Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ năm, 05/10/2023 14:10
TMO - Tỉnh Hà Giang xác định, phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững để vừa nâng cao giá trị kinh tế, vừa tăng độ che phủ rừng. Với nhiều giải pháp đồng bộ, hướng đi này đang cho thấy hiệu quả tích cực trong việc bảo vệ, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên rừng tại địa phương.
Với tổng diện tích đất tự nhiên trên 7.927 km2, trong đó diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp chiếm hơn 72% tổng diện tích tự nhiên, do đó công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Hà Giang. Đến năm 2022, toàn tỉnh Hà Giang có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp đạt trên 576.348 ha, cao nhất vùng Đông Bắc bộ, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, từ năm 2017 đến nay, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch để phát huy lợi thế về lâm nghiệp với quan điểm xuyên suốt: Lấy quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu. Phát triển lâm nghiệp bền vững đi đôi với trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học và từng bước nâng cao độ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.
Từ năm 2017 đến nay tỉnh Hà Giang đã trồng mới tập trung được hơn 32.211 ha, trong đó có trên 9.162 ha được cấp Chứng chỉ rừng bền vững (FSC); trồng phân tán được 11,6 triệu cây các loại. Qua đó, hình thành vùng nguyên liệu bền vững theo tiêu chuẩn quản lý, bảo vệ rừng của Hội đồng quản trị rừng thế giới; mở ra cơ hội lớn cho người trồng rừng trong xuất khẩu gỗ vào thị trường quốc tế và được hưởng giá trị kinh tế cao hơn 10 – 15% so với rừng không được cấp Chứng chỉ FSC. Từ thực hiện chủ trương phát triển rừng đã mang lại tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng lâm sản giai đoạn 2018 - 2022 đạt hơn 30 triệu USD.
Cán bộ kiểm lâm địa phương hướng dẫn người dân chăm sóc diện tích rừng trồng mới. Ảnh: HX.
Để công tác phát triển, quản lý bảo vệ rừng đạt hiệu quả hơn, Hà Giang đã thực hiện ký kết và triển khai có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa 3 tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang - Cao Bằng trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng khu vực giáp ranh; Triển khai chấm điểm thi đua giữa UBND các huyện, thành phố trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng, đấu tranh, ngăn chặn các điểm nóng về phá rừng trái pháp luật. Cắm mốc phân định ranh giới rừng giữa rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã giao được 103.268 ha/464.371ha rừng, trong đó đã hoàn thành công tác giao rừng cho các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ…
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Hà Giang vẫn còn một số hạn chế và khó khăn, vướng mắc, như: Quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch 3 loại rừng còn chồng chéo, chưa thống nhất, thiếu tính đồng bộ; chất lượng các đơn vị lập, điều chỉnh quy hoạch còn thấp. Công tác giao đất, giao rừng chưa được thực hiện đồng bộ, triển khai chậm, đến nay mới đạt dưới 25% so với diện tích rừng hiện có do thiếu nguồn kinh phí để thực hiện. Tăng trưởng của ngành lâm nghiệp chưa bền vững, lợi nhuận thấp, thu nhập của người làm nghề rừng, người dân sống liền rừng, gần rừng thấp, không ổn định.
Nhằm phát huy lợi thế về lâm nghiệp, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 16 về phát triển lâm nghiệp bền vững, giai đoạn 2021 – 2025; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 29 về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Trong đó, hỗ trợ 5 triệu đồng/ha đối với trồng rừng sản xuất bằng cây giống tốt (cây keo), 8 triệu đồng/ha đối với trồng rừng bằng cây gỗ lớn. Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch 85 về đột phá trồng rừng kinh tế theo chính sách của HĐND tỉnh, ngành Lâm nghiệp đã có bước phát triển đột phá về thâm canh trồng rừng kinh tế sử dụng cây giống tốt, phát triển kinh tế rừng trồng với tư duy mới, đưa nghề rừng trở thành nghề chính trong khu vực có tiềm năng. Đối với các huyện vùng cao chủ yếu trồng cây Sa mộc, Thông, Tống quá sủ, Lát; đối với huyện vùng thấp tập trung trồng rừng kinh tế với các loại cây như Keo, Quế, Hồi, Xoan, Mỡ, Bồ Đề...
Tại tỉnh Hà Giang, đa số đồng bào các dân tộc có nguồn thu nhập chính từ canh tác nông, lâm nghiệp, với hơn 80% người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, lâm nghiệp. Chi trả dịch vụ môi trường rừng được đánh giá là nguồn tài chính quan trọng và bền vững của ngành lâm nghiệp, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời góp phần cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng, sống phụ thuộc vào rừng mà chủ yếu là đồng bào nghèo miền núi, vùng sâu, vùng xa
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hà Giang tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo đúng kế hoạch; rà soát lại diện tích rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng để bổ sung hoặc trừ bỏ những diện tích rừng không còn đủ điều kiện cung ứng dịch vụ môi trường rừng; phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những mô hình quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả; khuyến khích, hướng dẫn các chủ rừng, tổ chức, cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng sử dụng công nghệ, máy móc hiện đại vào công tác quản lý, bảo vệ rừng; phối hợp nắm bắt thông tin, chỉ đạo kịp thời, ngăn chặn từ xa các ý đồ, hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Các tổ bảo vệ rừng tại các địa phương giữ vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ, phát triển . Ảnh: BL.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng, trong những năm tới tỉnh Hà Giang nhất quán về quan điểm, mục tiêu và những nhiệm vụ giải pháp trọng tâm sau: Phát triển lâm nghiệp bền vững phải đi đôi với trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện hài hòa các mục tiêu phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, bảo tồn đa dạng sinh học và từng bước nâng cao độ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.
Phát triển lâm nghiệp bền vững dựa trên tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh, nâng cao chất lượng rừng trồng gắn với cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững và chế biến sâu lâm sản; bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có, trọng tâm là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng gắn với đẩy mạnh trồng rừng bổ sung, khoanh nuôi, tái sinh rừng. Thực hiện giao rừng cho hộ dân, cộng đồng đạt từ 40% tổng diện tích rừng tự nhiên trở lên.
Tỉnh Hà Giang, phấn đấu đến năm 2025, độ che phủ rừng đạt 60%; diện tích rừng được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 6.500 ha, nâng tổng diện tích rừng được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững đạt 15.600 ha. Trồng mới 19,7 triệu cây xanh. Nâng cao chất lượng rừng sản xuất đa mục tiêu, phấn đấu năng suất rừng trồng bình quân đạt 80-120m3/ha/chu kỳ 7 năm trở lên. Tổ chức khai thác và trồng lại rừng sau khai thác khoảng 13.560 ha. Phấn đấu giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 20% trong cơ cấu giá trị của nhóm ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Khánh Huyền
Bình luận