; hoàn thành xây dựng hạ tầng 30 cụm công nghiệp đã khởi công trong giai đoạn 2021-2024; quyết định thành lập, mở rộng 15-20 cụm công nghiệp; tiếp tục cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội đáp ứng yêu cầu tại Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Đáng chú ý, UBND TP.Hà Nội đặt mục tiêu 100% cụm công nghiệp xây dựng mới và cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề đã đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.
Đối với các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thành phố yêu cầu đầu tư, cải tạo, nâng cấp các hệ thống xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp với các nhiệm vụ cụ thể như: Hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động 11 hệ thống xử lý nước thải tập trung tại 11 cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 6613/QĐ-UBND ngày 15/11/2019 của UBND Thành phố; hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống xử lý nước thải tập trung tại cụm công nghiệp làng nghề Chàng Sơn (huyện Thạch Thất);
Rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống xử lý nước thải, đề xuất giải pháp cụ thể xử lý đối với các cụm công nghiệp đã có trạm xử lý nước thải nhưng đầu tư chưa đồng bộ hoặc xuống cấp, hư hỏng và các cụm công nghiệp không còn phù hợp với phương án phát triển cụm công nghiệp; tăng cường các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư lấp đầy các cụm công nghiệp; xây dựng, phê duyệt phương án giá dịch vụ, giá xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện làm chủ đầu tư.
TP. Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2025, 100% cụm công nghiệp xây dựng mới và đã đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn.
Để hoàn thành các chỉ tiêu này, Sở Công Thương giám sát thực hiện cam kết tiến độ hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN đang hoạt động; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đối với các CCN đã tổ chức khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật; tiến độ khởi công các CCN còn lại... Xây dựng kế hoạch kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ được giao; giám sát việc thực hiện công tác chấp hành quy định pháp luật về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai tại các CCN theo đúng quy định của pháp luật, quy hoạch đã được phê duyệt.
UBND các quận, huyện, thị xã có CCN quản lý, theo dõi, xử lý việc chấp hành quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, xây dựng theo đúng quy định và quy hoạch đã được phê duyệt; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư CCN tổ chức thực hiện các giải pháp bảo đảm tiến độ khởi công và hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN theo kế hoạch và tiến độ đã ban hành.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ rà soát phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 các CCN bảo đảm phù hợp với các quy hoạch cấp trên, quy chuẩn, tiêu chuẩn và các quy định hiện hành của thành phố; đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ khởi công các CCN trên địa bàn đã được phê duyệt; rà soát, xây dựng kế hoạch hoàn thiện hạ tầng trong và ngoài hàng rào CCN thuộc nhiệm vụ chi ngân sách cấp huyện theo phân cấp hoặc đề xuất UBND thành phố đầu tư các hạng mục công trình cấp thành phố.
Bên cạnh đó, đạo đôn đốc chủ đầu tư CCN phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành cải tạo, nâng cấp trạm xử lý nước thải; bảo đảm công tác bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy trong CCN; chỉ đạo các phòng ban chuyên môn của huyện tập trung ưu tiên, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến triển khai các CCN đảm bảo tiến độ và kế hoạch đề ra.
Chủ đầu tư các CCN chấp hành các quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, xây dựng, tài chính, kế toán, kiểm toán, thống kê, bảo hiểm, lao động, an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp, bảo vệ môi trường, an toàn phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự…; thực hiện nghiêm túc và đầy đủ trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN theo quy định của pháp luật, quyết định thành lập, quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, bảo đảm tiến độ khởi công và hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo tiến độ quy định; chủ động kêu gọi, thu hút, tiếp nhận dự án đầu tư vào CCN trên cơ sở quy hoạch chi tiết và ngành nghề đã được phê duyệt.
Theo thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 70 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch 1.686 ha cùng rất nhiều cụm làng nghề tại hầu hết các quận, huyện, thị xã trên địa bàn. Sự phát triển của các CCN, cụm làng nghề giúp thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của TP, chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các ngành, khai thác hiệu quả tiềm năng về nguyên liệu, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, chính những CCN, cụm làng nghề lại mang lại mối lo lớn về ô nhiễm môi trường.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về Hạ tầng bảo vệ môi trường đối với cụm công nghiệp : Hệ thống thu gom, thoát nước mưa; hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; Công trình, thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải theo quy định của pháp luật; Hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục đối với hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định của Luật này; Diện tích cây xanh bảo đảm tỷ lệ theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Căn cứ khoản 2 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định các yêu cầu mà cụm công nghiệp đang hoạt động phải đáp ứng: Hoàn thành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành; Các trường hợp đã được miễn trừ đấu nối vào hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung phải bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi xả ra môi trường; có phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường đối với nước thải và có hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục theo quy định của pháp luật.
Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp phải đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường cụm công nghiệp theo quy định Không tiếp nhận thêm hoặc nâng công suất dự án đầu tư có phát sinh nước thải trong cụm công nghiệp khi chưa có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung; Thu gom, đấu nối nước thải của các cơ sở trong cụm công nghiệp vào hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung.../.
Bùi Minh
Bình luận