Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 13/04/2025 15:04
Thứ sáu, 11/04/2025 06:04
TMO - Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh áp dụng các nền tảng hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, du khách để phát triển du lịch cộng đồng theo hướng thông minh.
Nhận thức được chuyển đổi số thành công sẽ đem lại nhiều lợi ích và tiềm năng lớn cho sự phát triển của ngành du lịch Hà Giang, hiện nay, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp công nghệ cũng như thiết lập các chính sách phù hợp để tăng tốc chuyển đổi và đem lại trải nghiệm tích cực hơn cho du khách.
Việc tiếp cận chuyển đổi số đã góp phần tạo ra các sản phẩm dịch vụ du lịch hấp dẫn, nâng cao trải nghiệm cũng như hiệu quả quảng bá, phát triển du lịch cộng đồng bền vững.
Nhờ đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp, trong quý I năm 2025, lượng khách du lịch đến Hà Giang đạt 848.350 lượt người (trong đó, khách quốc tế 107.888 lượt, khách nội địa 740.462 lượt), tương đương so với cùng kỳ 2024, đạt 24,2% KH. Tổng chi tiêu khách du lịch trên địa bàn ước đạt 2.280,8 tỷ đồng. Các nền tảng số đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối du khách với người dân địa phương để du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin về các hoạt động truyền thống như lễ hội và trò chơi dân gian.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, du lịch (DL) cộng đồng tại tỉnh Hà Giang đang phát triển mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố khác nhau. Ngày nay, du khách không chỉ tìm kiếm những điểm đến nổi tiếng mà còn mong muốn có những trải nghiệm chân thực, gần gũi với văn hóa bản địa.
Điều này đã mở ra cơ hội lớn cho DL cộng đồng, nơi mà người dân địa phương có thể chia sẻ đời sống, phong tục, tập quán, những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc. Các nền tảng số đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối du khách với người dân địa phương để du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin về các hoạt động truyền thống như lễ hội và trò chơi dân gian, giúp du khách có cơ hội hiểu sâu sắc về phong tục, tập quán và lối sống của cộng đồng. Sự tương tác này không chỉ làm phong phú thêm chuyến đi mà còn xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa du khách và cộng đồng.
Đồng thời, thông qua các ứng dụng DL thông minh, du khách có thể dễ dàng tiếp cận thông tin chi tiết về điểm đến, lịch trình và dịch vụ, cùng với đánh giá từ những người đã trải nghiệm trước đó. Điều này giúp du khách lên kế hoạch chủ động khám phá các hoạt động thú vị tại địa phương, từ những địa điểm ít người biết đến cho đến những quán ăn ngon và sự kiện độc đáo, góp phần làm cho chuyến đi trở nên ý nghĩa hơn. Chuyển đổi số cũng mang lại cơ hội lớn để đa dạng hóa sản phẩm DL cộng đồng, tạo ra các trải nghiệm phong phú và độc đáo, cho phép du khách khám phá các làng nghề truyền thống, di tích lịch sử.
Tại Phố cổ Đồng Văn được tích hợp ứng dụng cẩm nang du lịch, tạo thuận lợi cho du khách khi tìm kiếm thông tin. (Ảnh: CM).
Hoạt động trên phần tăng thêm sức hấp dẫn, giá trị quảng bá cho các điểm đến của cộng đồng. Chuyển đổi số đóng vai trò kết nối các thành phần trong cộng đồng, xây dựng một hệ sinh thái DL thống nhất; các hộ gia đình, làng nghề, nhà hàng, khu lưu trú có thể dễ dàng hợp tác để hình thành các gói dịch vụ phong phú và toàn diện.
Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị sản phẩm DL cộng đồng mà còn tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong cộng đồng. Ứng dụng công nghệ hiện đại đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của ngành DL nói chung và loại hình DL cộng đồng nói riêng. Các giải pháp số đã giúp nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa, đa dạng hóa sản phẩm, tối ưu hóa quản lý và tăng cường kết nối giữa các thành viên trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, để thu hút được khách du lịch, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã tổ chức thành công các chương trình, lễ hội, thu hút đông đảo người dân và du khách như: Lễ hội Lồng Tồng tại các huyện Quang Bình, Bắc Quang, Vị Xuyên; Lễ hội hoa Đào và hoa Lê tại huyện Đồng Văn; chương trình nghệ thuật và trình diễn thời trang Hỷ sắc Lạc Hồng; chương trình đón những vị khách đầu tiên đến Hà Giang trong năm 2025; hội nghị chuyên đề về phát triển du lịch và gặp gỡ doanh nghiệp du lịch, đơn vị truyền thông du lịch năm 2025.
Đồng thời tỉnh Hà Giang đã ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động truyền thông quảng bá thương hiệu “Hà Giang - điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á; Hà Giang - Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu Châu Á; lập Đề án “Định vị và phát triển thương hiệu du lịch tỉnh Hà Giang”; khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại huyện Đồng Văn và Bắc Mê, khuyến khích, thúc đẩy người dân, các chủ cơ sở kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực du lịch ứng dụng chuyển đổi số, quảng bá các điểm du lịch qua các nền tảng mạng xã hội như facebook, tiktok, youtube…
Du lịch được tỉnh Hà Giang xác định là ngành kinh mũi nhọn, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế theo hướng bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Trong giai đoạn tiếp theo, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung theo Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 10/4/2025 về việc thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số vừa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký.
Trong đó, chú trọng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh: Thúc đẩy du lịch thông minh, du lịch xanh, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư bền vững, đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi công nghệ trong thanh toán dịch vụ du lịch hướng tới giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt; hướng dẫn và khuyến khích khách du lịch sử dụng các hình thức thanh toán điện tử trên các thiết bị thông minh…/.
Thanh Hằng
Bình luận