Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 15:01
Thứ sáu, 13/10/2023 07:10
TMO - Tỉnh Hà Giang cam kết phối hợp chặt chẽ với ngành điện để thực hiện các dự án theo đúng Quy hoạch điện VIII được phê duyệt và các chương trình mục tiêu nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Hà Giang là tỉnh miền núi có địa hình phức tạp, dân cư sống rải rác nên việc kéo điện lưới quốc gia về các thôn vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn. Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã phối hợp chặt chẽ với ngành điện khắc phục khó khăn, huy động tối đa nguồn lực để phấn đấu đến năm 2025, 100% các thôn vùng sâu, vùng xa được sử dụng điện lưới quốc gia.
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện tại, tỉnh Hà Giang được cấp điện từ trạm biến áp (TBA) 220 kV Hà Giang và TBA 220 kV Bắc Quang (1x250 MVA), 5 đường dây 220 kV kết nối lưới điện với tổng chiều dài khoảng 290 km.Ngoài ra là các đường dây 110 kV liên kết với lưới điện các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang. Các máy biến áp 220 kV trên địa bàn tỉnh Hà Giang thường mang tải cao nhất vào mùa mưa, khi các nhà máy thủy điện phát cao. Lưới điện 110 kV cấp điện từ 5 TBA 110 kV với quy mô công suất 261 MVA, tỉ lệ mang tải trung bình các máy biến áp khoảng 55,6%.
Hà Giang là địa phương có lợi thế phát triển nguồn thủy điện nhằm mang lại doanh thu, ngân sách lớn (trung bình 30-40% tổng thu ngân sách), hiện tại, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 37 nhà máy thủy điện đang vận hành với tổng công suất 534,2 MW. Trong đó, 2 nhà máy thủy điện đấu nối vào lưới 220 kV với công suất 124 MW: 15 nhà máy thủy điện đấu nối vào lưới điện 110 kV với tổng công suất 285,5 MW; 20 nhà máy thủy điện đấu nối vào lưới điện trung áp với tổng công suất 124,7 MW. Sau khi TBA 220 kV Bắc Quang (250 MVA) đưa vào vận hành (tháng 7/2023) đã tăng cường khả năng giải tỏa công suất của các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh vào lưới điện truyền tải. Dự kiến, từ nay đến năm 2025, tỉnh Hà Giang sẽ có thêm 116,7 MW từ nguồn thủy điện.
Đường dây 220 kV mạch kép đấu nối với TBA 220 kV Bắc Quang. Ảnh: TT.
Để đáp ứng nhu cầu phụ tải, giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện trên địa bàn, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang và khu vực lân cận, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đang triển khai công tác đầu tư xây dựng các công trình lưới điện truyền tải. Với Dự án xây dựng đường dây 220 kV Lưu Xá - rẽ Tuyên Quang - Phú Bình và Nâng khả năng tải các đoạn đường dây có tiết diện nhỏ thuộc các đường dây 220 kV Hà Giang - Bắc Mê - Thái Nguyên được dự kiến khởi công tháng 03/2025, hoàn thành đóng điện tháng 12/2025, hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị dự án nên chưa có vướng mắc.
Bên cạnh đó, dự án Lắp máy biến áp 220 kV-250 MVA thứ 2 TBA 220 kV Bắc Quang (kế hoạch hoàn thành đóng điện tháng 7/2024), EVNNPT đã trình Sở Công Thương tỉnh Hà Giang thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi ngày 22/9/2023. EVNNPT kiến nghị Sở Công Thương sớm thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án để có căn cứ triển khai các bước tiếp theo.
EVN cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, EVN và các đơn vị thành viên gặp phải các khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch. Về chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư thực hiện dự án, theo Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, với các dự án đầu tư xây dựng các công trình lưới điện mà có đề nghị Nhà nước giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu thì đều phải trình chủ trương đầu tư lên UBND cấp tỉnh (với các dự án trên địa bàn 01 tỉnh) hoặc Thủ tướng Chính phủ (với các dự án trên địa bàn từ 02 tỉnh trở lên).
Ngoài các vướng mắc nêu trên, trong quá trình triển khai còn một số khó khăn vướng mắc liên quan đến thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, bồi thường và giải phóng mặt bằng. Để thực hiện được chương trình đầu tư các dự án điện theo quy hoạch được duyệt, đáp ứng nhu cầu cấp điện cho phụ tải và giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh, EVN đề nghị UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương, các đơn vị của ngành điện (EVNNPT, EVNNPC, PC Hà Giang) trong lập, trình, thẩm định Quy hoạch tỉnh và xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hà Giang (trong đó có danh mục các dự án điện, kế hoạch sử dụng đất,...) trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để có căn cứ thực hiện, trong đó đề xuất các có cơ chế để thuận tiện trong quá trình triển khai, hạn chế phải điều chỉnh quy hoạch.
Đồng thời hỗ trợ EVNNPT, EVNNPC trong chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư đối với các dự án lưới điện theo quy định của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14; chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện tạo điều kiện và hỗ trợ EVNNPT/EVNNPC trong công tác thỏa thuận hướng tuyến đường dây và vị trí TBA, bồi thường giải phóng mặt bằng theo mục tiêu tiến độ yêu cầu, đảm bảo đủ quỹ đất cho các công trình điện để thực hiện đầu tư theo quy hoạch được duyệt.
Tỉnh Hà Giang cam kết phối hợp chặt chẽ với ngành điện để thực hiện các dự án điện theo Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt.
Đối với những đề xuất kiến nghị của EVN và các đơn vị, tỉnh Hà Giang cam kết phối hợp chặt chẽ với ngành điện để thực hiện các dự án theo đúng Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các chương trình mục tiêu nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia để đảm bảo đồng bộ, hiệu quả.
Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang cho biết, tỉnh Hà Giang là địa phương có nguồn thu ngân sách lớn từ các nguồn thủy điện. Vì vậy việc giải tỏa nguồn điện này có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tỉnh mong muốn EVN, EVNNPT, EVNNPC quan tâm đầu tư các dự án đấu nối, giải tỏa công suất nguồn thủy điện. Đối với những đề xuất kiến nghị của EVN và các đơn vị trực thuộc, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang yêu cầu các sở, ngành nghiên cứu tiếp thu và tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh. Từ đó giải quyết kịp thời vì mục tiêu phát triển của ngành điện cũng là của tỉnh Hà Giang.
Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang giao Sở Công Thương làm đầu mối phối hợp với ngành điện để tổng hợp những khó khăn vướng mắc từ phía ngành điện để tham mưu UBND tỉnh giải quyết trong thời gian sớm nhất. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt đôn đốc các huyện để vào cuộc quyết liệt hỗ trợ ngành điện. Lãnh đạo tỉnh Hà Giang cũng mong muốn EVN và các đơn vị quan tâm đầu tư cung cấp điện cho những thôn, bản chưa có điện của tỉnh. Đồng thời thống nhất phương án để tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn do các tổ chức trong tỉnh đang quản lý vận hành.
Là tỉnh giáp biên, việc kéo điện về các thôn vùng biên được tỉnh Hà Giang đặc biệt quan tâm. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 17, nhiệm kỳ 2021-2025 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tất cả các thôn biên giới đạt tiêu chí nông thôn mới về điện. Đến nay, tất cả các xã, thị trấn đã có điện lưới quốc gia về trung tâm; 1.867 thôn bản (hơn 90% số thôn bản toàn tỉnh) có điện; hơn 182 nghìn hộ (93% tổng số hộ toàn tỉnh) được sử dụng điện lưới quốc gia, tăng gần 11 nghìn hộ so với năm 2020. Hiện đã có 157 công trình lưới điện được đầu tư, trong đó có 31 công trình do Điện lực Hà Giang làm chủ đầu tư.
Hạnh Nguyễn
Bình luận