Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Chủ nhật, 11/08/2024 07:08
TMO - Tại tỉnh Hà Giang, hàng năm nguồn thu đáng kể từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, tăng thu nhập cho hàng trăm hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh và làm cho những cánh rừng đầu nguồn ngày càng xanh tốt.
Thông tin từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hà Giang, năm 2024, tỉnh Hà Giang có hơn 457.000ha rừng được chi trả dịch vụ môi trường với tổng số tiền là hơn 106,5 tỷ đồng. Đến hết tháng 5/2024, Hà Giang đã hoàn thành 100% kế hoạch chi trả. Để nguồn vốn trong Quỹ chi trả DVMRT được triển khai nhanh, kịp thời, đúng, đủ, Quỹ đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Ban Kiểm soát, đơn vị dịch vụ chi trả tiền, UBND cấp huyện, cấp xã và các tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng sớm giải ngân tiền DVMTR cho chủ rừng, bên nhận khoán bảo vệ rừng đảm bảo đúng định mức.
Hiện nay, huyện Vị Xuyên đang thực hiện chi trả tiền DVMTR theo kế hoạch của năm 2023 với tổng số tiền trên 9 tỷ đồng. Trong đó, Ban quản lý rừng phòng hộ là hơn 1,5 tỷ đồng và các xã, thị trấn là hơn 7,4 tỷ đồng. Cùng với đó, các huyện, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ chi trả tiền DVMTR, dự kiến đến giữa tháng 8 sẽ hoàn thành toàn bộ.
Từ chính sách chi trả DVMTR, nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các chủ rừng, hộ nhận khoán rừng ngày càng được nâng cao. Trên địa bàn huyện có 242 Tổ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng ở 24 xã, thị trấn. Các đợt tuần tra rừng được tổ chức thường xuyên, thành viên trong các Tổ đã trở thành cánh tay đắc lực, hỗ trợ lực lượng kiểm lâm truy quét các điểm nóng về phá rừng, khai thác gỗ rừng tự nhiên trái pháp luật.
Từ chính sách chi trả DVMTR, nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các chủ rừng, hộ nhận khoán rừng ngày càng được nâng cao.
Thực hiện chính sách chi trả DVMTR, đến nay thành phố Hà Giang đã chi trả hơn 758 triệu đồng tiền DVMTR (kế hoạch năm 2023), trong đó: Chi cho cá nhân, hộ gia đình hơn 290 triệu đồng/1.415 hộ; chi cho UBND cấp xã, phường hơn 468 triệu đồng. Để đảm bảo công khai, minh bạch, chi đúng, chi đủ, UBND thành phố Hà Giang chỉ đạo Hạt Kiểm lâm thành phố phối hợp với UBND các xã, phường tổ chức tuyên truyền cho các hộ gia đình, chủ rừng, cộng đồng dân cư thôn, tổ nắm được các quy định, hướng dẫn thay đổi liên quan đến chính sách chi trả DVMTR thông qua các buổi họp dân với; định hướng các thôn, tổ trong việc sử dụng và ghi chép tiền DVMTR; hướng dẫn rà soát, kiện toàn các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng của các thôn, tổ trên địa bàn toàn thành phố.
Huyện Yên Minh có tổng diện tích tự nhiên trên 77.520 ha; trong đó đất quy hoạch cho lâm nghiệp trên 51.811 ha (diện tích có rừng trên 31.379 ha; diện tích chưa có rừng gần 20.432 ha). Hàng năm, trên địa bàn huyện có trên 20.000 ha rừng được chi trả tiền DVMTR, trong đó có 187 thôn, tổ dân phố và trên 3.200 hộ gia đình là chủ rừng được giao quản lý, bảo vệ.
Từ năm 2017 đến cuối năm 2023, các cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình trên địa bàn huyện Yên Minh đã được chi trả gần 50 tỷ đồng tiền DVMTR. Riêng năm 2023, số tiền DVMTR chi trả trên địa bàn huyện là trên 10,9 tỷ đồng. Trong đó chi trả cho các hộ dân trên 3,5 tỷ đồng; cộng đồng dân cư trên 5,7 tỷ đồng; Ban quản lý rừng phòng hộ huyện trên 1,6 tỷ đồng; Đồn Biên phòng Bạch Đích trên 18,4 triệu đồng.
Để đảm bảo nguồn kinh phí DVMTR chi trả cho các cộng đồng dân cư được sử dụng đúng mục đích đem lại hiệu quả cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, hàng năm các ngành chức năng của huyện đều tổ chức kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí hỗ trợ. 100% các thôn sau khi tiếp nhận kinh phí đều tổ chức họp thông báo công khai số kinh phí được thụ hưởng để người dân trong thôn biết và bàn bạc, trưng cầu ý kiến về việc sử dụng vào các mục đích như: Xây dựng, sửa chữa trụ sở thôn; làm đường bê tông, mở mới đường liên thôn; hỗ trợ cho các tổ đội tuần tra bảo vệ rừng; kéo điện lưới... Đối với các thôn chưa sử dụng đến hoặc sử dụng chưa hết kinh phí thì đưa vào làm quỹ thôn phục vụ các nội dung công việc thiết yếu phát sinh khác.
Những chính sách về bảo vệ và phát triển rừng như hỗ trợ gạo bảo vệ rừng, khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ trồng rừng, cây giống... đặc biệt là chính sách chi trả tiền DVMTR đã giúp hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, việc làm, an sinh xã hội cho người dân địa phương, từ đó thực hiện được mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng.
Hà Giang đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng bền vững, nâng cao đời sống của người dân cũng như công tác bảo vệ, phát trển rừng.
Những năm qua, Hà Giang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú về chính sách chi trả DVMTR nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người dân về chính sách chi trả DVMTR cũng như trong công tác bảo vệ phát triển rừng. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về chính sách chi trả DVMTR bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Từ năm 2012 đến nay, đơn vị đã tổ chức gần 300 hội nghị, lớp tập huấn, tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR gắn với công tác bảo vệ rừng tại cơ sở; xây dựng hàng trăm biển tuyên truyền, pa nô, chỉ dẫn mang ý nghĩa bảo vệ rừng gắn với chính sách chi trả DVMTR tại các khu dân cư; cấp phát gần 80.000 ấn phẩm truyền thông về chính sách chi trả DVMTR như sổ tay theo dõi, tờ rơi, quạt nhựa. Cùng với đó, thời gian qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh phối hợp với các trường học, tổ chức Đoàn Thanh niên trên địa bàn tỉnh tổ chức gần 30 hội thi về chính sách chi trả DVMTR. Đối tượng của hội thi phần lớn là học sinh, đoàn viên, thanh niên và các chủ rừng.
Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã tập trung nguồn lực để triển khai nhiều mô hình, chính sách giảm nghèo. Với chủ trương, chính sách đúng đắn và dựa vào những giá trị rừng đem lại, các địa phương đang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, bảo vệ, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, Với trên 460.000 ha diện tích có rừng, bên cạnh công tác quản lý, bảo vệ 385.687 ha rừng tự nhiên, ước tính từ năm 2021 - 2023, toàn tỉnh Hà Giang trồng mới được 18,1 triệu cây xanh và trồng rừng sau khai thác khoảng 8.920 ha. Thực hiện các chương trình dự án, kế hoạch, các xã vùng II, III đã được hỗ trợ trồng rừng sản xuất 1.254 ha; hỗ trợ và khoán cho công tác bảo vệ rừng đối với 290.827 ha.
Với mức khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ bình quân trên 215 nghìn m3/năm, giá trị sản xuất ngành Lâm nghiệp hàng năm là 1.500 tỷ đồng, chiếm hơn 10% trong cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp. Các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng không chỉ tác động tích cực đến môi trường, sinh thái, mà còn đẩy mạnh phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp nguyên liệu ổn định cho các nhà máy, cơ sở chế biến gỗ. Đặc biệt, với diện tích rừng được chi trả tiền cung ứng dịch vụ môi trường rừng đạt hơn 100 tỷ đồng mỗi năm, đây là nguồn thu không nhỏ đối với đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.
Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã có những tác động nhất định làm thay đổi nhận thức của người dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần giảm thiểu tình trạng mất rừng, suy thoái rừng, tránh chặt phá rừng bừa bãi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, tạo nguồn lực xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi như: Đường giao thông, trụ sở thôn, bể nước, trường học, kênh mương và bổ sung quỹ xây dựng phát triển thôn.../.
Đức Việt
Bình luận